Anh, Pháp, Ý – ba ông lớn của bóng đá châu Âu – đã có trận đấu ra mắt chính thức đầu tiên kể từ sau World Cup 2006. Một diện mạo mới đã được phơi bày trong trận đấu với những đối thủ không quá mạnh. Diện mạo mới ấy có thể là tốt (Anh hay Pháp), cũng có thể là… thất vọng (Ý). Dù sao thì, với lượt trận đầu tiên, người ta cũng mới chỉ có được cái nhìn khá mơ hồ về diện mạo mới thật sự của cả Anh, Pháp lẫn Ý.
Khoác áo số 11, cầu thủ chạy cánh trái Stewart Downing tỏ ra khá nhanh nhạy dù trước đây anh chẳng hề được trọng dụng dưới “vương triều” Sven Goran Eriksson. Có thể, sự hiện diện của Downing chỉ là tạm thời (khi Joe Cole chưa thể ra sân thi đấu), nhưng bấy nhiêu đó cũng là tạm ổn. Bên cánh phải, sự lợi hại trong sút bóng (ghi được một bàn thắng) và chuyền bóng của Steven Gerrard giúp cho người ta có thể quên khuấy đi hình ảnh của David Beckham. Ở khu trung tâm, với Owen Hargreaves rất năng động, luôn chơi càn quét trên một diện rộng, Frank Lampard trở nên tự do hơn và có thời cơ dâng lên tấn công nhiều hơn.
Trên hàng tấn công, Peter Crouch hai lần ghi bàn. Tuy nhiên, mọi tầm mắt lại hướng về sự xuất sắc của Jermain Defoe. Trong một lần hiếm hoi được đá chính (cơ hội đến vì lẽ… cả Wayne Rooney lẫn Michael Owen đều không thể thi đấu), Defoe đã tỏa sáng (cũng ghi được 2 bàn) và anh chứng minh cho mọi người thấy ông Eriksson đã phạm phải sai lầm khi không mang anh đến World Cup.
Chiến thắng 5-0 vẫn chưa thể nói lên được gì nhiều. Các cầu thủ Andorra quá yếu kém – đó là lý do hàng phòng ngự 4 người của ông Steve McClaren vẫn chưa được thử thách một cách đầy đủ. Nhưng, với khởi đầu thuận lợi như thế này, niềm tin vẫn tiếp tục được nuôi sống và phát triển. Hai trận đấu đầu tiên dưới “triều” McClaren, tuyển Anh ghi được 9 bàn và không để lọt lưới bàn nào. Đó, xét cho cùng, cũng là một kiểu kỷ lục rất đáng khích lệ.
Pháp đã quên được “người chiến binh già” Zinedine Zidane? Hầu như là vậy! Chỉ sau 15 phút đầu trận, tuyển Pháp đã khiến 55 ngàn cái miệng ồn ào người Georgia tại Tbilisi phải câm lặng bởi hai bàn thắng nhanh chóng. Phút thứ 7, Florent Malouda mở tỷ số. Phút thứ 15, Louis Saha nới rộng khoảng cách sau đường chuyền của Thierry Henry. Đầu hiệp 2, từ áp lực uy hiếp của Henry, hậu vệ Malkhaz Asatiani đá phản lưới nhà. 3-0 là tỷ số cuối cùng của trận đấu.
Như thế là, người Pháp đã bắt đầu những bước chân đầu tiên mà không có Zidane. Claude Makelele vẫn hiện diện trong đội hình ra sân và người chiến binh này vẫn tỏ ra rất dũng mãnh. Một chiến thắng khởi đầu cho một thời kỳ mới xem ra là một thay đổi diện mạo khá đáng kể với nhà á quân thế giới.
Trên sân nhà, đương kim vô địch thế giới đã không thể thắng nổi đội bóng kém tiếng tăm là Lithuania. Thậm chí, họ còn bị dẫn trước ở phút 21 (Tomas Danilevicius mở tỷ số cho Lithuania). 9 phút sau, Filippo Inzaghi cân bằng tỷ số cho tuyển Ý. Đó cũng là kết quả cuối cùng – một kết quả phải nói là thất vọng dù rằng ông Roberto Donadoni có quyền biện minh: “Chúng tôi không tung ra đội hình mạnh nhất của mình!”.
Trong trận đấu sắp tới đây, tuyển Ý sẽ gặp tuyển Pháp. Và diện mạo mới của cả hai –theo hướng tích cực hay tiêu cực – sẽ chắc chắn được thể hiện rõ ràng hơn. Mọi người đang nóng lòng mong chờ trận tái đấu chung kết World Cup 2006!
TIỂU PHƯƠNG
Các tin, bài viết khác
-
Premier League kết thúc trong kịch tính, Man City vô địch, Tottenham thứ 4, Salah cùng Son chia giải Vua phá lưới
-
Gundogan ghi cú đúp khi Man City ngược dòng trong 6 phút để đăng quang vô địch
-
Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 31: Việt Nam xếp nhất toàn đoàn với 205 HCV
-
VĐV nhận thưởng bao nhiêu với mỗi tấm huy chương SEA Games 31?
-
HLV Park Hang-seo: ‘Tấm HCV SEA Games 31 có quá nhiều ý nghĩa’
-
Đội tuyển Việt Nam được thưởng ‘nóng’ 2 tỷ đồng
-
Xem lại góc quay khác pha đánh đầu của Nhâm Mạnh Dũng
-
HLV Polking (U23 Thái Lan): ‘Tôi rất ngưỡng mộ ông Park’
-
U23 Việt Nam bảo vệ thành công Huy chương vàng
-
Thắng Malaysia trên loạt ‘đấu súng’, Indonesia giành Huy chương đồng