Ngày thi đấu thứ 2 (24-9) đã có thêm 6 KLQG mới bị xô ngã. Nổi bật vẫn là kỷ lục 100m ếch của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng). Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 3 tháng, Hữu Việt nâng cao được thành tích cá nhân. Hồi tháng 7, tại giải VĐTG, Việt đã nâng KLQG lên 1’02"17, và tối qua anh lại xuất sắc đạt đến thông số 1’02"02.
Với những chỉ số này, người hâm mộ cả nước hy vọng Việt sẽ tiếp tục thành công tại SEA Games 25. Tuyển thủ quốc gia Đỗ Huy Long (Hà Nội) cũng đã phá vỡ KLQG đã tồn tại 5 năm của đồng đội Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung 50m bướm lên 25"49, hơn 10% giây so với kỷ lục cũ (25"59).
![]() |
Nguyễn Hữu Việt tiếp tục vượt xa thành tích của chính mình ở cự ly 100m ếch. Ảnh: Quang Thắng |
Tối qua, Nguyễn Thanh Hải tiếp tục tỏa sáng, làm lu mờ tuyển thủ trẻ Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng) từng gây sóng gió đường bơi xanh năm ngoái. Dự cự ly 800m tự do, Thanh Hải phá KLQG với thành tích 8’27"63 (KL cũ 8’39"69 lập năm 2004 của Quang Huy - TPHCM). Đội Quân đội giành HCV và phá KLQG nội dung tiếp sức 4x100m tự do (KLQG cũ là 3’39"94), nên đoàn Đà Nẵng dù cũng phá KLQG (3’39"30) nhưng vẫn phải nhận HCB. Sau 2 ngày thi đấu, Quý Phước chưa thể giành HCV cho riêng mình, trong khi các nội dung sở trường đã dần trôi qua.
VĐV trẻ mới 15 tuổi Nguyễn Thị Kim Tuyến thêm một lần làm hài lòng BHL đội bơi TPHCM. Ngay ở cự ly chung kết đầu tiên của buổi tối, Tuyến phá KLQG 50m bướm đã tồn tại 16 năm của nữ kình ngư vang danh một thời Nguyễn Kiều Oanh. KLQG được lập từ tháng 4-1993 của Kiều Oanh là 29"20 (đã quy đổi theo đồng hồ điện tử) được Kim Tuyến rút ngắn xuống còn 28"69, tức là nhanh hơn khoảng nửa giây.
Các VĐV khác như Tâm Nguyện (100m tự do nữ) Võ Thanh Vy (400m tự do) cũng giành HCV giúp đoàn TPHCM bứt phá trên bảng xếp hạng với 6HCV, 5HCB và 5 HCĐ. Đoàn Quân đội tạm xếp thứ nhì (4HCV, 2HCB). Đoàn Hà Nội chỉ có Huy Long “cày ải” trong khi một số VĐV trụ cột như Vũ Thùy Dương (đang giữ KLQG 100m ếch chỉ về đích thứ năm) đang tạm xếp hạng 3 (2HCV, 1HCB).
Thanh Phong