Đường đua cuộc đời

Nhà vô địch Nguyễn Thị Huyền không phải “bà mẹ 1 con” hiếm hoi trong làng điền kinh Việt Nam trở lại với đường đua sau một thời gian chia tay. Trước cô từng có nhiều người khác nữa, chẳng hạn là huyền thoại chạy 100m rào Vũ Bích Hường. Khi cảm nhận được sức vẫn còn mạnh, nhiệt huyết điền kinh vẫn chảy rần rần trong huyết quản, họ đã chọn ngày tái xuất…

Nguyễn Thị Huyền trở lại đường đua 400m rào nữ. Infographic: HỮU VI; Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nguyễn Thị Huyền trở lại đường đua 400m rào nữ. Infographic: HỮU VI; Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhà vô địch đặc biệt

Nguyễn Thị Huyền là một VĐV kỳ lạ, cũng sở hữu một tính cách gai góc, đôi lúc thích “nổi loạn”, giống như trước cô từng có nhà vô địch các cự ly ngắn Vũ Thị Hương. Nhưng xét về tài năng, Huyền cũng giống như đàn chị của mình, thuộc diện hiếm có trong lịch sử điền kinh Việt Nam, sở hữu những tố chất đặc biệt của nhà vô địch các cự ly chạy 400m và 400m rào, mặc dù với thể hình của mình, Huyền còn kém xa nhiều đồng nghiệp trong nước chứ chưa nói đến quốc tế.

Có thể Huyền từng nếm trải thất bại cay đắng, đối diện với những sóng gió của nghiệp chạy, của cuộc đời, nhưng ý chí phấn đấu của cô mạnh mẽ vô cùng. Nhà vô địch châu Á này từng trải qua cảm giác bị ruồng bỏ vì thành tích sa sút, có lần suýt bị loại khỏi đội tuyển quốc gia, chịu không ít điều tiếng rằng “ương bướng và thích cãi thầy”, thế nhưng vượt lên trên tất cả, tình yêu mà Huyền dành cho điền kinh là không để đo đếm được.

Nguyễn Thị Huyền lao vào tập luyện sau khi trở lại với đường đua điền kinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong sự nghiệp của mình, Huyền từng suýt bị loại khỏi đội tuyển quốc gia. Đấy là kỷ niệm buồn nhưng lại chất chứa đầy động lực phấn đấu về sau: Chỉ vài tháng trước thềm SEA Games 2017, Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã tính loại Huyền khỏi đội tuyển, vì cô xao lãng tập luyện và có biểu hiện của ngôi sao. Huyền được mời tham dự nhiều “show” truyền hình, nhẵn mặt với các chương trình và được không ít thương hiệu săn đón sau SEA Games 2015.

Thời điểm này, Huyền không duy trì được kỷ luật và tinh thần khổ luyện, bỏ tập, phân tán thời gian cho việc học đại học và yêu đương. Cô từng khiến HLV ruột Vũ Ngọc Lợi nổi giận đến mức viết đơn phản ánh lên Tổng cục TDTT.

Huyền rời Olympic Rio 2016 mà không để lại dấu ấn nào, thậm chí còn bị gạch tên khỏi danh sách đầu tư trọng điểm của ngành thể thao. Nhưng, chính lúc đó, Nguyễn Thị Huyền bất ngờ trở lại mạnh mẽ. Sau đám cưới với anh chàng giảng viên Đại học TDTT Từ Sơn, cô gái vàng của tổ chạy tốc độ được tiếp thêm nguồn động lực mới, có người chia sẻ gánh nặng gia đình, không còn quá vướng bận với mẹ già và chị gái có vấn đề về thần kinh ở quê…

Điền kinh là nghiệp của Huyền, bởi cô từng tâm sự như thế. Vì điền kinh đem lại cho cô danh tiếng và sự tôn trọng. Vì điền kinh nuôi dưỡng cho cô một ý chí vươn lên dữ dội, bỏ lại sau lưng những rắc rối, khó khăn của cuộc sống, để trở nên tốt hơn, hiếu thuận hơn và cống hiến hơn.
Nguyễn Thị Huyền trò chuyện với chuyên gia về giải đấu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
“Tính tôi ít khóc. Cũng không thích để người khác thấy nước mắt của mình. Chỉ có xúc động nhất là giây phút thấy quốc kỳ Việt Nam được kéo lên và Quốc ca vang lên. Lúc đó niềm tự hào dân tộc khiến tôi không kìm được cảm xúc. Tôi chỉ muốn mang lại niềm vui cho người khác”, Huyền từng tâm sự như thế ở SEA Games 2015, nơi lần đầu tiên chứng kiến cô gái vàng đoạt đến 2 HCV, xô ngã 2 kỷ lục Đông Nam Á và giành 2 chuẩn tham dự Olympic 2016.

Trong cách suy nghĩ của Huyền, người đối diện luôn nhận biết được cô chín chắn hơn rất nhiều so với tuổi đời của mình. Tất cả cũng chỉ giúp Huyền khẳng định bản lĩnh, tính cách tự lập của một cô gái mồ cô cha từ bé, nặng trên vai trách nhiệm chia sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình từ lúc mới chỉ tròn  15 tuổi.

Mãi mãi một tình yêu

Ở tuổi 26, đối với một VĐV, là vừa đến “độ chín” của sự nghiệp đỉnh cao. Hầu hết các VĐV tài năng đều tập trung tối đa tâm sức và khát vọng cho đường đua, sàn đấu để không chỉ giúp thể thao nước nhà gặt hái vinh quang mà còn chạm đến những khoản thu nhập “khủng” từ tiền lương, thưởng…

Xong, Nguyễn Thị Huyền lại chọn ngã rẽ khác, lập gia đình và sinh con, rồi mới tìm cách trở lại với điền kinh. 10 tháng sau khi sinh, khi “mặt trời bé con” của cô và người bạn đời Phạm Quỳnh còn chưa chập chững đi, chưa phát âm sõi lời nào, Huyền đã lao vào tập luyện, một mình chạy vùn vụt trên sân tập ở Trường Đại học TDTT Từ Sơn.

Cô gái vàng của tổ chạy tốc độ đang trở lại thật mạnh mẽ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Giải điền kinh quốc tế TPHCM mở rộng 2019 vừa kết thúc tối 19-7 là sự kiện đầu tiên mà Huyền đánh dấu sự trở lại đường đua của mình. Vẫn thanh thoát và đầy khát vọng, cô gái vàng của tổ chạy tốc độ không tìm ra đối thủ ở cự ly 400m nữ, dễ dàng tràn về đích để giành tấm HCV. Thành tích 59 giây thì dĩ nhiên là chưa cao, vì chính Huyền cũng chưa hài lòng với chính mình: “Sau lưng tôi không có đối thủ gây sức ép, nên một mình chạy về đích không đạt được thành tích tốt nhất. Tôi cần tập thêm rất nhiều để cải thiện thông số”.

Nhà vô địch có khuôn mặt khả ái thừa nhận cô khát khao được trở lại phục vụ đội tuyển quốc gia, lại tiếp tục được HLV Vũ Ngọc Lợi uốn nắn trên sân tập ở Nhổn cùng các đồng đội. “Tất nhiên, tôi phải xin phép và chờ thầy đồng ý, bởi vì chỉ có thầy mới hiểu tôi đang thiếu yếu tố gì để cấu thành sức mạnh, tốc độ… Tôi mong được thực sự trở lại và sẽ không làm phụ lòng bất cứ ai trông chờ”, Huyền rắn rỏi khẳng định.

Tin cùng chuyên mục