Đi trước một bước

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra hôm qua, các quốc gia thành viên đã đồng ý việc nộp đơn xin đăng cai World Cup 2034. Trên thực tế, ý tưởng này đã được nhắc đến một vài lần trước đây, nhất là sau sự kiện 4 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đăng cai Asian Cup 2007.
10 nước Đông Nam Á cùng chung mục tiêu đưa World Cup trở lại châu Á vào năm 2034 gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Brunei. Ảnh: REUTERS
10 nước Đông Nam Á cùng chung mục tiêu đưa World Cup trở lại châu Á vào năm 2034 gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Brunei. Ảnh: REUTERS

Nhìn nhận thực tế, không có quá nhiều cơ hội để ASEAN cùng tổ chức một kỳ World Cup. Đầu tiên là vấn đề thời gian. Năm 2022 đã diễn ra World Cup ở châu Á thì chí ít cũng phải đến 4 kỳ World Cup nữa, tức là sớm lắm cũng phải đến 2038 mới có thể quay lại với châu lục này.

Kế đến, việc tổ chức trên nhiều quốc gia thường không thể xem là lợi thế so với tổ chức ở một địa điểm duy nhất. Trường hợp World Cup quay lại châu Á lần tới thì Trung Quốc chính là ứng cử viên nặng ký nhất.

Cuối cùng, ASEAN hiện vẫn chưa có đội nào từng dự World Cup, năng lực tổ chức cũng chỉ mới dừng ở tầm vóc châu Á chứ chưa có những sự kiện tầm cỡ Olympic như Trung Quốc đã đăng cai năm 2008.

Cơ hội là ít nhưng động lực thì lại nhiều, đó chính là khía cạnh tích cực khi ASEAN thể hiện sự thống nhất và chia sẻ các giá trị với nhau. Mặc dù bóng đá của khu vực chưa có những sự phát triển vượt bậc, dù chỉ là ở trình độ châu Á, nhưng ảnh hưởng của bóng đá thì không có gì phải bàn cãi, đặc biệt là trong đầu tư cũng như quan tâm của công chúng.

Để có thể biến ý tưởng thành một trong những quyết định của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua, có lẽ có sự tác động tích cực đến từ Việt Nam. Bóng đá Đông Nam Á trong thời gian trước đây, ngoài Thái Lan vẫn chưa có quốc gia nào tiệm cận đến cơ hội giành vé dự World Cup.

Đơn độc như vậy, cũng khó mà thuyết phục cả  cùng chia sẻ gánh nặng đăng cai. Nhưng sự vươn lên của bóng đá Việt Nam trong 2 năm gần đây đã tạo nên một vị thế khác cho Đông Nam Á. Tại Asian Cup vừa qua, sau 2 kỳ liên tiếp vắng mặt có đến 3 đại diện Đông Nam Á tham dự.

Ở đó, Thái Lan lần đầu vượt qua vòng bảng, còn Việt Nam tạo kỳ tích vào đến tứ kết. Ngoài ra, bóng đá khu vực hiện có đến 5 đội bóng tương đương nhau về trình độ so với 2-3 đội như trước đây.

Điều này sẽ giúp cho việc đăng cai World Cup đem đến lợi ích chung cho cả khu vực xét trên mọi khía cạnh. Sự thống nhất này sẽ tạo ra một lợi thế về dân số, kinh tế… đủ để tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup.

Tất nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thành tích thi đấu của bóng đá khu vực. Qatar đã cho thấy, họ không chỉ có nhiều tiền, mà còn có chức vô địch Asian Cup 2019 vừa qua, để nhận được tự tôn trọng trong tư cách của một chủ nhà World Cup 2022.

Làng cầu Đông Nam Á cũng cần phải để lại dấu ấn chuyên môn nhất định trong thời gian tới, trước khi nghĩ đến chuyện xin đăng cai. Một lần nữa, những chiến tích của Việt Nam thời gian vừa qua đã tạo thêm hy vọng. Đó là câu chuyện về đào tạo trẻ, là bài học về nỗ lực vượt qua giới hạn và thúc đẩy tham vọng.

Thành tích của Việt Nam cho thấy, khả năng bóng đá Đông Nam Á giành 1 suất dự World Cup trong thời gian tới là hoàn toàn có thể. Và nếu đã có đại diện đá World Cup thì tại sao không thể đăng cai?

Tin cùng chuyên mục