Đừng để VĐV thiệt thòi!

Sau mỗi kỳ SEA Games, điều mà các HLV, VĐV trông đợi nhất chính là nhận được những khoản thưởng theo quy định, ngoài ra họ còn được thưởng thêm vì đã tạo dựng danh tiếng cho ngành thể thao địa phương. Còn những khoản được hứa khác thì chưa chắc có thật…
Cựu “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương
Cựu “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương
Cả tuần qua, cựu “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương đã gây bão trên mạng xã hội khi tiết lộ rằng trước đây cô từng được nhiều người hứa thưởng lớn nếu đoạt huy chương ở SEA Games, ASIAD hay những sân chơi lớn khác, nhưng rốt cuộc bị “xù”.
Thế nên ngay cả khi đã giải nghệ, Hương cho biết cô phải lên tiếng nhằm “nhắc nhở” những nhà tài trợ, mạnh thường quân đã trót hứa thưởng cho VĐV giành HCV thì phải thực hiện cho đàng hoàng, để ít nhất họ còn tạo dựng được lòng tin nơi người khác.
Tất nhiên, tiết lộ gây sốc của Vũ Thị Hương đón nhận nhiều ý kiến, đa phần ủng hộ. Song nhiều nhà quản lý ngành TDTT xưa và nay cũng đã lên tiếng phản biện, khi cho rằng việc các nhà tài trợ “xù” tiền thưởng xảy ra không thường xuyên và con số này không đáng kể. Thậm chí, chính ngành TDTT cũng nhận được những lời hứa hẹn đồng hành cùng các sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, nhưng cũng không ít lần rơi vào hoàn cảnh “leo cây” tương tự như VĐV.
Thật ra, lý giải theo cách này hay cách khác đều được cả. Có điều, những khoản thưởng lớn luôn là động lực, là đích ngắm đối với mỗi VĐV khi bước vào cuộc cạnh tranh thành tích với bạn bè quốc tế. Họ đã “lao động cật lực” để mang HCV về cho đất nước, thì điều đầu tiên VĐV và HLV nhận được chính là sự tôn trọng, kèm theo đó chính là tiền thưởng từ ngành, địa phương và từ xã hội. Tức là khi bước lên bục vinh quang đón nhận huy chương, các VĐV đã liên tưởng đến một viễn cảnh đầy hứa hẹn…
Đừng để VĐV thiệt thòi, nhất là sau khi họ đã hy sinh cả tuổi trẻ để phấn đấu vì danh tiếng của thể thao nước nhà. Chính điều đó đã thúc đẩy ngành TDTT liên tục đề xuất nâng mức thưởng cho VĐV giành thành tích cao ở các cấp độ đấu trường, giờ đây mới có được khung 45 triệu đồng/HCV, 25 triệu đồng/HCB và 20 triệu đồng/HCĐ cho SEA Games.
Chỉ tính riêng số tiền thưởng theo quy định cho VĐV Việt Nam vừa đoạt 58 HCV, 50 HCB và 60 HCĐ tại Malaysia 2017 đã lên đến khoảng 14 tỷ đồng. Ngoài ra, các đội tuyển gây ấn tượng mạnh như điền kinh, bơi lội, đấu kiếm, bóng bàn, xe đạp, karatedo… còn nhận được thêm những khoản tiền từ những nhà tài trợ đồng hành. Chẳng hạn, đội tuyển bóng đá nữ được VFF và nguồn xã hội hóa tưởng thưởng khoảng 4 tỷ đồng cho tấm HCV quý giá, đội tuyển điền kinh được hứa hẹn trao 2,1 tỷ đồng…
Những gương mặt thi đấu nổi bật ở SEA Games 29 như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thị Huyền và Lê Tú Chinh (điền kinh), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ)… tất nhiên sẽ “ngộp thở” trong mưa tiền thưởng. Họ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế sau những gì đã hy sinh và cống hiến cho sự hưng thịnh của thể thao nước nhà. Vì vậy, dư luận và giới truyền thông luôn sát cánh cùng họ ngay cả trong lúc khó khăn nhất, đồng thời là cuộc chiến giành lại công bằng kể cả về thành tích lẫn tiền thưởng…

Tin cùng chuyên mục