Đụng Ariarne Titmus là “khắc tinh”, nhưng Katie Ledecky vẫn kịp thắng HCV đầu tiên ở cự ly 1.500m tự do

Tham vọng… “càn quét” huy chương, đặc biệt là những tấm HCV, đồng thời lập ra các Kỷ lục thế giới mới trên đường đua xanh tại Olympic Tokyo 2020 của Katie Ledecky tiếp tục “bị phá bĩnh” bởi gương mặt quen thuộc - kình ngư trẻ mới 20 tuổi người Australia Ariarne Titmus. Titmus lại đánh bại Ledecky và giành HCV ở cự ly bơi 200m tự do. Rất may, ngay sau đó, Ledecky cũng kịp “gỡ gạc danh dự” khi thắng tấm HCV đầu tiên ở cự ly 1.500m tự do…

Titmus chính là "khắc tinh" của Ledecky
Titmus chính là "khắc tinh" của Ledecky

“Kẻ hủy diệt” Titmus, sau khi “hủy diệt” khát vọng thắng HCV của Ledecky ở cự ly 400m tự do, tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ một ở cự ly thi đấu khác là 200m tự do. Ở vòng bơi chung kết, nữ VĐV quê ở Launceston, người đạt thành tích tốt nhất ở vòng bán kết là 1 phút 54 giây 82 (Ledecky vượt qua vòng bán kết với thành tích 1 phút 55 giây 34) đã tấn công mãnh liệt và chạm thành hồ ở đích đến đầu tiên - với thành tích phá Kỷ lục Olympic là 1:53.50!

Cô đã triệt để đánh bại 2 VĐV xếp hạng 2(giành HCB), xếp hạng 3 (giành HCĐ) là Siobhan Haughey (Hồng Kông, có thành tích phá Kỷ lục châu Á là 1:53.92) và Penny Oleksiak (Australia, có thành tích 1:54.70). Trong khi đó, Ledecky đã thi đấu rất tệ và chỉ về đích ở vị trí thứ 5 chung cuộc, không giành được tấm huy chương nào, chỉ đạt thành tích “tầm thường” là 1:55.21. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, Ledecky để thua Titmus ở Olympic Tokyo 2020…

Có thể nói, Titmus đã trở thành “khắc tinh” của Ledecky trên đường đua xanh ở Trung tâm thể thao dưới nước Tokyo trong những ngày này. Tuy vậy, cô nàng sinh năm 2000 vẫn dành những lời lẽ tuyệt vời để nói về sự tôn trọng của mình dành cho “đàn chị người Mỹ”: “Tôi phải cảm ơn chị ấy. Tôi sẽ không thể có mặt ở đây nếu không có chị ấy. Chị ấy chính là người đặt ra tiêu chuẩn này cho những VĐV bơi tự do ở các cự ly trung bình. Nếu tôi không có mục tiêu săn đuổi như là chị ấy, tôi đã không thể bơi theo cách của tôi ngày hôm nay!”.

Khi “kẻ săn đuổi” trở thành “khắc tinh” của Ledecky, là người mà những kình ngư khác lại đặt mục tiêu để săn đuổi, Titmus đã tự viết một câu chuyện rất riêng cho bản thân mình ở Olympic Tokyo: “Đây là màn thi đấu đầy thách thức, và khó khăn đến mức kinh dị. Tôi biết Siobhan thật sự muốn giành lấy tấm HCV ở cự ly này. Tôi biết điều này sau khi chứng kiến cô ấy bơi vào sáng hôm qua. Tôi biết sẽ là rất khó để đánh bại cô ấy. Tôi không nghĩ mình sẽ đạt thành tích này, tuy nhiên, đây là Olympic, nhiều chuyện sẽ diễn ra. Tôi rất là hạnh phúc”.

Đối với Ledecky, 2 thất bại đầu tiên, đơn giản vẫn không thể đánh bại được cô. “Nữ kình ngư số 1 thế giới” đã đứng dậy và phản ứng mạnh mẽ ở cự ly 1.500m tự do, vốn không phải ưu tiên hàng đầu của cô trong mấy năm gần đây. Từng giành được 3 tấm HCV ở Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước (giải hồ dài do FINA đứng ra tổ chức) trong các năm 2013, 2015, 2017, tuy vậy, Ledecky lại không tham gia cự ly này ở kỳ Olympic Rio de Janeiro và ở Giải vô địch thế giới gần đây nhất, diễn ra tại Gwangju (Trung Quốc) hồi năm 2019…

Do vậy, cô cũng chưa từng thắng HCV Olympic ở cự ly này. Chưa, không có nghĩa là “không”! Gạt bỏ thất vọng với 2 kết quả thua liên tiếp, Ledecky đã chiếm ưu thế áp đảo ở vòng bơi chung kết của cự ly 1.500m tự do, khi giành chiến thắng với thành tích 15 phút 37 giây 34, tạo ra được khoảng cách lên đến 10 mét so với người về đích thứ 2, cũng là “đồng đội - đồng hương” Erica Sullivan (đạt thành tích 15: 41.41). Người xếp thứ 3, và giành HCĐ ở cự ly thi đấu này là Sarah Kohler, đến từ Đức (đạt thành tích phá Kỷ lục quốc gia là 15:42.91).

Đụng Ariarne Titmus là “khắc tinh”, nhưng Katie Ledecky vẫn kịp thắng HCV đầu tiên ở cự ly 1.500m tự do ảnh 1 Ledecky ăn mừng chiến thắng cùng Sullivan
“Tôi hạnh phúc khi giành được chiến thắng 1-2 với Sullivan (ám chỉ cả 2 kình ngư người Mỹ đều thắng HCV và HCB trong cự ly thi đấu này). Đây mới là lần đầu tiên tôi tham dự cự ly 1.500m tự do ở đấu trường Olympic, vì thế, tôi không thể có thành tích tốt hơn như thế này (ở vòng loại, Ledecky thậm chí còn lập Kỷ lục Olympic với thành tích 15: 35.35). Nhưng dù sao, tôi cũng đang cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, Ledecky chia sẻ về màn “đứng dậy” của mình.

Ở các nội dung bơi lội dành cho nam, một ngày sau khi bơi lội Nga làm nên lịch sử với tấm HCV Olympic đầu tiên sau... 25 năm của Evgeny Rylov, đến lượt bơi lội Anh quốc cũng tạo dựng nên một cột mốc mới. Trong vòng bơi chung kết của cự ly 4x200m tiếp sức tự do nam, đội bơi Anh quốc gồm có Tom Dean, Duncan Scott, Mat Richard và James Guy đã đánh bại đội bơi ROC (Nga) và Australia, giành HCV với thành tích phá Kỷ lục châu Âu là 6 phút 58 giây 58 (đây là cự ly thi đấu khác vốn cũng thuộc "thủy vực" của người Mỹ.

Như vậy, đến thời điểm này, bơi lội Anh quốc đã có 3 HCV và 1 HCB ở Olympic Tokyo 2020, thành tích tái lập "kỳ tích xa xưa" ở Olympic London 1908! Quả là một cột mốc lịch sử mới đầy ấn tượng!
Đụng Ariarne Titmus là “khắc tinh”, nhưng Katie Ledecky vẫn kịp thắng HCV đầu tiên ở cự ly 1.500m tự do ảnh 2 Đội bơi tiếp sức Anh quốc

Tin cùng chuyên mục