Đổi mới tư duy về kinh tế thể thao

Sáng 16-11 tại trung tâm triển lãm Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phối hợp tổ chức buổi hội thảo giải pháp phát triển kinh tế thể thao Việt Nam thời kỳ hội nhập. Hội thảo tập trung thảo luận, kiến nghị giải pháp để trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao.

Ông Phạm Ngọc Viễn đọc tham luận tại Hội thảo
Ông Phạm Ngọc Viễn đọc tham luận tại Hội thảo

Tại buổi hội thảo các đại biểu đưa ra các vấn đề cấp bách cần thảo luận như đề xuất chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế thể thao, vai trò của nhà nước trong phát triển thị trường thể thao (ban hành thể chế và cung cấp dịch vụ thể thao), vai trò các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia thị trường thể thao. Đa số các đại biểu dự hội thảo đều đưa ra ý kiến là cần đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa thể thao ở các môn thể thao do doanh nghiệp đầu tư: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt…; phát triển số lượng người tập luyện TDTT thường xuyên để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thể thao; nâng cao cơ sở vật chất – kỹ thuật TDTT phục vụ cho mọi người, thể thao chuyên nghiệp; triển khai đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản trị kinh doanh thể thao, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế thể thao.

Tham luận tại hội thảo, nguyên phó chủ tịch liên đoàn bóng đá Việt Nam Phạm Ngọc Viễn cho rằng cần phải đổi mới tư duy, nhận thức xã hội về kinh tế thể thao. “Luật TDTT hiện nay coi TDTT là hoạt động mang tính chất sự nghiệp, công ích mà chưa xác định rõ tính chất kinh doanh của hoạt động TDTT. Chính vì thế ở nước ta hiện nay TDTT đang được quan niệm như một lĩnh vực hoạt động xã hội mang tính phi kinh tế. Do đó cần phải thay đổi nhận thức về kinh tế thể thao”. Ông Phạm Ngọc Viễn tham luận tại hội nghị. Hoạt động TDTT tuy được quan tâm nhưng còn mang đậm tính chất bao cấp, sự nghiệp. Năm 2013 tổng chi từ ngân sách nhà nước cho hoạt động thể dục thể thao là 12.420,82 tỷ đồng, trong khi đó thu về là 984,56 tỷ đồng.

Hiện nay kinh tế thể thao đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, tạo nên nền công nghiệp thể thao, bao gồm nhiều lĩnh vực kinh doanh và định hướng phát triển trong tương lại theo phương châm “Hội tụ thể thao”, với quan điểm thể thao hội tụ với bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội đều sản sinh sản phẩm để kinh doanh. Ở nước ta, thị trường thể thao mới hình thành, chưa phát triển rộng và mạnh mẽ, thành phần kinh tế thể thao tư nhân còn chậm phát triển, đặt cược thể thao chỉ mới đang ở bước đầu triển khai. Ở Mỹ, kinh doanh thể thao chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP, đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của Mỹ. Quy mô tổng thị trường đạt 400 – 435 tỷ USD mỗi năm, gấp đôi ngành công nghiệp ô tô.

Tin cùng chuyên mục