Nhiều địa phương cử VĐV dự giải bóng bàn trẻ, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm nay đã than trời với cái quy định cấm sử dụng keo tăng lực của bộ môn bóng bàn Việt Nam. Vừa công bố trễ, vừa ép các địa phương phải tuân thủ, quy định nói trên đang trở thành nỗi ám ảnh của gần 400 tay vợt đến Vĩnh Long dự giải…
![]() |
Các đơn vị và VĐV từng khốn khổ vì chuyện kiểm tra nồng độ keo tăng lực của vợt thi đấu tại giải VĐQG 2010 diễn ra hồi tháng 5. Ảnh: Nguyễn Nhân |
Tự hại mình
Rất bình thản, Trưởng bộ môn bóng bàn Việt Nam Nguyễn Đức Long trong buổi họp báo giới thiệu về giải đấu ở Vĩnh Long cho rằng, vì số lượng VĐV tham dự lên tới hơn 400 người ở các lứa tuổi, nên “BTC sẽ kiểm tra vợt của tất cả trước khi khởi tranh giải 1 ngày. Có nghĩa là, các VĐV phải nộp vợt cho BTC để máy kiểm tra nồng độ keo tăng hay không tăng lực, sau đó các VĐV nhận lại vợt và chờ ngày thi đấu”!? Tuyên bố này của ông Long khiến nhiều người nghe xong… té ngửa!
Dễ hiểu thôi, quy định mới mà bóng bàn Việt Nam áp dụng là cấm tất cả các VĐV sử dụng keo tăng lực để dán mặt vợt ở mọi giải đấu thuộc hệ thống quốc gia. Tuy nhiên, vì bộ môn bóng bàn mới chỉ mua được 2 chiếc máy kiểm tra nồng độ keo từ nước ngoài, trong khi với số lượng VĐV dự giải trẻ quá đông, kiểm tra trước thời điểm thi đấu thì không kịp, nên mới nghĩ ra cách kiểm tra “độc nhất vô nhị” này. Bởi thay vì kiểm tra từng người, nay gom lại kiểm tra đồng loạt luôn một thể cho… tiết kiệm thời gian!
Chưa hết, khi được hỏi, BTC làm như vậy liệu sẽ tạo kẽ hở cho các VĐV sau khi nhận lại vợt đã được kiểm tra thì sẽ lột ra và dán lại bằng keo tăng lực, lúc đó kiểm tra kiểu gì? Ông Long nói ngay: “Đợi đến vòng 1/16 sẽ kiểm tra lại lần nữa để đảm bảo sự công bằng trong thi đấu”. Như vậy chẳng hóa ra, cái quy định mà bộ môn bóng bàn Việt Nam ép các địa phương phải tuân thủ bằng mọi giá lại trở nên rất dở hơi, và khác chi bộ môn bóng bàn tự làm khó mình.
Địa phương trở tay không kịp!
Có thể khoảng thời gian từ đầu tháng 1 đến nay (thời điểm xuất hiện quy định mới cấm sử dụng keo tăng lực) cũng tạm đủ để các địa phương chuẩn bị và thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi cần nhiều thời gian hơn nữa, vì chuyện sử dụng loại keo mới (không tăng lực) để thay cho loại keo mà các VĐV chuyên dùng xưa nay (tăng lực) ảnh hưởng rất lớn đến kỹ thuật của họ. Chỉ trong khoảng thời gian vài tháng, liệu các VĐV có kịp điều chỉnh kỹ thuật để phù hợp với mặt vợt “lì” hơn trước? Câu trả lời, tất nhiên là không.
Hơn nữa, từ trước khi quy định mới này ra đời, một vài thành phố lớn, hay địa phương mạnh như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh… đã biết trước, nên đầu tư cho các VĐV sử dụng keo không tăng lực từ đầu năm ngoái. Trong khi nhiều địa phương khác thì khó khăn đủ bề về kinh phí, nên không thể theo kịp. Thậm chí có biết trước cũng chẳng làm cách nào mua được loại keo mới, cũng như biết cách sử dụng ra sao cho hợp lý. Bởi thế mới có chuyện, làng bóng bàn Việt Nam thời gian qua loạn hết cả lên chỉ vì… cái lọ keo không tăng lực.
Cách đây vài năm, sau khi quy định sử dụng loại bóng thi đấu mới, Liên đoàn bóng bàn thế giới (ITTF) cũng đã thông báo đến các liên đoàn thành viên về việc dùng keo không tăng lực dán mặt vợt, để giúp các trận thi đấu bóng bàn diễn ra “thật” hơn, phản ánh đúng trình độ của VĐV hơn. Thế nhưng, ngay cả việc phổ biến sâu rộng của bộ môn bóng bàn Việt Nam đến các địa phương phải đến năm ngoái mới có, rồi đùng một cái, quy định mới ra đời. Hậu quả của chuyện này thì ai cũng đã rõ: các HLV, VĐV tham dự đều bức xúc vì trở tay không kịp. Có lẽ, chỉ ở bóng bàn Việt Nam mới có cảnh “đi sau mà liều” như thế!
Lê Quang
Các tin, bài viết khác
-
V-League 2022 trở lại: Bắt đầu từ ‘chảo lửa’ Thiên Trường
-
Nghi vấn gian lận tuổi ở Giải cầu lông các nhóm tuổi thiếu niên quốc gia năm 2022
-
Trương Thị Kim Tuyền vuột cơ hội bảo vệ HCV vô địch taekwondo châu Á
-
Cặp đôi vàng Anh Tú, Tuấn Anh dừng bước tại giải bóng bàn Đông Nam Á
-
Mo Salah có thể rời Liverpool với giá chỉ 60 triệu bảng
-
Vòng 4 giải hạng Nhất - LS 2022: BR-VT và Khánh Hoà thẳng tiến
-
SPL - S4: Giải phủi sân 7 quay trở lại rộn rã ở miền đất… sân 5 - nghịch lý lại rất hợp lý
-
Dàn sao quần vợt Việt Nam tranh tài ở giải Quảng Nam mở rộng có số tiền thưởng “hậu hĩnh”
-
Giải futsal VĐQG 2022: Thái Sơn Nam tìm lại niềm vui chiến thắng
-
Becamex Bình Dương trước hai chuyến làm khách tại những ‘chảo lửa’