Gió đổi chiều

Có một chi tiết ngoài lề, đó là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào “cửa trên” trong một trận đấu ở cấp độ đội tuyển quốc gia trước Thái Lan. Lịch sử cho thấy, trước đây kể cả khi chúng ta đang có phong độ thì chưa bao giờ các hãng cá cược quốc tế lại đánh giá thấp Thái Lan hơn cả.

Thực tế thì suốt từ năm 1995 đến nay, Việt Nam chỉ có đúng 2 lần giành chiến thắng trước Thái Lan ở một trận đấu chính thức. Đầu tiên đó là trận thắng 3-0 ở Hàng Đẫy hồi Tiger Cup 1998 và 10 năm sau, là chiến thắng 2-1 ở chung kết lượt đi AFF Cup 2008 tại Bangkok.

Nhưng từ Cúp giao hữu M-150 vốn dành cho các cầu thủ U23 hồi cuối năm 2017 đến nay, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Hai trận liên tiếp đá tại Thái Lan, trong khuôn khổ King’s Cup và vòng loại World Cup, đội bóng của HLV Park Hang-seo đều đạt kết quả rất tốt. Một lần thì không tính, nhưng nhiều lần và cùng một đội ngũ thì có thể kết luận: Thái Lan không còn là “ông kẹ” với Việt Nam nữa.

Từ chỗ “đá đâu thua đó” đến “đá mãi không thua” là một sự chuyển đổi vô cùng đặc biệt. Trong bóng đá có khái niệm “kỵ rơ”. Kiểu như Thái Lan luôn gặp khó khi đá với Malaysia, ngược lại Malaysia thì ngại Việt Nam, còn chúng ta thì trước đây có khi chưa đá đã thua mỗi lần gặp Thái.

Chuyện một thế hệ đã phá được “dớp” trước Thái Lan không chỉ là một phép thắng lợi tinh thần, mà còn có thể thay đổi được những điều lớn lao hơn. Trước năm 1993, bóng đá Thái Lan không phải là mạnh nhất Đông Nam Á, nhưng thế hệ của những Kiatisak, Taiwan, Dusit… đã khởi nguồn cho sự thống trị của người Thái suốt hơn 15 năm với 8 HCV SEA Games liên tiếp cùng 3 chức vô địch Đông Nam Á. Một thế hệ cầu thủ giỏi có thể tạo ra một giai đoạn đặc biệt. Trong giai đoạn đó, không thể nói là bóng đá Việt Nam không mạnh, nhưng có một điều bất di bất dịch, đó là sự thua kém về bản lĩnh mỗi khi đối đầu với Thái Lan. Chúng ta xem họ là một mục tiêu phải vươn đến, và vì vậy cứ chịu áp lực vô hình kể cả khi Thái Lan… chưa làm gì cả.

Thế nên, khi xuất hiện một thế hệ cùng nhà cầm quân gắn bó lâu dài, thì đó là cơ hội để bóng đá Việt Nam viết lại sự thống trị như người Thái đã làm tại khu vực Đông Nam Á. Không còn là sự hơn thua ở một trận đấu cụ thể, mà là cơ sở để xây dựng một nền tảng cho lâu dài. Một khi Thái Lan đang rơi vào trạng thái “cửa dưới”, điều đó cũng có nghĩa mô hình phát triển của Thai-League không đi đúng hướng. Bùng nổ từ 2008 đến nay, nhưng chất lượng con người mà Thai-League cung cấp cho đội tuyển của họ không như kỳ vọng. Như vậy, không phải mọi thứ ở Thai-League đều tốt. Đây chính là bài học cho những nhà quản lý của Việt Nam trong việc cải tổ hệ thống thi đấu nội địa để tận dụng nguồn cảm hứng từ đội tuyển của ông Park Hang-seo.

Mỗi lần gặp Thái Lan, người hâm mộ đều muốn đội tuyển đánh bại họ. Khao khát đó là bình thường. Nhưng nếu nhìn xa hơn, kết quả chỉ là một khía cạnh, thật ra thì đội tuyển của HLV Park Hang-seo đã thắng Thái Lan ngay trước khi bóng lăn. Và đó mới là điều quan trọng nhất.

Tin cùng chuyên mục