Hậu Brexit của bóng đá Anh

Bóng đá Anh đang trải qua mùa giải cực kỳ khó đoán. Nhà vô địch Liverpool gặp thách thức lớn trên đường bảo vệ ngôi vô địch giải ngoại hạng. 
Phil Foden là niềm tự hào của Man.City và nước Anh
Phil Foden là niềm tự hào của Man.City và nước Anh

Arsenal đã vuột mất cơ hội bảo vệ danh hiệu cúp FA sau khi bị Southampton đánh bại với tỷ số 1-0 vào cuối tuần qua. Chỉ còn Man.City là vào đến chung kết cúp Liên đoàn trên tư cách nhà đương kim vô địch.

Câu chuyện về Man.City đang thu hút sự quan tâm của giới truyền thông. Đội bóng bị xem là “dùng tiền mua danh hiệu” dường như cho thấy họ có sự ổn định nhiều hơn các đội bóng khác nếu tính trong vòng 10 năm qua. Tại cúp FA dành cho các đội bóng trẻ (U18) mùa trước, Man.City lần đầu tiên vô địch kể từ năm 2008, thời điểm mà các ông chủ Ả Rập đổ tiền vào đội bóng.

Điều thú vị ở chỗ, trong đội hình U18 của Man xanh, chỉ duy nhất một cầu thủ nước ngoài là Diounkou đến từ Senegal. Như vậy, các tài năng nước Anh đâu phải kém cạnh nếu được đầu tư đúng cách. Trường hợp của tiền vệ Phil Foden đang chơi rất thành công ở đội 1 Man.City trong giai đoạn mà Pep Guardiola không có trong tay tiền đạo nào là ví dụ tiêu biểu. 

Man.City cho thấy bóng đá Anh “hậu Brexit” không gặp trở ngại gì. Theo luật lao động, các CLB Anh sẽ không được phép mua bán cầu thủ trẻ nước ngoài nào dưới 18 tuổi. Như vậy, hiện tượng kiểu như Cesc Farbregas đá đội 1 Arsenal năm 16 tuổi chắc chắn không còn xảy ra và bản thân các tài năng trẻ của Anh cũng không sớm ra nước ngoài. 

Theo nhận định của HLV Jurgen Klopp (Liverpool), tác động của hậu Brexit không có lợi cho bóng đá bởi theo ông, những tài năng trẻ người Anh sẽ không có cơ hội được tập luyện chung với các tài năng nước ngoài cùng trang lứa. Vấn đề là Man.City lại chứng minh mọi thứ vẫn ổn. Thế nên, để biết hậu Brexit lợi hay hại thì cần phải chờ thành tích của những CLB hàng đầu ở những giải đấu dành cho đội 1.

Về cơ bản, do danh tiếng của giải ngoại hạng Anh nên tiền chuyển nhượng cầu thủ tăng quá cao, vượt khả năng chi trả của các đội, kể cả những đội nhà giàu. Thế nên, đội như Liverpool sẽ sử dụng chính sách tài năng trẻ kèm theo HLV giỏi để vừa tiết kiệm ngân sách, vừa xây dựng lối chơi ổn định. Sau ngày 1-1-2021, sẽ không còn tài năng trẻ nào ngoài nước Anh được cấp phép lao động khi chưa đủ 18 tuổi, cũng có nghĩa là hệ thống tuyển trạch và các học viện đào tạo toàn cầu của những đội như Arsenal sẽ khó phát huy hiệu quả khi mà họ không thể gởi cầu thủ trẻ đến Anh từ sớm để thích ứng và thi đấu. Ít nhiều gì thì hậu Brexit cũng sẽ làm bóng đá Anh thay đổi, tương tự như Covid-19.

Tin cùng chuyên mục