Cách đây 2 tháng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam từ năm 2011 đến 2020, qua đó đệ trình Chính phủ duyệt thông qua. Có thể nói, bản chiến lược này có tính định hướng cho các kế hoạch phát triển bóng đá trong tương lai gần. Tuy nhiên, điều mà người hâm mộ băn khoăn là tính khả thi của bản chiến lược, từ đó kéo theo tính khả thi của các kế hoạch hành động cụ thể sau đó.
Đơn cử, việc đặt mục tiêu cho đội tuyển bóng đá Việt Nam từ nay đến năm 2020 phải lọt vào nhóm 10 đội đứng đầu châu Á. Trong khi hiện tại đội tuyển của chúng ta đang xếp hạng 18, sau một số đội tuyển trong khu vực như Nhật, Australia, Hàn Quốc, Iran, Trung Quốc, Oman, Iraq, CHDCND Triều Tiên, Thái Lan… Bằng biện pháp nào mà trong vòng 9 năm, đội tuyển của chúng ta loại được 8 quốc gia thuộc loại sừng sỏ để lọt vào tốp 10? Định hướng và vạch ra chỉ tiêu thì dễ nhưng thực hiện mới khó, nếu không muốn nói là mất phương hướng.
Vấn đề này, người viết nhận thấy chỉ có 2 cách để có thể lọt vào tốp 10 châu Á. Cách thứ nhất là đội tuyển phải thi đấu thật tốt ở các giải chính thức của FIFA, AFC và các trận giao hữu nhóm A để có cơ sở thăng hạng (như kiểu các môn quần vợt, cầu lông, bóng bàn hay cờ vua tăng hệ số elo).
Cách thứ hai cũng không dễ dàng chút nào nhưng có vẻ rõ ràng hơn, bằng việc tham dự giải vô địch châu Á và đội tuyển Việt Nam phải cố gắng lọt vào đến vòng tứ kết, tức trong nhóm 8 đội hàng đầu của giải. Thế nhưng, cách đó chỉ mang tính nhất thời, dựa theo phong độ hiện hữu, còn đẳng cấp làng bóng có xứng tầm với vị trí 10 đội nhóm đầu mới quan trọng, mới bền vững.
Xem ra, ở cả hai cách vừa nêu đều quá tầm với của làng bóng Việt, khi thời gian đưa ra chỉ còn chưa đầy 9 năm nữa. Nghe đâu, người soạn chiến lược lần này cũng là người chấp bút cho bản chiến lược hơn 10 năm trước, khi đề ra chỉ tiêu đưa đội tuyển lọt vào vòng chung kết World Cup (?), mà nay đã phá sản từ lâu. Nếu vậy, có lẽ những định hướng mang tính chiến lược lại nối tiếp nhau phá sản như bao lần trước.
Người hâm mộ xem qua bản báo cáo chiến lược 2011 - 2020 còn e ngại cho mục tiêu khác là đội tuyển bóng đá Việt Nam từ nay đến năm 2020 xếp vị trí đứng đầu Đông Nam Á, khi mà thành tích thi đấu của chúng ta hiện còn trồi sụt, bấp bênh.
Suy cho cùng, vạch kế hoạch hay đề ra chỉ tiêu là điều cần thiết cho việc phấn đấu vươn lên một tầm cao mới nhưng kèm theo nó phải là những định hướng, biện pháp sát với thực tế, có tính khả thi cao, tránh việc bị cho là những bản … kế hoạch giấy, mục tiêu giả tưởng.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Hoãn trận Than Quảng Ninh - TPHCM vì Covid-19
-
Soi các đối thủ của Viettel tại AFC Champions League 2021
-
Thua 2 trận, Hà Nội FC không thể không vội
-
Ngoại binh V-League 2021: Cũ người mới ta
-
Bốc thăm các giải AFC: Viettel rơi vào bảng ‘xương’, Hà Nội dễ thở
-
Đà Nẵng - Hà Tĩnh: Thời cơ đang đến với đội bóng sông Hàn
-
Các đội V-League thay ngoại binh như ‘thay áo’ trước giờ G
-
ĐT nữ Việt Nam thua đội cựu tuyển thủ 4-5
-
Muangthong United quyết kiện Văn Lâm lên FIFA
-
Không có chuyện thanh lý hợp đồng Mansaray