Đào tạo bóng đá trẻ - Đãi vàng tìm... cát

Bài 3

Bài 1: Trăm hoa đua nở

Thành công của U.19 Việt Nam với đa số các cầu thủ đến từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai khiến nhiều người ngỡ ngàng: Hóa ra đào tạo trẻ tại Việt Nam đâu đến mức kém cỏi. Trên thực tế, sự nổi tiếng của đội U.19 đã che khuất nhiều trung tâm bóng đá trẻ có chất lượng tại Việt Nam. Và từng có thời điểm, các trung tâm đào tạo trẻ mọc như nấm sau mưa.

Bán đất, bán nhà làm bóng đá trẻ

Ngày 21-11-1997, trên mảnh đất rộng 8.000m² ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM, trung tâm bóng đá trẻ tư nhân đầu tiên ra đời, đánh dấu bước chuyển mình lớn lao của mô hình xã hội hóa bóng đá ngay thời điểm mà các CLB vẫn đang “ăn lương nhà nước”.

Trung tâm Đa Phước ra đời chủ yếu từ niềm đam mê của cựu tuyển thủ bóng đá miền Nam trước đây, ông Nguyễn Văn Mộng. Dù đã sang Mỹ định cư, nhưng tình yêu bóng đá đã thôi thúc ông vét sạch tiền đầu tư vào Đa Phước. Đa Phước khá sôi động những ngày đầu, nhiều cựu danh thủ cùng xắn tay làm bóng đá trẻ với ông Mộng như Tư Lê, Tư béo, Thuận…

Thời gian trôi qua, nguồn tài chính cạn dần khi tiền học phí “nửa thu, nửa miễn phí”, không có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý bóng đá. Đến năm 2008, sự nghiệp trồng người cho bóng đá trẻ của ông Mộng đành kết thúc trong sự lặng lẽ.

3 năm sau ngày Đa Phước ra đời, tại Cửa Lò - Thanh Hóa, Trung tâm đào tạo VST của 2 anh em danh thủ Văn Sỹ Hùng – Văn Sỹ Thủy được thành lập. Đổi lấy 3.000m² và khát khao đào tạo trẻ là hàng chục tỷ đồng đi vay ngân hàng bằng sổ đỏ của gia đình.

Vay không đủ, phải bán cả nhà và chuyện gì đến phải đến: năm 2008, Trung tâm VST đành chấp nhận bán đến 80% cổ phần cho người khác để rồi suýt nữa phá sản hoàn toàn sau sự kiện đội Hải An Sài Gòn United (được chuyển giao từ lò VST) xuống hạng, giải tán.

Những khoản vay trước đó đến ngày đáo hạn, suốt trong 2 năm 2010 - 2011, Trung tâm VST như “ngọn đèn trước gió”. May mắn thay, bầu Hiển của Hà Nội T&T đã rót vốn mua lại 80% trung tâm sau một buổi trò chuyện với Văn Sỹ Hùng và thấu hiểu khao khát của cựu danh thủ này. Nhờ thế mà VST đã tuyển sinh trở lại với 5 tuyến trẻ. Sau 13 năm hoạt động, VST đã cung cấp hơn 60 cầu thủ cho các đội bóng.

Đội bóng trẻ của lò đào tạo PVF.

Đội bóng trẻ của lò đào tạo PVF.

Giống... làm từ thiện

Hai câu chuyện về những lò đào tạo tư nhân đầu tiên nói trên cho thấy một thực tế khắc nghiệt: Đào tạo trẻ vô cùng tốn kém, đặc biệt là khả năng trường vốn lên đến 10 năm trước khi có thể bán được cầu thủ để cân đối thu – chi. Có người đã nói vui: đào tạo trẻ chẳng khác gì làm… từ thiện.

Khi ra mắt năm 2008, Trung tâm đào tạo PVF được “đỡ đầu” bởi Quỹ Đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam (PVF) với 3 cổ đông sáng lập mà chỉ cần nghe thôi cũng biết là làm từ thiện (Quỹ Thiện Tâm, Công ty PFV và Vinpearl đều thuộc Tập đoàn VinGroup). Trung tâm PVF hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, huy động các nguồn vốn để tài trợ cho việc đào tạo tài năng trẻ cho bóng đá Việt Nam cả về kỹ thuật lẫn trình độ văn hóa.

Nhờ nguồn vốn từ VinGroup mà chỉ sau 5 năm hoạt động, PVF đã có thể tuyển sinh trên 51 tỉnh thành, đang đào tạo được 190 em với các lứa U.13, U.15 và U.17. Quan trọng hơn, PVF đã thu hút một loạt danh thủ như Trần Minh Chiến, Hữu Đang, Trịnh Tấn Thành, Nguyễn Phúc Nguyên Chương…về đứng lớp.

Cũng xuất phát từ năng lực tài chính mạnh mà Trung tâm bóng đá Viettel chỉ mới ra đời sau 4 năm đã nhanh chóng tạo được dấu ấn với lứa cầu thủ cung cấp cho đội tuyển U.16 Việt Nam đá tại VCK giải U.16 châu Á vừa qua.

Tập đoàn Viettel sau khi dừng đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp (đội Thể Công) đã tập hợp những cựu cầu thủ Thể Công như Hồng Sơn, Như Thuần, Hải Biên về làm thầy  với mục đích là đào tạo cầu thủ để bán chứ không phải để đưa Thể Công trở lại bóng đá đỉnh cao.

Nếu tính luôn hơn 20 lò đào tạo thuộc các đội bóng tham dự V-League và giải hạng nhất thì số lượng trung tâm đào tạo tài năng bóng đá trẻ ở Việt Nam không dưới 30 đơn vị. Cộng thêm một số chương trình tuyển sinh tài năng trẻ do các CLB nước ngoài tổ chức ở Việt Nam như “Giấc mơ sân cỏ” của Aspire-Barcelona, “Hoàng tử bóng đá” của Liverpool, có thể nói cuộc cạnh tranh tài năng bóng đá trẻ ở Việt Nam nở rộ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải trung tâm nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi nên chất lượng đầu ra của không ít trung tâm, học viện trẻ đang bị nghi ngờ.

Bài 2: Làm xiếc với bóng đá trẻ

Đầu những năm 2000, VFF đã “đặt hàng” Trung tâm Huấn luyện quốc gia 1 (Hà Nội) và 2 (TPHCM) đào tạo tuyến trẻ cho các đội tuyển, bắt đầu từ lứa U.15. Đây là một kiểu “nuôi gà chọi” được VFF học theo mô hình Trung Quốc và sự kết thúc của nó cũng lặng lẽ như khi ra đời.

Dù sao, cũng đã có một loạt tuyển thủ quốc gia sau này như Phan Thanh Bình, Việt Cường, Quý Sữu, Long Giang, Nhật Tân… trưởng thành từ lò này.

Ngài Sepp Blatter ăn quả lừa

Ngày 1-8-2008, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ hùng hồn tuyên bố: “Với sự hỗ trợ của Dự án Goal giai đoạn 2 của FIFA, bóng đá Việt Nam đã có một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Tại buổi lễ khánh thành trung tâm đào tạo trẻ đặt tại Mỹ Đình ngày đó, có người đứng đầu FIFA, ngài Sepp Blatter.

Ấy vậy mà giờ đây, sau khi dư luận lên tiếng về việc trung tâm bóng đá trẻ rộng 7,2ha ấy đang cho thuê chơi bóng đá phủi chứ chưa hề đào tạo ra tài năng nào thì VFF lại chối biến là nơi này không có chức năng đào tạo trẻ. Cái tên ấy được đặt ra để được nhận thêm ngân sách rót từ Nhà nước lên đến 80% vốn xây dựng. Hóa ra, chính FIFA cũng bị “ăn quả lừa” bởi phần lớn số tiền trong khoản tài trợ 400.000 USD từ dự án Goal được VFF đổ vào xây dựng trụ sở hoành tráng.

Điều đáng nói là sau đó, FIFA hứa sẽ tài trợ thêm khoảng nửa triệu USD nếu VFF đào tạo trẻ ngon lành! Thực tế thì sao: các tuyến trẻ từ U.13 đến U.17 và bây giờ là U.19 đều là người của Viettel, Sông Lam Nghệ An, PVF và Hoàng Anh Gia Lai, hoàn toàn không có dấu ấn gì của VFF. Thế mà nghe đâu, họ đang vận động để dự án Goal 3 rót tiền về Việt Nam thông qua những thành tích ấn tượng mà họ “vay mượn” từ các trung tâm đào tạo tư nhân.

Chủ tịch FIFA Sepp Blater trong ngày khánh thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại Mỹ Đình năm 2008.

Chủ tịch FIFA Sepp Blater trong ngày khánh thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại Mỹ Đình năm 2008.

VFF và cú đánh quả U.19

Trở lại câu chuyện về 2 trường đào tạo Nam - Bắc đã nói ở phần đầu. Đây là giải pháp tình thế được VFF nghĩ ra trước áp lực dư luận sau khoảng trống mà thế hệ vàng để lại sau thất bại tại Tiger Cup 2000 và SEA Games 2001. Dự án “trồng người” đầu tiên và duy nhất ấy của VFF nhanh chóng bị xóa sổ sau khi thế vệ vàng thứ 2 được ra mắt tại SEA Games 2003. Có thể nói, dự án ấy là một “cú đánh quả” để né trách nhiệm của VFF không hơn, không kém.

10 năm sau, bóng đá Việt Nam đối diện với một hoàn cảnh tương tự sau các thất bại tại SEA Games 26, 27 và AFF Cup 2012. Lần này, đội U.19 với thành phần chính từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai được lấy làm “bức bình phong” để VFF lách trách nhiệm của họ với các đội tuyển quốc gia. Với sự giúp đỡ nhiệt tâm của bầu Đức và năng lực làm truyền thông của nhà tài trợ, VFF hãnh diện tuyên bố lứa U.19 sẽ là tương lai, là niềm tin để bóng đá Việt Nam có quyền nghĩ đến… World Cup 2018.

Thế là toàn bộ kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam đều dựa trên nền tảng U.19. Từ việc vào VCK U.20 thế giới, đến dự Asiad 2014, SEA Games 2015. Chỉ còn thiếu mỗi việc đưa U.19 đá AFF Cup là VFF chưa làm mà thôi.

Việc làm của VFF vừa có tính chất “lấp liếm” sự thất bại của mình ở trung tâm đào tạo trẻ vốn được ra đời cùng thời với Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, vừa có thể phủ nhận công sức cũng như đóng góp của các trung tâm đào tạo khác cũng không hề kém so với Hoàng Anh Gia Lai. Đáng nói hơn, VFF đang vẽ ra những ảo tưởng về thành tích, gây áp lực cho chính đội U.19, điều mà ở vai trò của họ cần phải tránh.

Trên thực tế, để đánh giá được thành công của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal hay một loạt trung tâm đào tạo trẻ khác thì cần đến vài năm nữa, bởi các trung tâm ấy cũng chỉ mới đào tạo 5-7 năm trở lại đây. Mặt khác, là những người chưa từng đào tạo trẻ, chưa bao giờ đặt ra một chiến lược bóng đá trẻ dù đã 2 lần nhận tiền từ dự án Goal, làm sao VFF có đủ năng lực để thẩm định tiềm năng các cầu thủ không phải do mình đào tạo mà chỉ biết sử dụng để lấy thành tích?!

Với sự kết hợp hoàn hảo giữa một ông bầu không ngại tốn tiền, cộng với năng lực làm truyền thông khéo léo và tốn kém của hãng dinh dưỡng Nutifood, lứa U.19 hiện hay trở nên khác biệt.

Quan điểm đá đẹp bằng mọi giá của bầu Đức đánh đúng tâm lý của người hâm mộ, nhất là sau khi các đội tuyển quốc gia và U.23 thất bại thảm hại ở đấu trường quốc tế.

Kế đến, thông qua việc tài trợ 5 năm cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai của hãng Nutifood qua đó những hình ảnh thi đấu của đội bóng được lan truyền nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu xem bóng đá đẹp của khán giả.

VFF hầu như không có gì trong công thức thành công nói trên, kể cả việc tổ chức giải U.19 quốc tế vừa qua (do Hoàng Anh Gia Lai làm “chủ xị”).

Thế nhưng, thay vì rút tỉa kinh nghiệm từ công thức ấy, VFF lại hào hứng định hướng cho U.19 các kế hoạch hoành tráng, bất chấp đó hoàn toàn không phải là “sản phẩm” của họ.

Bài 3: Làm ngơ với bóng đá trẻ

Để “chữa cháy” cho sự lãng phí từ trung tâm đào tạo trẻ của mình, VFF có đề nghị các CLB gửi cầu thủ lên để được “phát triển”. VFF cũng vội vàng triển khai một khóa đào tạo U.16 theo cách làm đó để phục vụ cho Asiad 2019 với kinh phí đề nghị từ Bộ Tài chính cấp là 8 tỷ đồng/năm.

“Sai chiến thuật”

Theo lý giải từ ông Phạm Quang, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ VFF, chức năng chính của trung tâm không phải “đào tạo” như tên gọi mà là “phát triển”. Đại loại là đưa các tinh túy từ CLB lên và VFF “nuôi gà chọi” để phục vụ cho các đội tuyển quốc gia. Tất nhiên, cách làm này bị CLB phản đối bằng cách không gửi người tốt nhất lên vì không ai tin vào khả năng đào tạo của VFF cả.

Thật ra, không ai yêu cầu VFF phải đào tạo trẻ vì đó không phải là chức năng của một liên đoàn. Hơn nữa, đào tạo trẻ là vấn đề thuộc về nhu cầu của CLB, còn việc hình thành các đội tuyển trẻ quốc gia phải dựa trên nguyên tắc chọn lọc từ các giải đấu do liên đoàn tổ chức. Vấn đề là nếu không hình thành những đội trẻ do mình quản lý, VFF sẽ không nhận được gói hỗ trợ nửa triệu USD từ FIFA như họ đã từng nhận 400.000 USD để lấy tiền xây dựng trụ sở nên VFF cứ “cố chịu đấm ăn xôi” quyết tâm đào tạo trẻ.

Việc của VFF nên làm là định hướng chiến lược cho bóng đá trẻ ở tầm vĩ mô, thế nhưng ngay trong hệ thống ban bệ của VFF, cũng chẳng có ban nào liên quan đến bóng đá trẻ. Vì chẳng có chiến lược cụ thể nào, nên VFF cứ làm bóng đá trẻ theo kiểu đếm cua trong lỗ.

Ví dụ: hệ thống thi đấu giải trẻ của Việt Nam có từ U.11, 13 đến U.21 thì chỉ có U.15 và U.19 do VFF đảm nhiệm tổ chức (các giải thiếu niên - nhi đồng, U.17, U.21 lần lượt do các tờ báo đứng ra điều hành).

Theo thông lệ quốc tế, một khi đã quy định các CLB chuyên nghiệp phải có đủ các tuyến từ U.18 trở lên thì VFF nên phối hợp cùng Công ty VPF tổ chức các giải đấu dành cho tuyến trẻ của các CLB theo xu hướng chuyên nghiệp, phần VFF nên lo cho mảng phong trào từ U.17 trở xuống.

Trong khi như hiện nay thì VFF đang “sai chiến thuật” khi vẫn đảm nhiệm cả phong trào lẫn đỉnh cao.

Giải bóng đá trẻ U.21 do Báo Thanh Niên tổ chức hàng năm. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Giải bóng đá trẻ U.21 do Báo Thanh Niên tổ chức hàng năm. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Hô hào nhiều, hành động tủn mủn

Như đã nói, VFF xung phong làm việc không giống ai, đó là đào tạo trẻ trong khi việc họ cần làm hơn là hỗ trợ các mô hình đào tạo trẻ thì lại không làm. Cứ mỗi khi các đội tuyển thi đấu thất bại, VFF lại đòi “trẻ hóa” dù chính VFF còn chưa nắm rõ thực trạng đào tạo trẻ của các thành viên do mình quản lý. V-League thì không ép được các đội sử dụng cầu thủ U.21.

Các giải đấu trẻ thì “đến hẹn lại lên”, tiêu chuẩn tham gia không đồng nhất (trộn lẫn chuyên nghiệp lẫn phong trào), nên mới có chuyện nhiều đội đoạt giải cao ở các giải trẻ lại chẳng có đóng góp cầu thủ cho các đội tuyển trẻ do thiếu môi trường thi đấu (trường hợp đội Ninh Thuận, Vĩnh Long á quân giải U.21 quốc gia 2012, 2013).

Ở khía cạnh khác, bóng đá học đường, VFF cũng “làm ngơ”. Hơn chục năm trước, Báo SGGP từng phối hợp với đoàn bóng đá SLNA tổ chức tọa đàm về mô hình của nguyên Giám đốc Sở TDTT Nghệ An, ông Nguyễn Hoàng Thụ về việc đào tạo trẻ ngay từ lứa tuổi U.10 với sự kết hợp giữa trường học và các CLB bóng đá.

Mô hình này sau đó được ông Thụ làm luận án tiến sĩ nhưng không thấy bóng dáng VFF tham gia. Cũng cần biết rằng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và gần nhất là Thái Lan thì các giải đấu dành cho CLB địa phương hay sinh viên, học sinh đều rất đông đảo và rầm rộ.

Như đã nói ở trên, VFF hoàn toàn chưa có một chiến lược phát triển bóng đá trẻ nào nên không có gì khó hiểu khi những hoạt động đào tạo trẻ từ tư nhân lẫn nhà nước đều chẳng thấy sự có mặt của VFF. Ngay vụ việc Ban tổ chức giải U.13 quốc gia 2013 loại đội U.13 của PVF ra khỏi giải, VFF cũng không có mặt kịp thời để xử lý. Sau đó họ có công nhận PVF làm đúng thì chuyện cũng đã rồi.

VFF hầu như không có đoàn công tác đến khảo sát mô hình đào tạo của những trung tâm tư nhân, đừng nói gì đến các hoạt động hỗ trợ. Trong khi đó, chính VFF lại là thành viên của chương trình Goal (FIFA), chương trình Tầm nhìn của AFC, vốn đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ các CLB, các địa phương hệ thống hóa hoạt động chuyên nghiệp từ khâu đào tạo. VFF có chương trình tương tự hay không? Xin thưa là không.

Bài 4: Tương lai các trung tâm bóng đá

Để đánh giá thành công của các trung tâm đào tạo trẻ hiện nay, cần phải mất thêm một khoảng thời gian nữa bởi ngay lứa đầu tiên của Học viện HA.GL đang đá cho U.19 Việt Nam cũng còn hơn 1 năm nữa mới “tốt nghiệp”. Khổ nỗi, thời gian bao giờ cũng là “kẻ thù” của sự đầu tư…

Đãi vàng tìm… cát

Tính sơ sơ, bầu Đức đã đổ vào Học viện HA.GL - Arsenal khoảng 200 tỷ đồng trong 7 năm qua. Với lứa đầu tiên chừng 20 cầu thủ “tốt nghiệp” thì chỉ có khoảng 5 - 7 em được đưa lên “sàn” chuyển nhượng quốc tế thông qua kênh của Arsenal. Ở mức khởi điểm, giá trị của một cầu thủ 18 - 19 tuổi tại châu Âu khởi điểm chỉ chừng 10.000 - 20.000 USD. Thành ra, nếu đào tạo ở Việt Nam mà muốn chuyển nhượng tại châu Âu thì chưa có lời giải cho bài toán lợi nhuận.

Thành ra, đào tạo theo mô hình của Học viện HA.GL có thể đem lại cho bóng đá Việt Nam một số cầu thủ tài năng đặc biệt, nhưng xét ở góc độ kinh doanh, đấy là “đãi vàng ra… cát”, không ai có thể làm được như bầu Đức.

Vì điều này, mà mục tiêu của các trung tâm đào tạo còn lại đều phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Đây là lý do mà trong khi bầu Đức “nhốt” các cầu thủ của mình tại Pleiku, tập đá bóng chân trần đến tận năm 16 tuổi để rèn kỹ thuật cơ bản thì các “lò” Viettel, PVF, SLNA… đã thành lập đội tham dự giải U.13, U.15, U.17 để lấy thành tích… chào hàng.

Chu kỳ đào tạo của HA.GL là 7 năm thì với các “lò” khác chỉ 5 năm, tính từ lứa cầu thủ đá được sân cỏ U.15. Ngay chính HA.GL - Arsenal, trong đợt tuyển sinh mới nhất cũng không còn giới hạn chỉ tiêu và nâng độ tuổi lên U.15 để rút ngắn quá trình đào tạo.

Nói cách khác, để có cơ hội “đãi vàng ra vàng” thì đầu ra cho các trung tâm bóng đá vẫn là thị trường trong nước. Thành công của U.19 VN hiện nay là trường hợp cá biệt nhưng cũng chưa đúc kết được gì bởi còn phải đợi thời gian. Một lần nữa, trách nhiệm của VFF cần phải được đề cập.

Các cầu thủ nhí của Học viện HAGL được đầu tư ăn, tập trong thời gian 7 năm ở Pleiku.
Các cầu thủ nhí của Học viện HAGL được đầu tư ăn, tập trong thời gian 7 năm ở Pleiku.

Đầu ra ở đâu?

Mùa bóng 2013 có một trường hợp thú vị xảy ra tại đội Thanh Hóa, đó là việc cầu thủ vốn đá “phủi” (bóng đá phong trào) Nghiêm Xuân Tú lại chơi thành công tại V-League ngay trận đầu tiên và được CLB ký hợp đồng dài hạn luôn. Cũng tại Thanh Hóa, do thiếu người phải mua cầu thủ Việt kiều Mạc Hồng Quân thi đấu dù anh này còn đang đi học và trình độ cũng không quá cao.

Chi tiết đáng nói ở đây là Thanh Hóa từng là nơi sản sinh nhiều nhân tài cho bóng đá Việt, gần nhất có Triệu Quang Hà, Lê Hồng Minh, Phạm Như Thuần... ấy vậy mà giờ đây phải dùng đến cầu thủ đá “phủi” tận Hà Nội! Điều này có nghĩa, bóng đá nội địa đang “khát” cầu thủ trẻ chứ không phải họ không muốn cho cầu thủ trẻ ra sân, cố tình đổ tiền mua ngoại binh.

Thế nhưng, cầu thủ từ những trung tâm đào tạo đến khi thi đấu tại các CLB là cả một quá trình chứ không phải các “lò” cứ đào tạo rồi sẽ có người mua. Ngay như SLNA, vốn chỉ đào tạo cầu thủ cho đội 1 mà mấy năm gần đây cũng chưa có thêm tài năng trẻ. Hoặc nổi tiếng như Đồng Tháp, sau lứa Thanh Bình, Quý Sửu, Việt Cường… đến nay cũng phải mua từ nơi khác về để đá giải hạng nhất. Giữa đào tạo và thi đấu có một khoảng cách rất lớn và không ai khác ngoài VFF chính là nơi kéo gần khoảng cách ấy lại.

Nhưng trong vai trò của một đơn vị điều hành nền bóng đá, VFF đã làm được gì? Như đề cập ở các số trước, VFF chưa có chiến lược cụ thể nào để hỗ trợ các trung tâm đào tạo tư nhân. Họ tổ chức các giải trẻ theo kiểu “đến hẹn lại lên” trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Năm ngoái, đội HN T&T vô địch giải U.21 với đội hình mượn từ Trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội chứ không phải do họ bỏ tiền ra nuôi dưỡng. Một năm trước đó, đội Ninh Thuận giành ngôi á quân U.21 cũng nhờ mượn cầu thủ, vấn đề là Ninh Thuận không có đội bóng đá nào. Với 2 ví dụ trên, giải U.21 sẽ đi chệch mục đích của một giải mang tính kế thừa của bóng đá chuyên nghiệp.

Nhiều đội cũng vậy, cứ đến giải thì gom quân lại đăng ký thi đấu để cho thấy mình cũng có đội trẻ. Kiểu đối phó như vậy mà cũng có thành tích thì việc gì các CLB phải nuôi dài dài các đội trẻ cho tốn kém.

VIỆT QUANG - YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục