Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022: Tìm lời giải bài toán vắng khán giả

Sức hút của mỗi giải đấu nằm ở công tác chuyên môn thế nhưng việc các khán đài vẫn vắng khán giả là điều mà những nhà tổ chức giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 chưa thể tìm được lời giải hữu hiệu.

Khán đài vắng khán giả vẫn là điều chưa thể giải quyết của ban tổ chức năm nay. Ảnh: MINH CHIẾN
Khán đài vắng khán giả vẫn là điều chưa thể giải quyết của ban tổ chức năm nay. Ảnh: MINH CHIẾN

Vòng bảng tại các điểm thi đấu ở Vĩnh Phúc và Ninh Bình của mùa giải năm nay đã khép lại sau tối ngày 9-7 với các lượt trận đấu của cả nam và nữ. Ghi nhận thực tế, khán đài ở các điểm thi đấu đều chung tình trạng vắng khán giả. Mặc dù năm nay, mỗi điểm đấu đều có đội chủ nhà tranh tài như nữ Vĩnh Phúc (góp mặt ở nhà thi đấu Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc); nữ Ninh Bình Doveco, nam Tràng An Ninh Bình (tại nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình) thế nhưng khán giả vào sân cổ vũ chưa bao giờ kín đủ chỗ ngồi.

Thậm chí, có những trận đấu tại Ninh Bình, 2 đội bóng thi đấu dưới sân gần nhưng chỉ được sự cổ vũ của những đội bóng khác tới theo dõi chứ không có khán giả vào cổ vũ. Trong điểm thi đấu tại nhà thi đấu Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), khán giả có vào theo dõi nhưng mật độ không cao.

Ban tổ chức đã tính tới phương án bán vé nhằm kích thích khán giả tới sân nhiều hơn. Tuy vậy, việc bán vé chỉ thực hiện được tại Ninh Bình với các mức 30 ngàn đồng/vé cho vòng bảng và 50 ngàn đồng/vé cho vòng tứ kết, chung kết còn địa phương Vĩnh Phúc không kịp áp dụng mà mở cửa vào nhà thi đấu tự do.

Lý giải việc khán giả vẫn chưa tới cổ vũ đông ở vòng bảng, giám sát bảng đấu tại Vĩnh Phúc – ông Nguyễn Huỳnh Điệp đưa quan điểm từ góc nhìn cá nhân “tôi nghĩ có nhiều lý do lý giải điều này. Một trong những yếu tố cần tăng cường hiệu quả hơn đó là công tác truyền thông của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho giải đấu bởi nếu quảng bá hình ảnh và truyền thông mạnh mẽ thì chắc chắn người dân biết được nhiều để tới xem. Hiện lúc này giải đấu đã có truyền hình trực tiếp nên một phần khán giả có thể còn quen ở nhà coi tivi mà chưa tới xem trực tiếp”.

Cho phép cầu thủ ngoại (ngoại binh) trở lại thi đấu là một trong những phương cách mà Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chờ đợi gia tăng chất lượng giải đấu và đưa khán giả vào sân nhiều hơn. Tuy nhiên, sau 10 năm khi điều này vừa thực hiện lại, hiệu ứng chưa thể đạt được ngay tức thì.

Thêm một lý do mà HLV các đội bóng chung chia sẻ rằng muốn khán giả đông hơn thì công tác điều hành chuyên môn từ các trọng tài phải tốt hơn, tránh những sai sót cá nhân dẫn tới những tranh cãi chưa kể không nhiều trận đấu tạo được tính bất ngờ ở chuyên môn.

Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường từng khẳng định, Liên đoàn sẽ tính toán để có những cách thức tổ chức hiệu quả nhất, có thể là trong thể thức thi đấu, nhằm kéo khán giả tới sân cổ vũ nhiều hơn. Trên thực tế, khi đội tuyển bóng chuyền Việt Nam thi đấu ở SEA Games 31 (tại Quảng Ninh) thì khán giả luôn vào sân cổ vũ chật kín khán đài nhưng với giải vô địch quốc gia dù vẫn những cầu thủ ấy trên sân khoác áo các CLB thi đấu, khán đài lại vắng khán giả nên chưa thể lý giải được.

Đại diện của 2 địa phương Vĩnh Phúc và Ninh Bình cho biết, ban tổ chức địa phương chờ đợi từ vòng tứ kết thì khán đài sẽ được lấp đầy chỗ trống hơn bởi đó là thời điểm các trận đấu đỉnh cao được diễn ra để từng đội tranh suất vào chung kết. Về điều này, mọi thứ vẫn phải chờ vào thực tế.

Trong lượt tứ kết, lần đầu tiên ở giải bóng chuyền vô địch quốc gia tại Việt Nam, Ban tổ chức sẽ lắp hệ thống “mắt thần” với các camera giám sát Video Challenge Eyes và điều này dự kiến khiến nhiều khán giả thấy thú vị và muốn tới xem trực tiếp tại nhà thi đấu.

Tin cùng chuyên mục