Đừng để đánh mất niềm tin

Môn điền kinh vẫn là môn thể thao được người hâm mộ Việt Nam chú ý nhất trong các giải thi đấu tính chất Đại hội, đặc biệt là Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Chúng ta luôn mong rằng, mỗi cuộc đấu và thành tích mang về đều từ nỗ lực bản thân và sòng phẳng chứ không liên quan tới chất cấm (doping).

Thể thao Việt Nam luôn đặt lên cao nhất việc phòng chống doping và giáo dục ý thức đối với các HLV, VĐV về vấn đề này. Ảnh: D.P
Thể thao Việt Nam luôn đặt lên cao nhất việc phòng chống doping và giáo dục ý thức đối với các HLV, VĐV về vấn đề này. Ảnh: D.P

Thời điểm hiện tại, mọi thông tin vẫn giữ kín và chưa được thông báo chính thức nhưng sự nghi vấn về việc có trường hợp VĐV đội tuyển điền kinh Việt Nam (có VĐV nam, nữ) dương tính với chất cấm (doping) khi thi đấu SEA Games 31 đã được đưa ra. Thậm chí, nghi vấn mẫu thử A của VĐV điền kinh giành được HCV tại Đại hội càng dấy lên những quan ngại của người hâm mộ về kết quả thi đấu.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn vào thực tế, không nên vội vàng đưa những phán xét khi chưa rõ tất cả. Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh từng bày tỏ “thông thường, khi VĐV có kết quả mẫu thử dương tính với doping, Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm chắc chắn sẽ làm việc rất kỹ càng để dựa trên kết quả thông báo về mẫu thử biết được VĐV dính chất cấm gì. Từ đó, thông qua tường trình của VĐV và HLV sẽ nắm thêm các cơ sở để biết nguồn dính doping có phải do các yếu tố bên ngoài, yếu tố thực phẩm, yếu tố thuốc chữa bệnh hay là chủ ý sử dụng chất cấm... Nhưng rõ ràng, các HLV đều đã được trang bị tri thức về thuốc và phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng nên cần có sự cảnh báo cho các VĐV trước khi dùng nếu là quá trình bị ốm hoặc chữa trị chấn thương”.

Chúng ta chưa biết rõ con số cụ thể bao nhiêu VĐV của thể thao Việt Nam dương tính với doping và trong đó là có bao nhiêu VĐV của môn điền kinh (?). Tuy nhiên, cộng đồng giới đam mê điền kinh chuyên và không chuyên trên các diễn đàn của mạng xã hội đã bình luận, chia sẻ nhiều quan điểm. Không khó để thấy, sự mất niềm tin được đưa ra rất nhiều. Mới nhất, một người đam mê chạy bộ có tiếng của giới phong trào đã thông báo trên trang facebook cá nhân của mình rằng “Tạm ngưng thưởng nóng”, đồng thời bày tỏ cảm xúc trước việc đón nhận thông tin về nghi vấn có VĐV điền kinh Việt Nam dính doping tại SEA Games rằng: “một gáo nước lạnh đã dội vào lòng đam mê và yêu quý của tôi đối với các cháu ở môn điền kinh của Việt Nam...”.

Còn nhớ, tháng 11-2003, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết Công ước Copenhagen, tuyên bố Việt Nam gia nhập tổ chức phòng chống doping quốc tế - WADA; đồng thời cam kết phối hợp toàn diện với WADA trong việc phát triển thể thao không doping. Tháng 9-2009, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã ký Công ước UNESCO,  trong đó khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện các chương trình giáo dục của UNESCO về phòng ngừa doping trong các hoạt động văn hoá - thể thao. Tháng 8-2011, Ủy ban Olmpic Việt Nam và WADA đã ký cam kết về tuân thủ bộ Luật phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn kỹ thuật (2009) và chúng ta cũng tham gia ký kết Quy định phòng chống doping trong thể thao nói chung cũng như xây dựng quy định phòng chống doping cho nước mình nói riêng dựa trên khung quy định chung do WADA phát động.

Từ đó để thấy, thể thao Việt Nam cũng hòa nhịp với thể thao thế giới không đứng ngoài cuộc và tham gia đầy đủ các chương trình để nói không với doping trong thể thao.

Tuy nhiên cũng phải chờ vào con số thực tế bao nhiêu VĐV dính doping tại SEA Games 31, và nguyên do vì sao, tất cả mới biết rõ nguyên nhân và lý do của sự việc. Không ai muốn mất đi niềm tin vào những cuộc tranh tài công bằng, sòng phẳng trên sân đấu và cũng không muốn những VĐV mình yêu quý vì vô tình hoặc hữu ý mà liên quan tới sự cố doping SEA Games 31 lần này.

Tin cùng chuyên mục