Đầu tư có định hướng

Sau vòng 10, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vẫn dẫn đầu giải hạng nhất. Dù không tạo ra được khoảng cách quá lớn cho các đội phía sau, nhưng việc xếp trên những tên tuổi dày dạn kinh nghiệm và tham vọng như Khánh Hòa, Bình Định… cho thấy đội bóng này đang muốn “làm chuyện lớn”.

Mới năm 2017, BR-VT còn đá tận giải hạng ba. Địa phương này thật ra cũng không có truyền thống bóng đá đáng kể nào. Thế nên, chuyện chỉ sau 3 năm BR-VT có cơ hội lên chơi ở V-League mùa sau có thể nói là kỳ tích. Nhưng họ có niềm tin để hiện thực hóa giấc mơ đó. CLB Hà Nội là một ví dụ.

Từ năm 2006 đến 2009, mỗi năm Hà Nội T&T (tên gọi ban đầu) thăng mỗi hạng để có mặt tại V-League, và bây giờ trở thành đội bóng mạnh nhất. Qua đó cũng chứng minh, nếu có cách làm bóng đá đúng đắn, dài hạn, những người chủ CLB có tham vọng và đam mê, không cần đến truyền thống vẫn có thể tạo ra một đội bóng mạnh đúng nghĩa.

HA.GL cũng là một cái tên thành công khác trong việc “biến không thành có”. Trước khi bầu Đoàn Nguyên Đức đầu tư, Gia Lai chơi bóng ở giải hạng nhì, làm “sân sau” cho bóng đá Bình Định. Nhưng chỉ cần 3 năm, HA.GL đã thăng hạng V-League và đoạt luôn chức vô địch, điều chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù không giàu thành tích như Hà Nội, nhưng tính đến thời điểm này, HA.GL vẫn được xếp vào hàng đội mạnh, có truyền thống gần 2 thập niên chơi chuyên nghiệp. 

Điểm chung của 2 đội bóng thành công cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn là việc đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá trẻ. Nói cách khác, việc đổ tiền làm học viện như HA.GL hay xây dựng các tuyến U của Hà Nội là một hành động mang tính cam kết lâu dài. Đây là chi tiết mà người ta có thể đặt niềm tin vào BR-VT. Với Học viện Juventus, với việc đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất và con người, cho dù BR-VT không có truyền thống, vội vàng đặt mục tiêu lên hạng trong thời gian ngắn thì tương lai của họ vẫn đáng để chờ đợi.

Sự hiện diện của BR-VT (nếu có thể) tại V-League cũng sẽ là cú hích trong lĩnh vực đào tạo cầu thủ. Sự hình thành những cơ sở đào tạo có quy mô lớn hiện không còn nằm ở Hà Nội hay TPHCM nữa mà bắt đầu chuyển ra những khu vực lân cận, tận dụng quỹ đất và chi phí rẻ để xây dựng các trung tâm lớn, bao gồm hệ thống sân vận động dành cho thi đấu.

Điều này cho thấy, đây là các khoản đầu tư có định hướng hoàn toàn vào bóng đá chứ không phải mô hình “đổi bóng đá lấy hạ tầng” ngắn hạn quen thuộc trước đây. Xu thế này mà được cổ vũ thì bóng đá Việt Nam cũng như các địa phương sẽ được hưởng lợi.

Tin cùng chuyên mục