
Có một thông tin chưa được kiểm chứng như thế này: lãnh đạo đội SQC Bình Định đang ngồi tính nát óc không biết làm thế nào để các CLB chưa chịu chuyển sang “chế độ chuyên nghiệp” thực hiện xong cái tờ giấy rất ư là thủ tục đó. Tất nhiên, đội bóng này cũng tính đến việc phải vô địch giải hạng Nhất để lên thẳng, nhưng cứ nhìn tiềm lực của Xuân Thành Sài Gòn thì cũng phải dự phòng phương án 2 cho chắc ăn.
Không biết thông tin trên có chính xác hay không nhưng kỳ thực, nhìn đến giải hạng Nhất mới thấy chẳng có bao nhiêu đội đáng gọi là chuyên nghiệp dù rằng tại giải đấu này, rất nhiều đội một thời ngang dọc. Huế, Nam Định, An Giang, Cần Thơ… toàn những nơi mê bóng đá từ hồi đất nước thống nhất đến nay. Vậy nhưng, cả giải hạng Nhất không so nổi với Xuân Thành Sài Gòn, vốn có gốc gác từ Hà Tĩnh, vô danh, vô phận ngoài việc có rất nhiều tiền cũng đủ để đứng cao hơn thiên hạ một cái tầm.
Phải chăng, cái “giấc mơ thăng hạng” qua ví dụ của Xuân Thành Sài Gòn, căn bản cũng có thể mua được?
Không dám khẳng định điều đó vì nghe đậm mùi tiền bạc quá! Bởi dù gì, bóng đá vẫn là một trò chơi mang tính thưởng lãm lớn. Thế nhưng, đa số các đội bóng có lịch sử đều đang vật vả kiếm tiền để nuôi quân, rồi cả một địa phương nổi tiếng về bóng đá như Bình Định còn không thể chắc chắn dùng năng lực mà vượt qua Xuân Thành Sài Gòn thì biết nghĩ như thế nào bây giờ. Tầm các đội hạng Nhất, thêm một vài ngôi sao cũng đủ sức để thăng hạng, đằng này, Xuân Thành Sài Gòn có hơn 2/3 đội hình là cầu thủ đang ở thời đỉnh cao đến từ V-League.

Với tiềm lực kinh tế dồi dào, Xuân Thành Sài Gòn (trái) đang là thế lực mạnh ở giải hạng Nhất năm nay. Ảnh: Hoàng Hùng
Thế nên mới tin rằng, việc người ta nói lãnh đạo Navibank Sài Gòn đang mơ đến chức vô địch V-League hẳn không phải là chuyện tầm phào. Điều này từng là giấc mơ của mấy chục đội bóng suốt 2-3 thập niên trước đây giờ có vẻ như chỉ phải tốn thêm nhiều tiền là được. Từ thời Công nhân Nghĩa Bình đến SQC Bình Định bây giờ đã hơn 30 năm mà làng cầu xứ này chỉ mới với tay đến Cúp Quốc gia, nay lại chỉ thèm được thăng hạng sau khi đã xuống hạng đến 3 mùa, mơ gì đến chức vô địch Việt Nam. Ấy vậy mà chỉ cần có 2 năm, lãnh đạo Navibank Sài Gòn lại có quyền nghĩ đến đài cao danh vọng. Xem ra, đơn giản quá.
Phải chăng đó là quy luật tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp, nơi muốn thành công, nhất định phải có thật nhiều tiền. Điều đó không sai nhưng xem ra, lại chẳng có chút gì là màu sắc bóng đá cả. Bởi sau khi tất cả những đội nhiều tiền đều một lần trở thành vua, rốt cuộc sau đó còn lại cái gì khi mơ ước đã hoàn thành?
Tiền nhiều thì sẽ có nơi nhiều… tiền hơn. Đua tranh kiểu ấy, rồi cũng có lúc phải dừng vì kiếm tiền không phải là công việc dễ dàng.
Ngày trước, có rất ít đội có khả năng vô địch Việt Nam nhưng không vì thế bóng đá lại sút giảm sức hút. Một trận đấu “hạng vừa” giữa Bình Định và Khánh Hòa có thể gây nên một “cuộc chiến” ngoài sân cỏ đến cả tuần trước và sau trận đấu chứ chẳng đâu như cuộc đấu giữa Bình Dương và HA.Gia Lai ở vòng 2 vừa rồi không đủ để lấp đầy khán đài chưa đến 15.000 chỗ ngồi tại Pleiku. Nhà vô địch Việt Nam Hà Nội T&T suốt 2 năm qua, đá trên sân Hàng Đẫy chẳng có trận nào quá 3.000 khán giả đến sân, chẳng bằng một góc của những lần đụng độ giữa Thể Công và Công an Hà Nội ngày trước.
Nói như vậy chẳng phải để níu kéo cái gì. Mỗi thời mỗi khác. Thế nhưng, chẳng có nền bóng đá phát triển nào mà thiếu đi khán giả hoặc thậm chí, không cần đến khán giả. Thấy cách mà Navibank Sài Gòn thuê mướn ban nhạc vào sân Thống Nhất đánh chiêng, gõ mõ, cho thấy họ thật sự thèm khát có được không khí bóng đá, nhưng dù có thuê thêm cả chục ban nhạc nữa thì cũng chẳng thể giải quyết được cái gì ngoại trừ chứng minh rằng họ có rất nhiều tiền đổ vào bóng đá. Phải chăng, người hâm mộ Sài Gòn sau các cú sốc của Cảng, của Công an TPHCM… cũng trở nên đa nghi hơn nên cũng…t ừ từ xem Navibank Sài Gòn đá đấm ra sao, đối xử với họ ra sao rồi hẳn mở tấm lòng.
Với những dàn trống kèn như vậy, với những bản hợp đồng bạc tỷ như vậy, có thể Navibank Sài Gòn sẽ vô địch V-League. Không mùa này, thì mùa sau. Nhưng sau cuộc vui ngắn ngủi ấy, còn lại gì cho bóng đá Sài Gòn?
Mà cũng đâu chỉ có làng cầu Sài Gòn chịu cảnh đìu hiu ấy!
Ngẫm cho cùng, cái gì mua được thì bán đi chắc cũng chẳng khó lắm
Hồ Việt