1. Rốt cuộc thì cái quy chế chuyển nhượng VĐV trong nước sau nhiều năm chuẩn bị cũng đã ra đời, sau quyết nghị của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VVF). Thế nhưng, trên thực tế, quy chế này chưa nhận được sự đồng tình thực sự từ các đội bóng. Ý tứ chung chính là một cầu thủ có thể thi đấu cho hơn 1 CLB trong cùng một mùa bóng. Nghĩa là ở vòng 1, họ có thể chơi cho đội bóng này, nhưng ở vòng 2 lại chuyển sang chơi cho đội bóng khác mà vẫn coi là hợp lệ.
Ngay từ đầu, không ít HLV có tiếng trong làng bóng chuyền Việt Nam đã phản ứng. Thậm chí, trong cuộc hội thảo hồi cuối mùa bóng 2009 tại TPHCM, khi VVF đưa dự thảo quy chế chuyển nhượng cầu thủ trong nước ra để bàn, đã nảy ra những tranh cãi không có điểm dừng. Vì thế, với cái quyền quyết định cao nhất của mình, VVF dù tới đây sẽ chính thức áp dụng quy định kể trên, sẽ không tránh khỏi những cuộc cãi vã giữa các đội bóng về cách sử dụng người về sau.
![]() |
Các VĐV từng hy vọng VVF là chỗ dựa của mình khi xảy ra rắc rối với CLB chủ quản. Nhưng… Ảnh: Nguyễn Nhân |
Đồng ý là, khi VVF ban hành quy chế mới, các CLB - những tế bào của “cơ thể” bóng chuyền Việt Nam phải tuân thủ, vì xem ra nó cũng góp phần hạn chế đến mức chấp nhận được tình trạng mượn VĐV tràn lan trước mỗi mùa bóng. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ, thực ra, quy chế mới chỉ là bước cải tiến của tình trạng mượn quân nói trên, hay nói chính xác hơn, thì đấy là “mượn quân có giấy tờ”.
2. Rất nhiều người đã trông đợi VVF khi đứng ra giải quyết vụ rắc rối đi, ở giữa CLB Tràng An Ninh Bình và chủ công Nguyễn Hữu Hà, sẽ đưa ra một giải pháp “thấu tình, đạt lý”, giải pháp mà nói như TTK VVF Trần Đức Phấn “sẽ bảo vệ đến cùng quyền lợi của VĐV”. Thế nhưng…
Chuyện giữa Hữu Hà và đội bóng chủ quản có lẽ còn lâu mới vãn hồi và cái thiệt đương nhiên thuộc về VĐV. Sang tuổi 29 (Hà sinh năm 1981), VĐV chủ lực của đội bóng Ninh Bình có lẽ cũng đang bước sang gần bên kia sườn dốc sự nghiệp đỉnh cao. Nghĩa là, như chính bản thân Hữu Hà thừa nhận, cùng lắm thì anh cũng chỉ chơi bóng đỉnh cao được 1-2 năm nữa, sau đó sẽ chia tay nghiệp VĐV. Nghĩa là bước tiếp theo sau khi giải nghệ, Hà phải chuẩn bị cho một tương lai mới, như nghề HLV chẳng hạn. Thế nên, việc Hà xin rời đội bóng Ninh Bình theo đúng quy trình của một công chức xin chuyển công tác hay nghỉ việc để chuyển về Hà Nội, gần gia đình và tìm một công việc mới là điều hợp lý.
Trong sự việc này, khi không thể tìm đến quan điểm chung, Hà và ngành TDTT Ninh Bình buộc phải nhờ đến VVF làm trung gian giải quyết. Tiếc là sau lần gặp đầu tiên hôm 29-1, mọi chuyện vẫn đi vào ngõ cụt, và điều thiệt vẫn nghiêng về VĐV. Và rõ ràng, sau lần gặp ấy, Hữu Hà đã rất bất ngờ trước cách “bảo vệ quyền lợi chính đáng cho VĐV” rất lạ lẫm mà VVF đưa ra: nếu ra đi và chơi ở một đội bóng khác, Hữu Hà phải tuân thủ quy định chuyển nhượng, bất kể giữa anh và đội bóng Ninh Bình không hề có bản hợp đồng đào tạo VĐV như nhiều người từng nghĩ.
Suy cho cùng, VVF là chỗ dựa của các đội bóng, của mọi cầu thủ đặc biệt là ở thời điểm làng bóng chuyền Việt Nam đang hướng lên chuyên nghiệp. Quyết sách của VVF vì thế cần nhận được sự ủng hộ của đa số CLB, khiến VĐV phải khâm phục, chứ không phải lửng lơ như vừa qua.
Lê Quang
Hội nghị BCH Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đầu năm 2010 Cuộc họp đầu tiên của Ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VVF) trong năm 2010 diễn ra sáng qua (30-1) tại Hà Nội đã tổng kết lại những việc làm được và chưa được trong năm 2009 đồng thời bàn phương hướng hoạt động trong năm nay. Vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất chính là thất bại của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam tại SEA Games 25. Hai yếu tố chính dẫn đến thất bại của bóng chuyền Việt Nam ở SEA Games 25 được xác định là lực lượng VĐV không duy trì được phong độ, trình độ HLV còn hạn chế. Thất bại của đội tuyển bóng chuyền nam buộc các lãnh đạo VVF phải nhanh chóng tìm kiếm giải pháp nâng chất bóng chuyền, cả nam và nữ. Để sớm đưa bóng chuyền Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế, giải pháp đầu tiên được đưa ra là phải tìm kiếm 2 chuyên gia giỏi của nước ngoài dẫn dắt cả đội nam lẫn đội nữ. Song song đó, khâu đào tạo trẻ sẽ được tiến hành rộng và sâu hơn. Cùng với việc khuyến khích các CLB đào tạo những VĐV mới, bản thân VVF cũng sẽ góp sức cùng Tổng cục TDTT đầu tư chuyên biệt cho những VĐV trẻ xuất sắc nhất để họ nhanh chóng đủ khả năng thay thế các đàn anh. Từ lâu nay, tình trạng ngấm ngầm lôi kéo các VĐV, nhất là VĐV trẻ có tiềm năng dẫn tới những tranh chấp kéo dài của các CLB đã trở thành vấn đề nhức nhối của bóng chuyền Việt Nam. Vì lẽ đó, bản quy chế chuyển nhượng mới được giới bóng chuyền rất quan tâm và nó đã được gửi tới các thành viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, các CLB, các nhà quản lý thể thao... Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã quyết định trong quý 2-2010, Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền phải được ban hành. Như vậy, lượt đi giải vô địch quốc gia (trước đây là giải đội mạnh toàn quốc) 2010 sẽ không kịp các thủ tục chuyển nhượng theo quy chế mới. Tuy nhiên, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã ban hành điều lệ thi đấu 2010 với hầu hết những vấn đề cốt lõi của quy chế mới. Vì thế, dù chưa cập nhật đầy đủ các quy định mới, song BCH VVF tự tin lượt đi giải vô địch quốc gia 2010 sẽ giảm thiểu những tranh chấp giống các mùa bóng trước. Thanh Phong |
Các tin, bài viết khác
-
Thiago nghỉ 6 tuần, hàng tiền vệ Liverpool khủng hoảng
-
Trần Thị Thanh Thuý bỏ ngỏ khả năng dự giải bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2022
-
Hai golf thủ Thảo My, Bảo Nghi đứng trước cơ hội đấu với cựu số 1 thế giới
-
De Bruyne đưa ra “cảnh báo” đầu tiên
-
Các VĐV karate trẻ mạnh nhất tranh tài tại giải quốc gia
-
Cờ vua nữ Việt Nam thua Philippines tại ván áp chót Olympiad
-
Marianne Vos bị tước chiến thắng vì “bàn chân chó con”
-
RPL sau 4 vòng đầu tiên: Spartak Moscow của Guillermo Abascal lên đỉnh BXH, Zenit Saint Petersburg văng khỏi tốp 3
-
Chủ tịch CLB TPHCM Nguyễn Hữu Thắng trở lại ghế HLV sau 5 năm
-
Các học viên nô nức về dự lễ khai giảng khóa 3 Học viện Nutifood JMG