Giải vô địch bóng chuyền U.23 nữ châu Á 2019: Chủ nhà “dễ thở” ở vòng bảng

Nằm chung bảng A với 2 đối thủ New Zealand và Maldives, đội tuyển U.23 Việt Nam được cho là không gặp nhiều khó khăn ở vòng đấu bảng đầu tiên, thậm chí sẽ dễ dàng chiếm lấy ngôi dẫn đầu ở giải đấu diễn ra ngay trên sân nhà từ 13-7 đến 21-7. Điểm nhấn của sân chơi năm nay chính là việc Ban tổ chức giải đưa vào thử nghiệm công nghệ Video Channel (tương tự công nghệ VAR trong bóng đá) giúp các trọng tài điều hành trận đấu chính xác và công bằng hơn, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp.

Chủ công Trần Thị Thanh Thuý (3) từng đoạt danh hiệu tấn công xuất sắc ở giải đấu năm 2017.
Chủ công Trần Thị Thanh Thuý (3) từng đoạt danh hiệu tấn công xuất sắc ở giải đấu năm 2017.

Sân chơi trẻ châu Á năm nay thiếu vắng đội đương kim vô địch Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng vẫn có đội á quân Thái Lan, đội hạng tư Đài Bắc-Trung Hoa và đội hạng ba chính là chủ nhà U.23 Việt Nam. Chưa kể, có thêm đội từng vô địch mùa giải đầu tiên là U.23 Trung Quốc góp mặt, chắc chắn sẽ tạo nên màn cạnh tranh quyết liệt cho các thứ hạng dẫn đầu.

Rõ ràng, cơ hội để chủ công Trần Thị Thanh Thuý và các đồng đội ở đội tuyển U.23 Việt Nam tiến xa là rất thuật lợi, bởi lẽ ở vòng đấu bảng đầu tiên họ chỉ đụng độ 2 đối thủ nhẹ ký là New Zealand và Maldives tại bảng A. Khó khăn chỉ đến ở vòng đấu kế tiếp, vì nếu đứng đầu hay xếp nhì tại bảng A, thầy trò U.23 Việt Nam cũng chắc chắn sẽ đối đầu với U.23 Trung Quốc và U.23 Đài Bắc-Trung Hoa (nhiều khả năng sẽ chia nhau các vị trí nhất và nhì bảng C).

Chuyền 2 Thu Hoài tự tin trước giải đấu.
Hy vọng rằng, cú hích từ chiến thắng ở Cúp hoà bình châu Á diễn ra cách đây chưa lâu trên đất Indonesia cũng phần nào tạo cảm hứng cho thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt bước vào giải châu lục với phong thái tự tin. Chính ông Lê Trí Trường (Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam) cũng cho rằng những giải đấu như thế này mới giúp các VĐV Việt Nam nhận biết mình đang ở đâu, hơn hay kém bạn bè về trình độ chuyên môn, về bản lĩnh trận mạc và tiềm năng phát triển.

Đa số các tuyển thủ U.23 như Thanh Thuý, Thu Hoài, Kim Thanh, Việt Hương, Dương Thị Hên, Lâm Oanh… cũng sẽ có tên trong thành phần đội tuyển quốc gia dự VTV Cup, ASEAN Grand Prix và đặc biệt là đấu trường SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay ở Philippines. Vì vậy, theo ông Trường, đây là dịp để các tuyển thủ khẳng định tài năng của bản thân.

U.23 nữ Việt Nam nằm ở bảng A khá "nhẹ ký".
Đội hình U.23 Việt Nam hiện tại dù chưa quy tụ được hết những gương mặt xuất sắc nhất từ các CLB trên cả nước, tuy nhiên, điểm mạnh lại chính là tinh thần đoàn kết, khả năng phối hợp chiến thuật khá nhịp nhàng, gắn kết. Hơn nữa, nhờ được thi đấu ngay trên sân nhà cũng là lợi thế cho thầy trò ông Nguyễn Tuấn Kiệt.

13 đội bóng tham dự giải được chia thành 4 bảng, thi đấu ở 2 địa điểm là Nhà thi đấu Gia Lâm và Nhà thi đấu quận Tây Hồ (cùng của Hà Nội). Khán giả sẽ được vào dự khán các trận đấu hoàn toàn miễn phí, hoặc có thể theo dõi qua kênh Thể thao TV và SMMTV (kênh truyền hình quốc tế phủ sóng tới 64 quốc gia) từ ngày 13-7 đến 21-7.

*Các bảng đấu tại giải:

-Bảng A: Việt Nam, New Zealand, Malvides

-Bảng B: Thái Lan, Australia, CHDCND Triều Tiên

-Bảng C: Đài Bắc-Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Quốc

-Bảng D: Kazakhstan, Hồng Công, Sri Lanka, Macau

Tin cùng chuyên mục