Bình luận về vụ sa thải Ancelotti, cây bút Paul Hayward của nhật báo Guardian (Anh) đã viết như sau: Nhà tỷ phú Roman Abramovich hiểu sai mối liên kết giữa cách hành xử của ban lãnh đạo với những hiệu ứng gây ra ở bên trong cũng như chung quanh một CLB bóng đá. Đó là một thất bại. Mỗi lần sa thải HLV cũ để tìm HLV mới như thế này chỉ có lợi cho đối thủ…
Cách nhìn của Paul Hayward thật chí lý! Bởi vì trên thực tế, quả là Carlo Ancelotti đã dính đòn từ ông chủ Chelsea - từng đòn một - trong mùa bóng này. Tháng 11 năm ngoái, Ancelotti bị đánh ngã lần thứ nhất khi trợ lý đắc lực Ray Wilkins của ông ta bị Abramovich đột ngột sa thải.
Tháng 1 vừa rồi, Ancelotti bị đá thêm một cú nữa - Abramovich mua Fernando Torres với giá 50 triệu bảng Anh, buộc ông ta phải ưu tiên sử dụng trong thành phần thi đấu.
![]() |
Hiddink (phải) và vị trợ lý Ray Wilkins đã bị Abramovich sa thải thời gian ông làm HLV tạm quyền cho Chelsea. |
Như Ancelotti đã nói ở cuộc họp báo trước trận sân nhà cuối cùng của ông, Torres rõ ràng là một tiền đạo đẳng cấp nhưng sự xuất hiện của Torres vào giữa mùa bóng như thế chỉ làm cho mọi chuyện rối tung. Ancelotti không có đủ thời gian điều chỉnh chiến thuật, các tiền vệ Chelsea không đủ thời gian thích ứng với Torres. Thế là nhiều kết quả đáng thất vọng đã xảy ra - hay nói cho đúng là tiếp tục xảy ra - và chúng góp phần không nhỏ vào thất bại ở mùa này.
Theo đó, dấu hiệu rõ rệt nhất về sự cáo chung của triều đại Ancelotti là trận đối đầu trực tiếp Man.United tại Old Trafford, ngày 8-5. Hôm ấy, ông cương quyết để Torres ngồi dự bị, ông trọng dụng Drogba trong chiến thuật sở trường của Chelsea: 4-3-3.
Sự dũng cảm ấy không ngăn được Man.United thắng 2-1, không cản được Man.United trên hành trình lập kỷ lục 19 lần vô địch Anh. Mặc dù vậy, nó xác nhận rằng Ancelotti vẫn biết phải làm gì và dám làm theo lương tri nghề nghiệp thay vì chỉ theo... “ý sếp” - một ông chủ không thể gọi là giỏi về chuyên môn.
o0o
Và bây giờ, ông chủ ấy sẽ lại tìm một HLV mới, rước về Stamford Bridge để rồi sau một vài mùa bóng, biết đâu vị HLV ấy sẽ lại trở thành một nạn nhân mới.
Như ai nấy đều biết, Ancelotti là HLV thứ 6 kể từ khi kỷ nguyên Abramovich bắt đầu cách đây 8 năm, sau Claudio Ranieri, Jose Mourinho, Avram Grant, Felipe Scolari, Guus Hiddink. Vậy là “con đường văn hóa” trong việc dẫn dắt đội bóng, một đội ngũ ít thay đổi trong những năm ấy, đã đi từ Italia tới Bồ Đào Nha, Israel, Brazil, Hà Lan, trở lại Italia và biết đâu sẽ lại quay về Hà Lan - vì Abramovich đang xem Hiddink là ưu tiên tuyển mộ.
Quả là... đa hệ! Tuy nhiên, mỗi lần thay đổi đều mang tới phương pháp huấn luyện mới, các mối quan hệ mới, một hệ suy nghĩ mới ở cầu thủ về những cái họ thích và những cái không thích. Tóm lại là mỗi cuộc đổi thay ấy đòi hỏi một sự thích nghi mới. Các cầu thủ Chelsea lâu nay vẫn tỏ ra gan lì lạ thường qua những cú sốc ấy, nhưng khả năng chịu đựng cũng như thích ứng của họ đâu phải là vô hạn.
Họ đã nhiều lần nhìn thấy vị HLV trưởng của họ bị trói bằng sợi dây từ bên trên thả xuống. Họ cũng nhiều lần mang cảm giác rằng nhà cầm quân của họ phải căng đầu ra tính toán để giữ ghế thay vì thảnh thơi hoạch định cho tương lai. Mỗi lần như thế đều sẽ là một lần ngấm ngầm bào mòn năng lực chuyên môn.
Giai đoạn sa sút thậm tệ nhất của Chelsea ở mùa giải 2010-2011 đã bắt đầu từ lúc Wilkins - chiếc cầu nối giữa ban huấn luyện với tập thể thi đấu - bị sa thải. Và dĩ nhiên, giai đoạn sa sút lạ thường ấy đã giúp ích rất nhiều cho Man.United, một Man.United rõ ràng không thật hùng mạnh như những mùa vô địch trước đây.
Đó chính là hậu quả bao trùm nhất của những vụ như vụ Carlo Ancelotti vừa qua. Như cây bút Paul Hayward đã nói, mỗi lần Chelsea rối rắm chỉ có lợi cho đối thủ của Chelsea mà thôi.
o0o
Một câu hỏi cuối: Nếu quả thực Guus Hiddink được mời - và mời được Hiddink - làm HLV mới thì sao? Trong vài tháng tạm quyền ở cuối mùa bóng 2008-2009 để thay Scolari bị sa thải, vị HLV tài danh này đã vực dậy Chelsea, giành được Cúp FA và để lại nơi đội bóng những tình cảm tốt đẹp trước lúc chia tay. Do vậy, cái tên Hiddink sáng giá nhất vào lúc này là phải rồi.
Nhưng cũng nên lưu ý một điều: Đến để vực dậy một Chelsea đang khủng hoảng, đang mất cả phương hướng lẫn niềm tin và đến với Chelsea ngay từ đầu, đó là 2 tình huống và 2 cảm giác hoàn toàn khác biệt.
Hai năm trước, Hiddink đến với Chelsea như một người chữa cháy. Đã chữa cháy thì cứu được cái gì là quý cái nấy. Ngược lại, lúc dựng xây Chelsea lên thì... để cháy cái gì là chết cái nấy, nhất là với Abramovich...
Hưng Nguyên
Các tin, bài viết khác
-
Nutifood lên kế hoạch tài trợ đội U23 Việt Nam nếu đội này được tham dự V-League
-
Thần đồng điền kinh Thái Lan chạm gần đến ngưỡng của Usain Bolt
-
Giải chạy bộ Đất Mũi Marathon Cà Mau 2022
-
Đội tuyển U19 Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022
-
Thái Sơn Nam bị Sài Gòn FC chia điểm đầy kịch tính
-
Barca dọa kiện Roma vì rút lui khỏi Joan Gamper Trophy
-
Chơi đầy nỗ lực tại chung kết, Nguyễn Anh Tú giành HCB đơn nam vô địch Đông Nam Á
-
Wimbledon: Novak Djokovic khởi đầu chật vật với 4 ván, sẽ đấu đối thủ Australia đầu tiên kể từ sự cố Australian Open
-
Arsenal sẽ không dừng lại ở Gabriel Jesus
-
Quang Hải, ngôi sao làm thay đổi suy nghĩ về chuyện xuất ngoại