Đấu kiếm Việt Nam tự tin đột phá

Năm nay, Đại hội liên đoàn đấu kiếm Việt Nam khóa 1 sẽ diễn ra và đó được xem là bước tiến quan trọng giúp nâng tầm hơn nữa cho môn thể thao trọng điểm của ngành.

Giải vô địch toàn quốc luôn cần thêm nhiều đơn vị tham dự. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Giải vô địch toàn quốc luôn cần thêm nhiều đơn vị tham dự. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Định hình bộ khung quản lý

“Chúng tôi đang trong thời gian chuẩn bị và chờ ý kiến, quyết định việc thành lập Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam từ lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Mong là nếu không có gì thay đổi thì trong năm nay, Đại hội khóa 1 sẽ sớm tổ chức”, ông Phùng Lê Quang – phụ trách bộ môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) cho biết. 

Hiện tại, thành viên ban vận động thành lập Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam khóa 1 đã làm việc rất cụ thể từng đầu mục công việc. Ngoài công tác nhân sự, vấn đề về điều lệ, phong trào và mục tiêu hoạt động của Liên đoàn đã và đang được đưa ra thảo luận tìm sự thống nhất chung từ những nhà quản lý và người làm chuyên môn. Tiêu chí quan trọng lựa chọn nhân sự hướng tới là tìm những cá nhân có sức trẻ và chịu làm việc chứ không ngồi chỉ tay thiếu thực tế.

Được biết, vị trí Chủ tịch Liên đoàn đấu kiếm khóa 1 đã có nhân sự được đề cử và nhận được sự gật đầu. Ngoài ra, một số Phó chủ tịch cùng nhân sự Tổng thư ký được đề xuất là người có kinh nghiệm và làm việc thực tế với đấu kiếm. “Tìm nhân sự luôn là vấn đề khó. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ tìm được những người tham gia cùng điều hành hoạt động Liên đoàn khóa 1 hiệu quả nhất”, ông Phạm Anh Tuấn – phụ trách bộ môn đấu kiếm Hà Nội, thành viên tham gia ban vận động thành lập Liên đoàn xác nhận. 

Đấu kiếm Việt Nam tự tin đột phá ảnh 1 Đấu kiếm TPHCM là một trong những đơn vị mạnh với VĐV tiêu biểu như Tiến Nhật. Ảnh: NGỌC HẢI
Thành tích tạo phong trào 

Ra đời một liên đoàn thể thao là điều cần thiết. Tuy nhiên, để tổ chức nghề nghiệp xã hội này hoạt động hiệu quả ra sao, tất cả phụ thuộc vào tài lực và vật lực của những người tham gia. Đấu kiếm là môn thể thao không mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhà quản lý chuyên môn tại Tổng cục TDTT cùng các đơn vị thể thao địa phương vẫn đau đầu tìm mọi phương án hướng tới phát triển mạnh phong trào và thu hút được nhiều hơn người quan tâm, tham gia. 

Môn đấu kiếm vẫn song hành 2 giải trẻ và vô địch toàn quốc trong hệ thống thi đấu trong nước hàng năm. Sự góp mặt hiện vẫn là các đơn vị Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa và CAND. Đáng chú ý, thể thao CAND là đơn vị “trẻ tuổi” nhất đã quyết tâm phát triển môn này. “Phát triển thêm đơn vị đầu tư vào thể thao đấu kiếm là không dễ vì phụ thuộc vào sự quan tâm ở từng địa phương, nhưng chúng tôi tin khi đấu kiếm ngày càng có thành tích quốc tế tốt thì sẽ thêm đơn vị muốn đào tạo VĐV”, ông Quang nói thêm.

Đấu kiếm Việt Nam đã có những suất Olympic trong các kỳ năm 2012, 2016 rồi kết quả huy chương tại Asian Games 2014, SEA Games 2003, 2005, 2007, 2011, 2015, 2017, 2019. Từ kết quả ấy, Liên đoàn đấu kiếm thế giới đã đánh giá cao về sự phát triển của đấu kiếm Việt Nam. Tuy vậy, người đam mê thể thao trong nước vẫn chờ đợi sớm có những mô hình câu lạc bộ đấu kiếm được ra đời qua đó họ có sân chơi tập luyện, làm quen với đấu kiếm. Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam khi ra mắt cũng có một trong những mục tiêu hoạt động phát triển phong trào cộng đồng như vậy. 

Do tình hình covid-19, thời điểm tổ chức Đại hội chưa được ấn định cụ thể. Các nhà quản lý hy vọng thời điểm tổ chức sẽ diễn ra ở giai đoạn thuộc 6 tháng đầu năm nay. 

Tin cùng chuyên mục