Đường đến đẳng cấp

Myanmar - Việt Nam có thể là một trận đấu thu nhỏ của 2 thế hệ được kỳ vọng của 2 nền bóng đá.

Năm 2014, khi lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường xuất hiện thì đó cũng là năm U.19 Myanmar làm nên lịch sử khi trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên dự World Cup trẻ thế giới bằng cách vượt qua vòng đấu loại. Hai năm sau, đến lượt bóng đá trẻ Việt Nam thực hiện kỳ tích tương tự.

Từ năm 2014 đến nay, bóng đá Myanmar cũng thay đổi mạnh về thành tích khi vào đến chung kết SEA Games 2015, bán kết SEA Games 2017 và AFF Cup 2016. Điều này khẳng định chất lượng “thế hệ 2014 của Myanmar”.

Việt Nam cũng thế, thế hệ 2014 kết hợp với lứa cầu thủ đá U.20 World Cup đã tạo ra cơn địa chấn tại giải U.23 châu Á và Asiad 2018. Những trận đấu tại AFF Cup 2018 lần này có thể xem là nơi để thế hệ mới của 2 nền bóng đá thể hiện nỗ lực trong hành trình vươn đến đẳng cấp mới cho mình.

Thế nhưng, câu chuyện mà chúng tôi muốn đề cập, lại không phải về Việt Nam hay Myanmar, mà lại là… Thái Lan.

Trong khoảng thời gian Myanmar hay Việt Nam và cả Indonesia thăng hoa ở các giải trẻ từ U23 trở xuống thì Thái Lan gần như bặt tiếng. Thậm chí, một vài thông tin còn cho biết giới quản lý bóng đá Thái Lan bị áp lực lớn từ người hâm mộ khi không thành công tại những giải đấu trẻ. Thế nhưng, hãy xem cách họ thi đấu ở 2 trận đầu tiên tại AFF Cup 2018. Dù không sử dụng đội hình mạnh nhất nhưng Thái Lan dường như vẫn sẽ đứng đầu bảng B một cách nhẹ nhàng. Khoan dùng đến từ “đẳng cấp”, trước mắt vẫn thấy Thái Lan nhỉnh hơn về trình độ chơi bóng, ít nhất là so với một ứng viên khác là Indonesia. 

Đây là câu chuyện cần quan tâm. Những tiến bộ của các đội tuyển trẻ ở các quốc gia khác vẫn không ngăn được Thái Lan đứng đầu bóng đá khu vực, một khi họ ra sân quyết tâm giành chiến thắng cuối cùng. Nói đúng hơn, ở đẳng cấp của U23 hoặc đội tuyển quốc gia, người Thái chơi thứ bóng đá khác, có bản lĩnh và sự hơn hẳn về năng lực kiểm soát trận đấu. Người Thái cũng không dùng 1 nhóm cầu thủ cho nhiều đội tuyển, bao gồm cả các HLV trưởng. Trong danh sách thi đấu của AFF Cup 2018, chỉ có đúng 1 cầu thủ từng đoạt HCV SEA Games 2017 và cũng chỉ 3 người còn sót lại từ SEA Games 2015. Các con số nói trên cho thấy sự phong phú về mặt nhân sự của bóng đá Thái Lan, vốn được xây dựng dựa trên nền tảng của giải vô địch quốc gia. Dù là cầu thủ nào, già hay trẻ, một khi đã được chọn vào đội tuyển thì đều có chất lượng. Vì vậy mà người Thái mới giữ được uy quyền của mình tại làng cầu khu vực để hướng tầm nhìn đi xa hơn.

Trở lại với trận đấu hôm nay và với bóng đá Việt Nam. Thực tế thì tại AFF Cup 2014 và 2016, chúng ta đều vào bán kết nhưng lại để thua một cách bất ngờ khi đá trận lượt về trên sân nhà. Xét ở góc độ nào đó, bóng đá Việt Nam không sa sút về chất lượng nhưng điểm yếu về bản lĩnh thì chẳng thay đổi. Khi cần khẳng định thì lại gây thất vọng. Cách người hâm mộ ăn mừng như thể sắp vô địch sau trận thắng Malaysia vừa qua cho thấy dường như chúng ta không có nhiều lòng tin vào trình độ của mình, bất kể các cầu thủ của HLV Park Hang-seo đã chứng minh năng lực suốt cả năm nay ở các sân chơi còn lớn hơn.

Trong khi người Thái tỏ ra thong dong trên con đường bảo vệ chức vô địch thì mỗi trận đấu của thầy trò HLV Park Hang-seo đều mang trên mình áp lực tăng dần qua từng trận thắng. Hy vọng là các cầu thủ giữ được bản lĩnh của mình được lâu dài, bởi để vô địch AFF Cup còn đến 6 trận đấu ở phía trước. Đó là con đường cần đến đẳng cấp thực sự chứ không chỉ là nỗ lực hay quyết tâm.

Tin cùng chuyên mục