Đừng để cơ hội chỉ còn là kỷ niệm

Những phấn khích tạm lắng dần, bỏ qua những lùm xùm chỉ trích của một ông bầu về năng lực HLV Hoàng Anh Tuấn, vấn đề hiện nay là cần tìm hướng đi tốt nhất cho các đội bóng trẻ Việt Nam sau khi trở về từ U.20 thế giới.
U20 Việt Nam (áo trắng) trong trận thua U20 Pháp 0 - 4 tại bảng E - VCK FIFA World Cup 2017 vừa qua
U20 Việt Nam (áo trắng) trong trận thua U20 Pháp 0 - 4 tại bảng E - VCK FIFA World Cup 2017 vừa qua
Sự phấn khích khi lần đầu tiên có một đội bóng đoạt vé dự vòng chung kết bóng đá thế giới là điều hoàn toàn thực tế. Nhưng cũng có một thực tế khác là trước Việt Nam thì đã có ba đội bóng Đông Nam Á khác có được chiếc vé này, dù cái cách đến với giải đấu mỗi nước có khác nhau. Ba quốc gia đến trước là Indonesia, Malaysia và Myanmar, nghĩa là có những đội tuyển xuất phát từ nền bóng đá được xem là phát triển chậm hơn Việt Nam, trong đó Myanmar trong nhiều năm qua chưa thể vượt qua được các đội tuyển Việt Nam ở nhiều cấp độ khác nhau.
Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có mặt ở vòng chung kết U.20 thế giới vào năm 1979 ở Nhật Bản với một vé vớt. Khi đó, tuyển Iraq bị tước quyền thi đấu do chiến tranh và FIFA đã chọn Indonesia thay thế, dù đội bóng này chỉ vào được tứ kết giải U.19 năm trước. Kết quả, họ thua trắng cả 3 trận, không ghi được bàn thắng nào nhưng lại để lọt lưới tới 16 bàn. Gần 20 năm sau, Malaysia là quốc gia thứ hai Đông Nam Á dự U.20 thế giới nhưng với tư cách chủ nhà giải đấu vào năm 1997, không phải qua vòng bảng. “Tiến bộ” hơn một chút, Malaysia cũng để thua cả 3 trận, lọt lưới 9 bàn nhưng ghi được 2 bàn thắng vào lưới đối phương (không may là trong 2 bàn thì có 1 bàn do đối phương “đốt” lưới nhà).
Myanmar có lẽ là đội bóng dự U.20 thế giới đĩnh đạc nhất khi họ lọt vào bán kết U.19 châu Á năm 2014 với những trận đấu rất hay. Dự U.20 thế giới năm 2015, Myanmar cũng có 3 trận thua, nhưng ghi được 2 bàn thắng và để thua 13 bàn. Nhiều người còn nhớ, khi đó các đội bóng trẻ Myanmar như có sự lột xác, thi đấu cực kỳ ấn tượng với lối đá cuồn cuộn thể lực và một chiến thuật bài bản. Việc họ có mặt vòng chung kết U.20 thế giới là xứng đáng hơn cả, nếu so với Indonesia và Malaysia trước đó. Tuy nhiên, báo chí ghi nhận U.20 Việt Nam mới… làm nên lịch sử khi là đội bóng Đông Nam Á đầu tiên có được 1 điểm tại giải thế giới. Đây là một kết quả tốt nhất trước nay, nhưng điểm yếu của đội bóng làm nên lịch sử này là không ghi được bàn thắng nào.
Nhưng thành tích vừa kể trên có giúp 4 đội bóng này trở thành 4 nền bóng đá mạnh nhất khu vực? Câu trả lời thực tế là không hẳn. Thái Lan vẫn là nền bóng đá mạnh nhất khu vực và có khoảng cách khá xa các đội khác; Indonesia, Malaysia vẫn chập chờn với trình độ thường thường bậc trung; Myanmar đang nỗ lực phát triển nhưng dường như không tận dụng được các cơ hội tốt nhất mà họ đã bỏ lỡ. Vậy làm gì để cơ hội dự giải thế giới trở thành bệ phóng cho sự phát triển? Điều này cần rất nhiều thứ, mà nếu thiếu thì chắc chắn bóng đá Việt Nam rồi cũng sẽ như 3 đội bóng kia. Đó là nhìn đúng thực lực, có chiến lược phát triển khoa học, có HLV thật sự giỏi, chấp nhận giai đoạn tích lũy không cần thành tích, có những người thật sự vì bóng đá chứ không phải lợi dụng bóng đá… Nếu thiếu và không có được những yếu tố quan trọng trên thì việc dự giải thế giới của tuyển U.20 rồi cũng sẽ còn là một kỷ niệm mà thôi.

Tin cùng chuyên mục