Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc 2018 chưa hoàn tất: Các địa phương lo ngại

Ngày 9-6, lãnh đạo Tổng cục TDTT tiếp tục làm việc với các Vụ thể thao thành tích cao xung quanh những đóng góp ý kiến vào Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc 2018. Tới lúc này, Điều lệ của Đại hội vẫn chưa được phê duyệt...
Các địa phương thấp thỏm vì điều lệ của Đại hội TDTT toàn quốc 2018 chưa hoàn tất. Ảnh: T.L
Các địa phương thấp thỏm vì điều lệ của Đại hội TDTT toàn quốc 2018 chưa hoàn tất. Ảnh: T.L
SEA Games 2017 sắp thi đấu tại Malaysia (tháng 8). Hiện tại, VĐV của hơn 30 đội tuyển thể thao quốc gia Việt Nam đang tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 2017. Họ  cũng là lực lượng nòng cốt của địa phương, đơn vị mình. Về chuyên môn, địa phương vẫn chờ đợi kết quả của Đại hội TDTT toàn quốc hơn là các chương trình thi đấu quốc tế (kể cả SEA Games). Bởi vì, kết quả của Đại hội TDTT toàn quốc mới là cơ sở cụ thể nhất để xác định vị trí của địa phương đó sau 4 năm đào tạo, rèn luyện thể thao thành tích cao.

Đồng thời, sau mỗi 4 năm, từng địa phương, đơn vị thấy được hướng đi tập trung cho môn thể thao nào, VĐV nào của mình mới phù hợp. Thường thường, Điều lệ khung của Đại hội TDTT toàn quốc sẽ sớm được phê duyệt gần trước 2 năm để các địa phương, đơn vị chuẩn bị lực lượng. Khi trực tiếp trò chuyện với nhiều địa phương, nhiều nhà quản lý thể thao cơ sở đều chung chia sẻ: “Điều lệ của Đại hội TDTT 2018 lâu quá chưa thấy phê duyệt. Nếu không sớm ra được Điều lệ khung hoặc Điều lệ khung phê duyệt ở thời điểm cuối năm 2017 thì sự chuẩn bị con người sẽ khó kịp thời”. 

Trung tuần tháng 4 vừa qua, ban soạn thảo Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc 2018 của Tổng cục TDTT đã nhóm họp và thông tin được chia sẻ là hiện Đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2018 đang hoàn thiện. Tổng cục TDTT đưa dự kiến 34 môn vào danh sách thi đấu chính thức. Trong nhóm này có 28 môn thuộc chương trình của Olympic, Asian Games và chỉ dành 6 môn là thể thao truyền thống của Việt Nam. Thời gian tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2018 dự tính trong tháng 11 hoặc tháng 12 năm sau.

Một cán bộ quản lý tại Tổng cục TDTT (xin giấu tên) đã phân tích: “Về cơ bản, Đề án và Điều lệ khung của Đại hội TDTT toàn quốc 2018 gần hoàn tất. Khi Đề án xong sẽ trình tới Bộ VH-TT-DL để lãnh đạo xem xét sau đó trình tới Chính phủ. Thời gian hiện mới ở giữa tháng 7. Nếu Điều lệ khung sớm phê duyệt, các địa phương còn hơn 1 năm chuẩn bị nhân lực. Thời gian còn kịp chứ không phải quá ngắn để chuẩn bị chuyên môn”. 

Năm 2013, khi Điều lệ khung của Đại hội TDTT toàn quốc 2014 được phê duyệt, mục Đánh giá kết quả của Điều lệ khiến nhiều đơn vị cơ sở hoan hỷ. Theo đó, BTC của Đại hội TDTT toàn quốc 2014 chấp nhận quy đổi thành tích huy chương (vàng, bạc, đồng) của VĐV giành được tại Asian Games 2014 và SEA Games 2013 (chỉ tính HCV) để tính số HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Khi đó, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành (Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2013) phân tích đó là một cách thúc đẩy sự đầu tư từ chính địa phương cơ sở. Địa phương sẽ được lợi ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014 nếu VĐV của mình có nhiều HCV tại SEA Games 2013 hoặc có huy chương tại Asian Games 2014. 

Vệc quy đổi ấy khó lặp lại ở lần này. Bởi lẽ, SEA Games 29-2017 sắp tranh tài còn Điều lệ khung Đại hội TDTT toàn quốc 2018 chưa hoàn tất. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Vương Bích Thắng từng cho biết rằng ngay khi ban soạn thảo Đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2018 hoàn tất là trình lãnh đạo ngay. Dù vậy, lãnh đạo Tổng cục cho rằng, tiến độ thời gian sẽ chưa kịp để Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc 2018 phê duyệt sớm nên không lấy thành tích SEA Games 2017 quy đổi tính ngang HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018. VĐV thi đấu vì màu cờ sắc áo. Tổng kết thành tích, nếu thành công của họ đổi lại bằng phần thưởng tài chính tương xứng, tất cả đều hài lòng. Nhà quản lý cơ sở có gánh nặng hơn là thứ hạng và thành tích huy chương Đại hội TDTT toàn quốc. Điều lệ chưa ra, mọi đơn vị vẫn đứng ngồi không yên. 

Tin cùng chuyên mục