Làng banh nỉ thế giới chưa hết sốc khi biết tin tay vợt Maria Sharapova (Nga) dính doping và đứng trước nguy cơ bị cấm thi đấu từ 1-2 năm. Quần vợt Việt Nam chưa từng có VĐV dính doping nhưng việc lấy mẫu thử trong các giải quốc nội cũng… chưa bao giờ thực hiện.
Phải thử mới biết
Hôm qua, Trưởng bộ môn quần vợt Việt Nam, ông Đoàn Quốc Cường, cho biết tất cả VĐV quần vợt Việt Nam đều chưa ai dính doping. Tuy nhiên, bằng cảm quan người trong nghề, có thể một vài trường hợp bị tình nghi dùng chất cấm. Dù vậy, những trường hợp đó chỉ là nghi án: “Không ai nói được chính xác 100% VĐV quần vợt của chúng ta có sử dụng chất cấm hay không. Chỉ khi mẫu thử qua máy kiểm tra thì mới nói cụ thể được”. Ông Cường cũng phân tích thêm đó là quần vợt là môn cần sự khéo léo trong thi đấu nên đôi lúc, nếu VĐV gia tăng sức mạnh bằng cách dùng doping thì vô hình trung mất độ khéo léo.
Ông Cường vừa dẫn đội nam Việt Nam dự Davis Cup 2016 ở Indonesia. Sau các lượt trận với chủ nhà Indonesia, không VĐV nào được yêu cầu lấy mẫu thử kiểm tra doping: “Điều này không bất ngờ vì Liên đoàn quần vợt thế giới ITF thường chỉ lấy mẫu thử ở các giải quan trọng cũng như trận đấu quyết định danh hiệu vô địch. Vì thế, việc không lấy mẫu doping ở Indonesia vừa rồi là điều như nhiều lần chúng ta dự Davis Cup trước đây”.
Năm 2012, tuyển nam Việt Nam dự Davis Cup tại Iran. Khi đó, VĐV Hoàng Thành Trung đã được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để thử doping. Mẫu thử này sau đó được thông báo âm tính và không dính chất cấm. Đó được xem là số ít lần VĐV quần vợt chúng ta đi thi đấu quốc tế phải cho mẫu để thử. Việt Nam đã tổ chức các giải quốc tế Vietnam Open (Việt Nam mở rộng) nhưng theo ông Cường cho biết, gần như các giải đều không làm công tác lấy mẫu thử doping. “Đây là quyền của ITF. Nếu họ muốn kiểm tra VĐV thì sẽ tự chi phí để lấy mẫu kiểm tra còn phía ban tổ chức kinh phí có hạn ít khi làm việc này”.
Chưa từng kiểm tra doping?
BTC của hầu hết giải quần vợt quốc nội chưa từng lấy mẫu kiểm tra doping VĐV, dù cho có thể việc lấy chỉ chọn ngẫu nhiên một số VĐV. Ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014, quần vợt không nằm trong số môn được yêu cầu lấy mẫu thử doping. Tại kỳ Đại hội này, số mẫu được lấy là 30. “Nếu có chi phí, chúng tôi cũng muốn một số giải sẽ kiểm tra nhưng kiểm tra một mẫu sẽ chi phí tốn kém”, ông Cường cho biết.
Theo chia sẻ từ Maria Sharapova trên truyền thông, cô đã bỏ qua email thông báo từ Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) nên không biết được chất cấm mới trong danh mục. Đặt câu hỏi với ông Cường rằng danh mục chất cấm ở doping có được quần vợt thế giới thường xuyên gởi tới chúng ta hay không. Ông cho biết: “Hàng năm, theo định kỳ, WADA đều gởi thông tin nhưng chủ yếu là tới Ủy ban Olympic Việt Nam. Gởi thẳng trực tiếp tới môn quần vợt thì chưa bao giờ. Vì thế, chúng tôi muốn biết danh mục chất cấm sẽ hỏi ở Ủy ban Olympic Việt Nam”.

Làng banh nỉ thế giới sốc khi biết tin tay vợt Maria Sharapova (Nga) dính doping và đứng trước nguy cơ bị cấm thi đấu từ 1-2 năm. Ảnh: T.L
Tất nhiên, danh mục các chất cấm đều phổ cập về các đơn vị y tế của các trung tâm HLTTQG mà ngành thể thao đang quản lý. Dù vậy, vai trò và sự làm việc cụ thể của Trung tâm y học và phòng chống doping Việt Nam mới quan trọng nhất. Dù lúc này, Trung tâm đã thành lập nhưng chưa hoạt động nhiều.
MINH CHIẾN