Futsal Việt Nam ‘đổi đời’ thế nào sau tấm vé tham dự Word Cup 2016?

Chiến tích lần đầu tiên tham dự một kỳ Futsal World Cup vào năm 2016  của đội tuyển Việt Nam đã tạo cú hích để thu hút nhiều tài trợ, đồng thời giữ chân các ông bầu tiếp tục đầu tư cho futsal Việt Nam.
Niềm vui của các cầu thủ futsal Việt Nam sau khi giành vé tham dự Futsal World Cup 2016. Ảnh: ANH TRẦN
Niềm vui của các cầu thủ futsal Việt Nam sau khi giành vé tham dự Futsal World Cup 2016. Ảnh: ANH TRẦN

Bộ môn futsal du nhập vào Việt Nam ở thập niên đầu của thế kỉ XXI với điểm nhấn cho sự ra đời của Giải futsal vô địch quốc gia (VĐQG) năm 2007. Nhưng cột mốc lịch sử cho sự chuyển mình vượt bậc của nền futsal nước nhà đến sau tấm vé tham dự Futsal World Cup 2016 của đội tuyển Việt Nam. Chiến tích cho lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi thế giới đã kích cầu cho sự phát triển của futsal Việt, và từ đó tạo thêm niềm tin, động lực cho những ông bầu có niềm đam mê, đồng thời thu hút nhiều nhà tài trợ đổ tiền đầu tư vào bộ môn này.

Mùa giải 2017 - tức một năm sau khi lọt vào vòng 1/8 Futsal World Cup 2016, Giải futsal VĐQG chính thức ra mắt nhà tài trợ mới với sự đồng hành của HD Bank. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn là nhà tài trợ chính thức của Giải đấu lẫn Cúp futsal Quốc gia. Chính sự uy tín của HD Bank đã kêu gọi thêm những đơn vị đồng hành khác (tài trợ, truyền thông...) với hi vọng ngày một nâng tầm chất lượng các sân chơi quốc nội.

Futsal Việt Nam ‘đổi đời’ thế nào sau tấm vé tham dự Word Cup 2016? ảnh 1 Sự xuất hiện của các nhà tài trợ LS và sau này là HD Bank đã ngày một nâng cao chất lượng của các giải futsal quốc gia
Điểm tựa đến từ nhà tài trợ chính và các đơn vị đồng hành đã đưa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đi đến quyết định mở rộng số CLB tham dự vòng chung kết Giải futsal VĐQG từ 8 lên thành 10, cũng bắt đầu từ mùa giải 2017. Điều này tạo nên cú hích để làm thay đổi nhận thức chuyên nghiệp của các CLB. Nổi bật như HPN Phú Nhuận (Sahako FC hiện tại) - đội futsal đi lên từ phong trào đã có nhà tài trợ mới, bên cạnh khu nhà ở riêng hiện đại. Đến mùa giải 2020, Sài Gòn FC vươn mình mạnh mẽ với quyết tâm lọt vào tốp 3 tại sân chơi quốc nội khi có một đơn vị ở Singapore “đỡ đầu”. 

Trong khi Sanna Khánh Hòa và Thái Sơn Bắc đầu tư có chiều sâu vào công tác đào tạo trẻ để xây dựng nền móng vững cho tương lai. Ngoài ra, sự ra đời của những CLB mới như Quảng Nam, Hưng Gia Khang Đắk Lắk và VietFootball đã thổi luồng gió mới cho các giải đấu. Đặc biệt, Thái Sơn Nam vẫn khẳng định được thương hiệu của đội futsal số 1 Việt Nam với 3 năm liên tiếp lọt vào tốp 4 Cúp CLB châu Á (2017-2019).

Futsal Việt Nam ‘đổi đời’ thế nào sau tấm vé tham dự Word Cup 2016? ảnh 2 Các CLB futsal tại Việt Nam ngày một nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp
Không chỉ “cái nôi” ở TPHCM, các giải futsal thuộc hệ thống chuyên nghiệp Quốc gia còn được mở địa điểm tổ chức tại Khánh Hòa, Đắk Lắk, mở ra rộng phía Bắc với Quảng Ninh và Nghệ An để thu hút sự quan tâm, theo dõi và cổ vũ từ mọi người. 

Ngoài ra thành công của đội tuyển Việt Nam ở Futsal World Cup 2016, sự đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ được nâng cao ở một số CLB đã mở ra hy vọng cho các cầu thủ nhí “đổi đời” từ futsal. Hàng loạt các giải đấu sân 5 người lần lượt xuất hiện ở miền Nam, nhiều đội futsal (Thái Sơn Nam, Sài Gòn FC, Sanna Khánh Hòa...) còn cử các đội trẻ tham dự các giải phong trào, và thậm chí đã có một đội dự tuyển U20 với nòng cốt cầu thủ được tuyển chọn từ sân chơi "phủi" được thành lập nhằm bổ sung lực lượng cho các đội tuyển futsal quốc gia.  

Futsal Việt Nam ‘đổi đời’ thế nào sau tấm vé tham dự Word Cup 2016? ảnh 3 Đội tuyển futsal Việt Nam đang chuẩn bị cho Futsal World Cup 2021
Rõ ràng, thành tích lọt vào vòng 1/8 Futsal World Cup 2016 của đội tuyển Việt Nam đã làm đổi thay diện mạo cho nền futsal nước nhà. Và hi vọng sau khi thầy trò HLV Phạm Minh Giang nối tiếp thành công với tấm vé tham dự sân chơi thế giới lần thứ 2 vào năm 2021, futsal Việt Nam sẽ tiếp tục có sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển hơn trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục