Đội bóng đặc biệt

Cũng đến sân chơi bóng, cũng có niềm đam mê “quần đùi áo số”, nhưng họ là “Đội bóng đặc biệt”, gồm toàn những cầu thủ khiếm thính.


Trung tuần tháng 12-2016, khi người hâm mộ cả nước đang háo hức với những trận cầu nóng bỏng của AFF Cup 2016, thì ở TPHCM, Đội tuyển bóng đá người khiếm thính Việt Nam ra đời để chuẩn bị tham dự giải bóng đá người khiếm thính Đông Nam Á đầu tiên ở Malaysia.

Điểm danh thành phần đội bóng. Kỹ sư có, công nhân có, nông dân có luôn… Họ là những thành viên của Trung ương Hội Người khuyết tật Việt Nam và Hội Người điếc Việt Nam. Họ đến với trái bóng bằng tất cả niềm đam mê với từng góc sân, từng ngọn cỏ, từng pha bóng và từng bàn thắng dù họ không thể nghe được đồng đội, các HLV truyền tải điều gì nhưng tất thảy họ đều cảm nhận ở con tim với tình yêu bóng đá.

22 thành viên, trong đó có 18 cầu thủ đến từ các CLB người khiếm thính trên cả nước: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Đà Nẵng đến Phú Thọ. Tất cả tề tựu về đây chuẩn bị cho sân chơi chuyên nghiệp đầu tiên trong cuộc đời mình.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, người trực tiếp nhận nhiệm vụ huấn luyện các cầu thủ đặc biệt này trước thềm giải đấu, không giấu nổi những cảm xúc của mình. “Từng huấn luyện nhiều đội bóng chuyên nghiệp, rồi làm bóng đá trẻ, nhưng đây là lần đầu trải nghiệm rất đặc biệt của tôi. Cái khó nhất chính là việc các em không thể nghe nên tôi không thể truyền tải hết thông điệp cũng như chiến thuật cần các em thực hiện. Hơn nữa các em chưa từng được huấn luyện, chỉ ra sân là chơi bóng với tất cả bản năng nên khi đi vào khuôn khổ, các em tỏ ra rất khó khăn trong việc tiếp thu kỹ năng cơ bản cũng như chiến thuật chơi bóng”- ông Đoàn Minh Xương trải lòng.

Đội bóng đặc biệt ảnh 1

Các “chiến binh” đang nỗ lực tập luyện sút phạt. Ảnh: X.Cường

Đội bóng đặc biệt ảnh 2

Chuyên gia Đoàn Minh Xương hướng dẫn cầu thủ thông qua nữ thông dịch viên.

Thế nhưng có khó khăn mới thấy được tấm lòng của vị HLV lão làng này và sự quyết tâm của các cầu thủ. Quỹ thời gian hạn hẹp, thầy trò không quản thời tiết nắng nóng hay mưa gió, vẫn ra sân chăm chỉ luyện tập. Thầy thị phạm, trò làm theo. Cứ thế họ dần hoàn thành giáo án và các mảng miếng chiến thuật trước ngày lên đường tham dự giải.

Có một chi tiết ít ai biết rằng, đội bóng được thành lập và đi thi đấu nước ngoài với kinh phí do các thành viên tự lo. “Họ phải thuê khách sạn giá rẻ để tá túc trong thời gian tập luyện tại TPHCM, rồi tự túc mọi chi phí đi lại, ăn ở tại Malaysia. Duy nhất họ chỉ được hỗ trợ bóng và sân bãi để tập luyện trước thềm giải đấu. Đây là điều đáng trân trọng và thể hiện tình yêu mãnh liệt của họ với trái bóng. Dù không được như mọi người bình thường, nhưng họ đã làm một điều mà không phải người bình thường nào cũng dám nghĩ, dám làm”- ông Đoàn Minh Xương bùi ngùi.

Với 7 đội tham dự, đội tuyển bóng đá người khiếm thính Việt Nam giành ngôi thứ 3 giải đấu năm nay. Đây cũng được xem là món quà đầy ý nghĩa cho những “chiến binh” này, dù khiếm khuyết về cơ thể, nhưng tinh thần lạc quan và niềm đam mê với trái bóng của họ là vô tận, là bất diệt.

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, không chỉ đơn thuần là sự tranh tài, thi thố, mà còn là nơi gắn kết những trái tim đồng cảm, nơi khơi dậy những đam mê mãnh liệt, nơi làm mọi thứ xích lại gần nhau hơn.


ĐỨC THÀNH

Các “chiến binh” đang nỗ lực tập luyện sút phạt. Ảnh: X.Cường

In trangVề đầu trangIn trangVề đầu trangIn trangIn trangVề đầu trangIn trangVề đầu trangVề đầu trang

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục