Giấc mơ từ truyện tranh

Khi trọng tài Victor Gomes thổi hồi còi mãn cuộc trên sân Khalifa, một lần nữa đất nước mặt trời mọc - Nhật Bản lại khiến tất cả phải nhắc về tinh thần chiến đấu bất khuất của mình. 
Tuyển Nhật Bản đả bại cả Tây Ban Nha và Đức
Tuyển Nhật Bản đả bại cả Tây Ban Nha và Đức

Cùng bị đánh giá là đội bóng cửa dưới, cùng bị dẫn trước trong hiệp một, và cùng tạo ra một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trong hiệp hai, đoàn quân của HLV Moriyasu đã khiến cả Đức và Tây Ban Nha phải ôm hận với cùng một kịch bản. Nhật Bản là đội thắng trận với tỷ lệ cầm bóng thấp nhất lịch sử World Cup, chỉ vỏn vẹn 17,7% trước Tây Ban Nha. Đội bóng châu Á cũng khiến cả Tây Ban Nha lẫn Đức trở thành 2 đội bóng duy nhất kể từ năm 1966 thực hiện hơn 700 đường chuyền nhưng vẫn thua cuộc.

Một lần thì may mắn, nhưng hai lần thì không thể là tình cờ. Nhật Bản đã làm được những điều mà có thời điểm, đó chỉ là giấc mơ trên những nét vẽ của Takahashi mấy chục năm trước. Nhưng đó là thứ giấc mơ khát cháy của một dân tộc không biết dừng lại trước nghịch cảnh. World Cup 1978 là kỳ cúp thế giới đầu tiên được phát sóng qua tivi tại Nhật Bản. Hình ảnh những mảnh giấy bay khắp sân cỏ cùng mái tóc sư tử của Mario Kempes khiến chàng trai 18 tuổi Yoichi Takahashi mê mẩn, anh quyết tâm phải vẽ bằng được một bộ manga về bóng đá.

Trả lời tờ Marca vào năm 2012, ông Yoichi Takahashi thừa nhận, mình đã vừa vẽ vừa theo dõi Barca thi đấu ngày đó. Ông thích Camp Nou và triết lý của Barca. Nhân vật chính của bộ truyện là cậu nhóc 11 tuổi, Ozora Tsubasa. Giấc mơ của Tsubasa là một ngày nào đó “đưa Nhật Bản vô địch World Cup”. Tsubasa được tuyển chọn vào đội U16 quốc gia và vô địch thế giới sau khi đánh bại Đức.

Trong thập niên 80 và 90, bóng đá phát triển như vũ bão tại xứ sở mặt trời mọc. Tsubasa là bộ truyện góp công lớn nhất trong cú đại nhảy vọt đó. Gần 40 năm đã trôi qua từ ngày Tsubasa lần đầu xuất hiện. Bộ truyện của Takahashi giờ thành bất tử với 15 bộ manga khác nhau, 6 bộ anime, 4 phim người đóng, 14 trò chơi điện tử, cùng sức ảnh hưởng không tưởng. Tsubasa có thể chính là lý do khiến Kazu Miura huyền thoại bỏ Nhật Bản để tới Brazil học chơi bóng và bắt đầu hành trình chu du tới Croatia, Italy để đưa bóng đá Nhật Bản ra thế giới. 

17 năm sau ngày Tsubasa xuất bản những số đầu tiên, Nhật Bản đã tham dự World Cup đầu tiên vào năm 1998.  

Và rồi như chúng ta đã biết, phút thứ 51 trong trận đấu với Tây Ban Nha, ngay cả khi bóng gần như đã đi hết đường biên ngang, Kaoru Mitoma không bỏ cuộc. Anh nỗ lực cứu bóng, thực hiện đường căng ngang cho đồng đội. Tanaka xuất hiện đúng lúc để tung cú dứt điểm, làm tung lưới đội tuyển Tây Ban Nha. Đó cũng là điều mà các cầu thủ trẻ trong Blue Lock - một bộ Manga nổi tiếng khác về bóng đá ở Nhật Bản, được dạy. Trong nhiều tình huống, tinh thần đồng đội không giúp ích, các chân sút cần nắm lấy khoảnh khắc quyết định của chính mình.

Hồi tháng 8, Nhật Bản công bố áo thi đấu tại Qatar là sự kết hợp các yếu tố Origami, nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản, còn các nhân vật trong Blue Lock đã mặc áo tại buổi ra mắt. Nếu Tshubasa là niềm cảm hứng để khởi đầu, thì Blue Lock chính là điểm tựa để giấc mơ thành sự thật. Lấy bối cảnh sau thất bại của Nhật Bản tại World Cup 2018, cùng câu hỏi: họ còn thiếu điều gì để giành chức vô địch? 

Cuối cùng, họ nhận ra rằng, đội bóng thiếu một sự thèm khát chiến thắng bằng mọi giá để cụ thể hóa giấc mơ. Tinh thần hiện đại và khát vọng chiến thắng của Blue Lock phần nào đã được tuyển Nhật Bản thể hiện trên sân cỏ World Cup 2022. Tất cả các cầu thủ áo xanh đều khao khát bàn thắng, không đầu hàng và tận dụng mọi cơ hội có thể.

Tin cùng chuyên mục