ĐBQH tán thành việc luật hóa quy định về đặt cược thể thao

Sáng 31-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao (TDTT).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày thẩm tra luật TDTT
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày thẩm tra luật TDTT

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, một số ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, Dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa; đồng thời, đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên quy định bơi là môn học bắt buộc, việc tăng hay giảm số tiết học môn giáo dục thể chất cần được nghiên cứu một cách tổng thể, có tính đến khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

ĐBQH tán thành việc luật hóa quy định về đặt cược thể thao ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp sáng 31-5
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4%-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học là có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, UBTVQH chỉnh lý Dự thảo theo hướng quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi.

Thảo luận về dự án luật này, nhiều ĐBQH tranh luận sôi nổi về việc có nên quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa hay không. Một số ĐB cho rằng không nên quy định vì không khả thi.

Nhưng ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại cho rằng, không nên hiểu bắt buộc học môn bơi thì nhà trường phải có bể bơi, mà chỉ cần đưa ra tiêu chí học sinh THCS phải biết bơi chẳng hạn để nhà trường, gia đình cùng thực hiện. Vì với điều kiện địa hình của chúng ta, để phòng tránh đuối nước, việc phổ cập bơi là rất cần thiết.  

Một số ĐB khác cũng đề nghị thiết kế một khoản quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa và có lộ trình thực hiện, đồng bộ với Luật Giáo dục sửa đổi lần này.

ĐBQH tán thành việc luật hóa quy định về đặt cược thể thao ảnh 2 Các đại biểu tại phiên họp 31-5
Về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập, UBTVQH cho rằng đây là hoạt động thể thao được thực hiện trong điều kiện nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn, cần phải quy định về điều kiện kinh doanh đối với hai loại hình này.

Về đặt cược thể thao, UBTVQH nhận thấy việc bổ sung quy định về đặt cược thể thao trong dự thảo Luật cần được nghiên cứu, xem xét vì trong những năm qua thị trường đặt cược thể thao trên thế giới có xu hướng phát triển nhanh. Nhiều quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao.

Việc hợp thức hóa thị trường đặt cược thể thao là nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường này, hạn chế các tác động xấu đối với xã hội, đáp ứng nhu cầu về giải trí của một bộ phận người dân và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã cho phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế.

Quy định về đặt cược thể thao ở nước ta là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, đồng thời bảo đảm sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị bổ sung nội dung đặt cược thể thao theo hướng quy định về khái niệm đặt cược thể thao, nguyên tắc kinh doanh đặt cược thể thao; giao Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Đa số ý kiến các ĐBQH tán thành việc luật hóa quy định về đặt cược thể thao.

Về nội dung các khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, phương án này chưa hợp lý: “Khu công nghiệp, khu công nghệ cao không phải là nơi sinh hoạt, sinh sống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của công nhân. Do vậy việc xây dựng công trình thể thao trong khu vực sản xuất, nghiên cứu là không thích hợp”

ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) cũng cho rằng, đa phần công nhân làm hết giờ là về, vì vậy nếu xây dựng công trình thể thao ở khu công nghiệp có hợp lý không?

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, định hướng của luật mới là quan trọng, cái chúng ta cần, muốn là có một dân tộc khỏe mạnh. Trong khi đó, thực trạng hiện nay là kinh tế đi lên nhưng thể lực, chiều cao lại có xu hướng giảm; một quốc gia về biển nhưng số người đuối nước lại rất nhiều, đa phần trẻ em không biết bơi.

“Mục đích của thể dục thể thao là nâng cao thể lực của người Việt Nam, thể lực tăng lên thì trí tuệ mới tăng lên, chi phí cho bệnh tật giảm xuống. Vì thế, tôi tán thành việc phải luật hóa những quy định bắt buộc để phong trào thể dục thể thao quần chúng đi lên, nhất là những quy định đối với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông, chúng ta tốn nhiều tiền cho thể thao thành tích cao, nhưng nếu những thành tích đó không tạo sức hút cho phong trào thể dục thể thao quần chúng thì đó lại không phải là cái đích đến của chúng ta. Một quốc gia có thể không nổi bật về thể thao thành tích cao nhưng cả dân tộc khỏe mạnh vì phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển thì vẫn tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục