Đến Zenit St.Petersbourg - Mancini sẽ thất bại?

Ông Roberto Mancini cựu HLV của Inter Milan và Manchester City là tâm điểm của sự chú ý, không chỉ với giới CĐV Zenit, mà còn với các khán giả theo dõi giải Ngoại hạng Nga (RFPL). 
Là HLV người nước ngoài nổi tiếng thứ 5 đến tiếp quản đội bóng nổi danh của thành phố Saint Petersbourg cổ kính và xinh đẹp, sau các ông Dick Advocaat (Hà Lan), Luciano Spalletti (Italia), Andre Villas-Boas (Bồ Đào Nha) và mới đây là Mircea Lucescu (Rumani), ông Roberto Mancini (ảnh) cựu HLV của Inter Milan và Manchester City là tâm điểm của sự chú ý, không chỉ với giới CĐV Zenit, mà còn với các khán giả theo dõi giải Ngoại hạng Nga (RFPL). Đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, về khác biệt văn hóa nói chung và những rắc rối về mặt bóng đá nói riêng, cơ hội để Mancini đạt được những thành công vượt mặt các người tiền nhiệm là không nhiều. Thậm chí, theo cây bút Michael Borzykin, ông thầy người Ý sẽ thất bại ở Zenit.
 Đến Zenit St.Petersbourg - Mancini sẽ thất bại? ảnh 1
 Trước khi nói đến những khó khăn mà Mancini phải gánh chịu trong cuộc phiêu lưu đến nước Nga lần đầu tiên (ông từng làm việc ở các môi trường như bóng đá Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chắc chắn nước Nga sẽ là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của Mancini, mảnh đất này có thể khiến ông bị “thân bại – danh liệt), hãy cùng điểm qua thành tích của những HLV người ngoại quốc khác ở Zenit. 
Với Advocaat, ông thầy người Hà Lan hiện đang là HLV trưởng của cả “Cơn lốc màu da cam” chính là người thành công nhất với Zenit – hồi năm 2007, ông trở thành HLV nước ngoài đầu tiên thắng giải RFPL, chiến thắng này của ông cũng giúp Zenit lần đầu tiên vô địch nước Nga kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã. Đến năm 2008, ông cùng với ngôi sao Andrei Arshavin đưa Zenit đăng quang ngôi vô địch Europa League sau các chiến thắng ấn tượng trước Bayer Levekusen, Bayern Munich và Rangers – Zenit trở thành đội bóng Nga thứ 2, sau CSKA Moskva, giành một danh hiệu ở đấu trường châu Âu. Năm 2008, ông tiếp tục đưa Zenit thắng siêu Cúp châu Âu khi đánh bại Manchester United 2-1.  Những thành công như của Advocaat không bao giờ được tái lập lại với một nhà cầm quân bất  kỳ, chứ chưa kể đến một chiếc lược gia ngoại quốc. Spalletti đến gắn kết với Zenit từ năm 2009 đến năm 2016, dù mang “cái mác” 2 lần giành Coppa Italia và 1 lần thắng siêu Cúp nước Ý trong màu áo của AS Roma, nhưng chiến tích cao nhất của ông thầy người Ý chỉ là đưa Zenit thống trị nước Nga trong các mùa giải 2009-2010, 2010-2011 và 2011-2012 với 2 ngôi vô địch RFPL, 1 Cúp Quốc gia và 1 siêu Cúp. Trong khi đó, Villas Boas – cựu HLV của Chelsea và Tottenham Hotspur, chỉ được xem là “một đại lão bản” giỏi kiếm tiền hơn làm chuyên môn và đóng góp cho sự phát triển của Zenit. Dù đã mang đến cho CLB 3 danh hiệu là chiếc cúp RFL hồi năm 2015, chiếc siêu Cúp Nga hồi năm 2015 và Cúp Quốc gia hồi năm 2016, Villas bị đánh giá là HLV nước ngoài kém cỏi nhất trong lịch sử của Zenit. Xét về mặt thành tích, HLV nổi tiếng người Rumani (từng dẫn dắt các đội bóng hàng đầu châu Âu và thế giới như là Inter Milan, Galatasary…) Lucescu được cho là người có ít đóng góp nhất, khi ông chỉ giúp Zenit thắng siêu Cúp Nga hồi năm 2016 và ở trong mùa giải năm ngoái, đội bóng của thành phố Saint Petersbourg chỉ giành được vị trí hạng 3 chung cuộc. Nhưng ai cũng hiểu, ở tuổi 71, sự minh mẫn và những thành công của ông đã nằm ở phía bên kia triền dốc sự nghiệp, khó đòi hỏi ông có những tư duy chiến thuật sắt bén ở độ tuổi này. Vì thế, khi Zenit thay ông bằng bản hợp đồng với Mancini (mới kết thúc hợp đồng với Inter) – bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, nhưng có thể được gia hạn thêm 2 năm nữa dựa trên những đóng góp mà ông thầy người Ý mang lại cho đội bóng, người ta đang kỳ vọng đến một sự thay đổi, nhưng thực tế sẽ là như thế nào? Có nhiều luận điểm cho rằng, nội bộ của Zenit thậm chí còn phức tạp và “bí ẩn” hơn cả CLB Rubin Kazan, đội bóng vốn được cho là… “bí ẩn nhất nước Nga”. Có thể đơn cử như thế này, khi mà HLV người Turkmenistan, ông Kurban Berdyev mua được một cầu thủ mới, giá cả chuyển nhượng, xu hướng hợp đồng, thậm chí cả nguồn gốc tài chính để mua cầu thủ này, đều sẽ được đề cập đến rộng rãi. Nhưng ở Zenit ngay vào lúc này thì không, Mancini muốn mua ai, tiền đâu ra, tất cả đều thuộc dàng thông tin không đầy đủ, tùy thuộc vào độ dày chiếc ví của nhà tài trợ Gazprom, và đó chắc chắn không phải là một mô hình chiến lược mà Mancini mong muốn khi đến làm việc ở đây. Ở mùa giải mới, Zenit được cho là cần một trung vệ giỏi, nhưng đến lúc này, họ vẫn chưa mua được ai. Họ đã có 4 bản hợp đồng mới có giá trị, bao gồm Leandro Paredes (Argentina, từ AS Roma, giá 23 triệu EUR), Sebastian Druissi (Argentina, từ River Plate, giá 15 triệu UER), Daler Kuzyaev (Nga, từ Akhmat Grozny, giá 4 triệu EUR) và Denis Terentjev (Nga, từ FC Rostov). Đó là chưa kể các cầu thủ chuyển nhượng tự do như là Christian Noboa (Colombia, từ FC Rostov), Dmitri Pozlov (Nga, từ FC Rostov), Aleksandr Erokhin (Nga, từ FC Rostov). Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ cho tham vọng của Mancini… 

Roberto Mancini đang ráo riết chuẩn bị cho mùa giải mới của RFPL với hàng loạt trận đấu giao hữu tập huấn trước mùa giải, trong đó, ngôi sao người Argentina Sebastian Druissi (sẽ khoác chiếc áo số 11 trong mùa giải mới 2017-2018) được ông thầy người Ý sử dụng như là “một cầu thủ hạt nhân” để xây dựng cả một lối chơi xung quanh anh này. Thử nghiệm về đội hình, nhân sự và chiến thuật đã xuất hiện khắp mọi nơi, và nó không dễ dàng để thích nghi trước khi được đưa vào áp dụng!

Tính đến thời điểm này trong giai đoạn chuẩn bị đầu mùa giải năm mới, Zenit đã có một số trận đấu giao hữu để thử nghiệm đội hình. Trong trận đấu với Ludogorets của Bulgaria hôm 24-6 rồi, Zenit của ông Mancini đã để thua 0-1, với Cicinho ghi bàn thắng duy nhất cho đội khách. Trong khi đó, trong trận đấu với Austria Vienna hôm 4-7, Zenit của ông Mancini đã thắng với tỷ số 2-1 nhờ công của Giuliano và Yuri Zhirkov. Những kết quả đó, đương nhiên chưa thể nói lên điều gì, vì Mancini vẫn cần rất nhiều thời gian để thích nghi.

Hồi mùa đông năm ngoái, Lucescu khiến dư luận phát sốt khi tung ra sân mỗi trận đấu một đội hình hoàn toàn khác nhau. Những trận đấu liên tục thay đổi về mặt chiến thuật, khiến người ta không thể hiểu nổi cơ sở thực sự, nhân lực chính thật sự của đội bóng là như thế nào. Cây bút Michael Borzykin từng cho rằng, đến giai đoạn mùa xuân năm nay, Zenit sẽ gặp vấn đề và rốt cuộc, lời tiên đoán đó đã trở thành sự thật. Lucescu không thành công trong mùa giải vừa qua  vì không thể hiểu thấu Zenit, hiểu thấu làng bóng Nga, ông phải ra đi để nhường chỗ cho một con người khác, vốn cũng rất thông thạo Serie A, nhưng hiểu biết về RFPL chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vấn đề nội tại, vẫn sẽ hiện hữu, chỉ khác là, nó được chuyển từ Lucescu sang cho Mancini mà thôi!

 Đến Zenit St.Petersbourg - Mancini sẽ thất bại? ảnh 2 Mancini (trái) được săn đuổi bởi nhiều CĐV sau khi đến nước Nga.
Ở nhiệm kỳ của mình, HLV Lucescu có đến 11 tháng rưỡi để kiện toàn đội hình và lối chơi, ấy vậy mà ông cũng không thể thành công. Vậy thì, Mancini chỉ với quá trình chuẩn bị chưa được 2 tháng (ông nhận “nhiệm vụ” vào ngày 1-6, trong khi mùa giải RFPL mới sẽ khai diễn  vào ngày 16-7 tới đây) sẽ tạo nên được thay đổi gì? Hai trận đấu vừa qua là hoàn toàn không đủ sau  khi Zenit trải qua giai đoạn nghỉ dưỡng cuối mùa quá dài lâu. Nhưng đó là “văn hóa bóng đá Nga”, với truyền thống nghỉ hè chẳng giống chút nào với các giải VĐQG châu Âu khác. Lucescu đã trả giá, còn Mancini, có thể cũng sẽ phải trả giá.

Trong mấy trận đấu thử nghiệm vừa qua, Mancini cho đội chơi với sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Một sơ đồ “cũ kỹ”, từng được Zenit áp dụng nhiều lần trong quá khứ với những ông thầy khác. Khi được hỏi, liệu có thay đổi nào về chiến thuật hay là không, Mancini trả lời: “Chúng tôi có thể thay đổi sơ đồ đội hình, khi những cầu thủ còn lại xuất hiện”. Ý của Mancini muốn nói, Zenit vẫn đang chờ đợi những cầu thủ tốt nhất của mình, trong kỳ chuyển nhượng, hoặc trở về sau kỳ nghỉ kéo dài. Nhưng ai chơi trung vệ? Cầm nhịp trận đấu có lẽ là chuyện của Druissi, nhưng ai sẽ hỗ trợ anh. Và đội hình 4-4-2 liệu có khả thi, nếu thay đổi thì sẽ là đội hình như thế nào?

Không ai có thể thành công nếu thay đổi cả một hệ thống lối chơi và tái xây dựng cấu trúc chỉ sau vài tuần lễ. Cả Jose Mourinho cũng không thể. Tiền nhiều khi cũng không thể làm được điều gì lớn lao, cho dù đó là 1 trăm triệu hay 2 trăm. Nhưng tất nhiên, Mancini sẽ không dừng lại, dù là 4 tuần hay thậm chí 4 tháng. Vấn đề là, ông có hiểu nổi Zenit hay là không? Một số người Ý  đã đến hỗ trợ ông, như là Massimo Battara, nhưng ở Nga, đôi khi người ta cần… một người Nga chính gốc. Thế nên, dù Mancini có nói gì, hứa gì, có cảm giác như thế nào, thì vẫn có nhiều người cảm thấy ông không thể thành công, như cái cách người Nga đa phần không thể thành công khi làm việc xa nhà.

“Tôi rất hài lòng với những gì chúng tôi đã làm được. Chúng tôi đang làm được rất nhiều điều, dù không có nhiều trận giao hữu để thử nghiệm. Chúng tôi đang cải thiện từng bước, kể cả thể lực, kỹ thuật lẫn chiến thuật và chất lượng thi đấu. Tôi hạnh phúc với tất cả mọi thứ đang diễn ra. Tôi nghĩ, mọi chuyện chỉ có thể tốt hơn lên”, Mancini đã trả lời phỏng vấn gần đây như vậy. Nhưng đến khi Giải Ngoại hạng Nga chính thức diễn ra, sẽ không còn lạc quan tếu, sẽ là những chuyến hành trình “xa xôi diệu vợi” – nếu nói theo nghĩa đen, Zenit và Mancini sẽ phải đi một quãng đường dài 5.442 dặm (nghĩa là 8707,2 kilomet), mất 111 tiếng đồng hồ nếu lái xe hơi, 5  ngày và 17 tiếng đồng hồ nếu đi xe lửa, hoặc giả đi máy bay thì phải mất 7 tiếng rưỡi đồng hồ, để chơi trận mở màn RFPL mùa này với SKA Khabarovsk – thuộc thành phố Khabarovsk, nằm gần biên giới với Trung Quốc, rất gần những thành phố như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), nhưng lại rất xa St.Petersbourg. Còn nói theo nghĩa bóng thì: “Chuyến hành trình “trăm bước” của Mancini trên đất Nga đã bắt đầu”, còn đi được đến đâu, cho đến khi nào, thì lại là chuyện khác!

Tin cùng chuyên mục