Cung điền kinh trong nhà Hà Nội và đội tuyển điền kinh Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho Asian Indoor Games lần thứ 3-2009, nhưng xem ra cả 2 đều có một điểm chung là thuộc diện “ăn xổi”.
Đội tuyển chỉ tập trung một lần
Cho đến lúc này, giữa Bộ môn điền kinh và Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam vẫn chưa tìm được quan điểm chung về việc cử lực lượng VĐV dự AIG 3. Phía lãnh đạo Ủy ban Olympic quốc gia từng đề nghị cử càng nhiều VĐV càng tốt vì là nước chủ nhà. Trong khi đó, phía bộ môn điền kinh thuộc Tổng cục TDTT lại bảo vệ quan điểm chỉ cử số lượng VĐV hạn chế vì có quá ít cơ hội giành huy chương.
![]() |
Điền kinh trong nhà Việt Nam chưa chắc được duy trì đầu tư sau khi AIG 3 kết thúc. Ảnh: Q.TH |
Để “cân đối” các mối quan hệ, 24 thành viên đội tuyển điền kinh đã được thành lập nhằm chuẩn bị cho AIG 3 và họ chỉ nhắm tới mục tiêu giành 1 HCB tại đại hội. Ông Dương Đức Thủy - Trưởng Bộ môn điền kinh Việt Nam cho biết: “Nếu được đầu tư tốt, chúng ta có hy vọng giành HCV, nhưng đáng tiếc sự chuẩn bị chưa được như mong đợi. Đó là chưa nói tới tâm lý của một số HLV còn không muốn cho VĐV bung hết sức vì sợ ảnh hưởng đến thành tích SEA Games 25”.
Được biết ngay từ đầu năm, các VĐV đội tuyển điền kinh đã xin được cấp phát thuốc bổ trợ trong giai đoạn tập thể lực nặng, nhưng ngay cả khi một lãnh đạo Tổng cục TDTT tới thăm Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã hứa như đinh đóng cột: “Thứ Hai tuần sau sẽ có thuốc”, đến lúc này chuyện vẫn chưa được thực hiện. Trong tâm trạng chán nản ấy, 1 HLV than thở: “Lúc này đừng có thuốc khi lại hóa hay. Cấp phát mà như bố thí, bây giờ uống cũng chẳng mấy tác dụng, mà thành tích thấp có khi còn bị mắng nữa chưa biết chừng”.
Thế nên, khi được hỏi liệu năm tới còn duy trì đội tuyển điền kinh thi đấu trong nhà hay không khi đã có hẳn Cung điền kinh, thì chẳng một vị lãnh đạo nào khẳng định sẽ tiếp tục duy trì đầu tư.
Coi chừng công trình "ăn xổi"
Hai ngày trước, Ban huấn luyện đội tuyển điền kinh trong nhà Việt Nam đã có công văn gửi Ban quản lý Cung điền kinh Hà Nội để xin được vào tập, vì nghe nói đã khánh thành từ khá lâu. Thế nhưng, thật bất ngờ khi nhận câu trả lời rằng: “Phải chờ!”.
Người viết có dịp tận mắt chiêm ngưỡng công trình mấy trăm tỷ đồng đã khánh thành, nhưng vẫn đóng cửa im ỉm. Cậy cục xin mấy bác bảo vệ nhưng nhất định họ không cho vào trong chụp ảnh, đồng thời hướng dẫn phải tự liên hệ gặp lãnh đạo Cung điền kinh để chờ giải quyết. Đến khi gặp được lãnh đạo Cung điền kinh trong nhà, thì lại nhận được lý giải “không được tác nghiệp vì muốn vào phải có giấy giới thiệu của cơ quan cử đến thì mới làm việc”. Đứng từ bên ngoài, Cung điền kinh trong nhà… tối thui, nhưng rất dễ dàng nghe được tiếng sắt thép va vào nhau chan chát, chẳng hiểu bên trong đã hoàn thiện hay chưa?
Cung điền kinh trong nhà được xây dựng với tốc độ còn nhanh hơn cả Cung thể thao dưới nước hồi trước SEA Games 22 (năm 2003), như vậy liệu chất lượng có bảo đảm? Còn nhớ, hồi SEA Games 22, rất nhiều trang thiết bị như hệ thống đồng hồ điện tử được sắm nhưng lại không có tiền bảo dưỡng, nên hiện hư hỏng khá nhiều. Liệu sau khi AIG 3 kết thúc, chuyện đau lòng này có còn tái diễn?
Càng ngẫm càng thấy buồn cho cách làm “ăn xổi” thế này.
Thanh Phong (SGGP-Thể Thao)
Các tin, bài viết khác
-
Nghi vấn gian lận tuổi ở Giải cầu lông các nhóm tuổi thiếu niên quốc gia năm 2022
-
Trương Thị Kim Tuyền vuột cơ hội bảo vệ HCV vô địch taekwondo châu Á
-
Cặp đôi vàng Anh Tú, Tuấn Anh dừng bước tại giải bóng bàn Đông Nam Á
-
Mo Salah có thể rời Liverpool với giá chỉ 60 triệu bảng
-
Vòng 4 giải hạng Nhất - LS 2022: BR-VT và Khánh Hoà thẳng tiến
-
SPL - S4: Giải phủi sân 7 quay trở lại rộn rã ở miền đất… sân 5 - nghịch lý lại rất hợp lý
-
Dàn sao quần vợt Việt Nam tranh tài ở giải Quảng Nam mở rộng có số tiền thưởng “hậu hĩnh”
-
Giải futsal VĐQG 2022: Thái Sơn Nam tìm lại niềm vui chiến thắng
-
Becamex Bình Dương trước hai chuyến làm khách tại những ‘chảo lửa’
-
Timo Werner trở thành 'vật tế thần' khi Chelsea muốn có De Ligt