Lâu lắm rồi, kể từ sau thế hệ vàng với những Diệu Châu, Ngọc Hoa, Bùi Thị Huệ, Kim Huệ, Phạm Thị Yến… bóng chuyền nữ Việt Nam mới xuất hiện những tay đập giàu triển vọng và còn rất trẻ như Trần Thị Thanh Thúy (VTV Bình Điền Long An) và Lê Thanh Thúy (Vietsov Petro). Nói như ông Nguyễn Bá Nghị - Phó chủ tịch LĐBC Việt Nam, “họ là tương lai của đội tuyển nữ Việt Nam trong vài năm tới”…
![]() |
Những lần lên lưới, phụ công Thanh Thúy (8- Vietsov Petro) đã gây không ít khó khăn cho hàng chắn đối phương. Ảnh:Anh Tài |
Thực ra, phụ công Lê Thanh Thúy đã gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn bóng chuyền cách đây gần 2 năm, ở giải VĐQG 2011. Lúc đó Thúy chưa đầy 16 tuổi và việc thi đấu trong màu áo của nữ Hà Nội khiến nhiều người cảm thấy ái ngại cho cô. Thế nhưng, “ngọc thô” Thanh Thúy vẫn tỏa sáng và cách xử lý bóng rất thông minh trên lưới của cô đã buộc giới chuyên môn phải trầm trồ. Nhiều lời chào mời sau đó được gửi đến Thúy, nhưng rốt cuộc, hơn 1 năm sau cô gái gốc Hải Phòng đã gật đầu gia nhập Vietsov Petro với hy vọng tài năng của mình có cơ hội thăng hoa hơn nữa.
Ít ra, đến thời điểm hiện tại, lựa chọn của cô phụ công 18 tuổi này (cao 1m80) được cho là hợp lý, vì ngay lập tức Thúy được đưa vào đội hình chính và thi đấu rất hay trong màu áo Vietsov Petro ở VTV Bình Điền Cup 2013 vừa diễn ra ở Gia Lai. Thanh Thúy cũng là một trong những trụ cột của đội tuyển nữ trẻ Việt Nam lúc này.
Đối với Trần Thị Thanh Thúy, sự xuất hiện của cô còn khiến giới chuyên môn bóng chuyền trong nước ngạc nhiên hơn. Chưa đầy 16 tuổi, nhưng lần ra mắt chính thức trong đội hình VTV Bình Điền Long An ở giải đấu họ là đội chủ giải, Thanh Thúy đã buộc tất cả phải suýt xoa về chiều cao (1m90) và cách nhập cuộc đầy khát vọng của mình.
Mặc dù theo đánh giá của HLV Nguyễn Quốc Vũ (VTV Bình Điền Long An), kỹ thuật của Thúy chưa thật hoàn chỉnh, cần rèn luyện nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, HLV này cũng khẳng định chỉ khoảng 1-2 năm nữa, Thanh Thúy đủ sức trở thành trụ cột của đội bóng Long An.
Chính đàn chị Ngọc Hoa - một trong những trụ cột của đội tuyển nữ Việt Nam - cũng phải buột miệng: “Chỉ 1-2 mùa nữa thôi, cô bé này sẽ làm mưa làm gió ở làng bóng chuyền nữ. May thay, khi lứa tụi em bắt đầu chững lại, 2 gương mặt nổi bật cùng mang tên Thanh Thúy lại xuất hiện. Đấy là điều đáng mừng không chỉ của các CLB mà của cả đội tuyển nữ quốc gia”.
o 0 o
Làng bóng chuyền nữ bỗng nhiên trở nên tươi mới hơn sau sự xuất hiện của “nhị Thúy” trong 2 đội bóng hàng đầu Việt Nam. Sau lứa Kim Huệ, Ngọc Hoa, Diệu Châu, Bùi Huệ, Phạm Yến… giờ đây bóng chuyền nữ Việt Nam lại có quyền mơ mộng ở các đấu trường quốc tế với cặp chủ công-phụ công trẻ trung này.
Nhưng đấy là chuyện của tương lai, của một vài năm tới khi cả hai đã cứng cáp về chuyên môn và bản lĩnh. Còn bây giờ, HLV Sergey Alekseev và HLV Nguyễn Quốc Vũ lại lo lắng vì nếu ép cả hai “chín” sớm, chưa biết chừng lại cho phản ứng ngược.
Tiền lệ đã có, tức là trước đây từng có nhiều tay đập trẻ nổi lên sớm, nhưng khi được triệu tập lên ĐTQG lại ngày một đi xuống về chuyên môn vì chuyện dùng người không hợp lý của các HLV ở đội tuyển. Chẳng hạn, phụ công Đinh Thị Trà Giang được xem là tài năng đầy hứa hẹn của bóng chuyền nữ Việt Nam, nhưng sau vài mùa tập trung ĐTQG, ngồi dự bị nhiều và không có cơ hội để phát triển, cô không tiến hơn được nữa ngoài kết luận “đánh tạm được” từ giới chuyên môn.
Thành ra, điều quan trọng nhất lúc này chính là cách đầu tư, cách gìn giữ tài năng của các cấp CLB lẫn từ phía giới chức bóng chuyền Việt Nam. Hai gương mặt cùng mang tên Thanh Thúy đều đầy triển vọng, nhưng họ cần thêm thời gian để trui rèn nghề nghiệp, bản lĩnh thi đấu và các trận đấu ở giải trẻ hoặc giải VĐQG là thước đo cho sự tiến bộ của họ, chứ không cần được tâng bốc để sớm tự mãn với nghề.
Lẽ ra, chủ công trẻ Trần Thị Thanh Thúy chưa được trình làng ở VTV Bình Điền Cup 2013, nhưng do chủ công Kim Đính dính chấn thương phải nghỉ thi đấu vài tháng, BHL đội bóng buộc phải đôn cô từ đội trẻ lên đội 1. Các HLV lo ngại khi chưa được trang bị đầy đủ yếu tố để trở thành một VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp, người trẻ tuổi như Thanh Thúy sẽ dễ bị chai lỳ cảm xúc thi đấu và dễ mắc bệnh “ngôi sao” khi bị ép “chín” vội.
Thanh Lâm
Các tin, bài viết khác
-
Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam tập trung chuẩn bị SEA Games 31
-
VTV Bình Điền Long An thay đổi để thành công
-
Cựu hoa khôi bóng chuyền say mê nghề thống kê kỹ thuật
-
Giải bóng chuyền VĐQG 2020: Trọng tài bị chỉ trích vì liên tiếp mắc sai sót?
-
Chung kết giải bóng chuyền VĐQG 2020: Thông tin LVPB và Sanest Khánh Hoà lên ngôi
-
Vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2020: Nam đấu tại Nha Trang, nữ so tài ở Đắk Lắk
-
Vòng 2 Giải bóng chuyền VĐQG 2020: Kim Huệ và Đoàn Thị Xuân trở lại đội hình Ngân hàng Công thương
-
Huyền thoại Ngọc Hoa cầm quân ở giải U23 quốc gia 2020
-
Khơi lửa phong trào bóng chuyền
-
‘Sát thủ’ Aprilia Manganang chia tay sự nghiệp bóng chuyền ở tuổi 28