Ở bất kỳ đại hội thể thao nào, hai môn điền kinh và bơi lội cũng được xếp lên hàng đầu, được xem là hai môn chủ lực, mà chúng ta còn gọi là anh cả của các môn Olympic. Một đoàn thể thao mạnh thì nhất thiết phải mạnh ở hai môn này, phải tranh chấp nổi huy chương.
Sau hơn nửa thế kỷ tham gia các kỳ đại hội, điền kinh Việt Nam mới chỉ bám đuổi được các đối thủ ở đấu trường SEA Games, nơi mà thể thao vẫn bị coi là “vùng trũng” của thế giới. Sự khởi sắc của điền kinh bắt đầu từ cuộc bùng nổ huy chương vàng tại kỳ SEA Games 22, tổ chức ngay trên sân nhà, dù tại các SEA Games trước đó ta cũng rải rác đoạt được huy chương các loại.
Song, với đấu trường Asian Games, điền kinh Việt Nam cho đến nay vẫn là con số 0. Dù chúng ta cũng có trong tay cựu vô địch châu Á Bùi Thị Nhung ở môn nhảy cao, nhưng phong độ thi đấu kém, không ổn định làm người hâm mộ hoài nghi chiếc huy chương vàng châu lục lần đó là ăn may.
Tại Asian Games 15, đội tuyển điền kinh Việt Nam gồm 12 vận động viên (7 nữ), dưới sự dẫn dắt của ông Dương Đức Thủy, vừa quản lý bộ môn vừa ôm luôn vai trò Tổng thư ký Liên đoàn. Nhìn chung thành tích vận động viên của ông qua đại hội chỉ ở mức trung bình, kém. Bùi Thị Nhung chỉ nhảy qua mức 1,88m, hạng 4. Nguyễn Duy Bằng còn tệ hơn, chỉ qua 2,10m, xếp hạng 10/15.
Anh và đồng nghiệp, cũng là người yêu Nguyễn Ngọc Tâm, chỉ qua mức xà 1,75m, hạng 9/12, đều bị Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh phê bình nặng nề, vì thi đấu thiếu tích cực trong giải. Trong tổ nhảy còn có Lê Thị Phương thi đấu vô cùng kém ở nội dung nhảy sào, với 3,80m, hạng 7/7.
Vũ Văn Huyện tệ hơn nữa, khi chỉ “đeo” được 5 môn và bỏ cuộc 5 môn còn lại. Nguyễn Đình Cương về hạng 5/7 chạy 800m và 8/9 chạy 1.500m, bị loại từ vòng ngoài. Niềm hy vọng marathon Nguyễn Chí Đông có nhiều cố gắng để hoàn tất cự ly 42,195km, nhưng cũng chỉ xếp trên được 1 VĐV, về hạng 18/19.
Đội chạy nữ có phần khá hơn và khá nhất là Vũ Thị Hương đều lọt vào chung kết ở hai nội dung đầy khó khăn là 100m và 200m. Đặc biệt ở cự ly chung kết 100m nữ, Hương về hạng 4/8, với 11 giây 59, thua 3 VĐV sừng sỏ là K. Guzel (Uzbekistan) 11 giây 27, S. Jayasingher (Sri Lanka) 11 giây 34, A. Ruqaya (Bahrain) 11 giây 40 và xếp trên các cường quốc điền kinh khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, đến chung kết cự ly 200m, vì chấn thương, Hương đành bỏ cuộc thật đáng tiếc. Đỗ Thị Bông về hạng 2/6 vòng loại và 7/8 chung kết chạy 800m, với 2 phút 07 giây 75. Trương Thanh Hằng, hạng 4/12 cự ly chung kết 1.500m, với thành tích khá tốt 4 phút 17 giây 66 và hạng 3/4 cự ly 800m vòng loại.
Bơi lội còn kém hơn, với 3 tay bơi (1 nữ), dự tranh 8 nội dung và đều bị loại từ vòng đầu. Vũ Thùy Dương hạng 3 vòng loại 50m ếch nữ (35 giây 12), hạng 3 loại 100m ếch (1 phút 16 giây 19) và hạng 5 loại 200m ếch (2 phút 45 giây 94).
Đỗ Huy Long hạng 4 loại 200m ngửa (2 phút 13 giây 21), hạng 8 vòng loại 50m bướm (26 giây 87), hạng 4 loại 100m ngửa (1 phút 0 giây 58), hạng 7 loại 50m ngửa (28 giây 29).
Vô địch SEA Games 23 Nguyễn Hữu Việt kém nhiều đối thủ trong cùng khu vực Đông Nam Á trong lần tranh tài này, khi hạng 5 vòng loại 50m ếch (30 giây 20), hạng 4 vòng loại 100m ếch (1 phút 04 giây 90, kém thành tích khi đoạt HCV SEA Games là 1 phút 03 giây 80), hạng 4 vòng loại 200m ếch (2 phút 25 giây 95, kém thành tích đạt được tại SEA Games 22 là 2 phút 22 giây 24).
Dự tranh những môn chủ lực, nhưng thành tích VĐV như thế thì thể thao Việt Nam khó “vượt vũ môn”.
LINH GIAO
Các tin, bài viết khác
-
UEFA cập nhật tương lai của Euro 2020
-
Thua sốc Sheffield, HLV Solskjaer chỉ trích trọng tài và hàng thủ
-
Soi các đối thủ của Viettel tại AFC Champions League 2021
-
Thomas Tuchel: “Chelsea sẽ thách thức danh hiệu trong tương lai”
-
Tay đua Thibaut Pinot né Tour de France để tránh 'vận đen'
-
Quỷ đỏ thua sốc đội cuối bảng ở Old Trafford
-
Thua 2 trận, Hà Nội FC không thể không vội
-
Ngoại binh V-League 2021: Cũ người mới ta
-
Các hảo thủ quần vợt Việt Nam thể hiện sức mạnh ở giải VTF Masters 500 – Hải Đăng Cúp 2021
-
Oscar muốn trở lại Chelsea để viết tiếp ‘câu chuyện đẹp’ ở Stamford Bridge