Người ta ví mối quan hệ giữa bộ môn điền kinh của Tổng cục TDTT với Liên đoàn Điền kinh quốc gia là “nước và lửa”, vẫn thường kỵ nhau. Quả đúng thế thật! Lâu nay, mối quan hệ này vốn bất hòa, không giúp gì nhiều cho sự phát triển của điền kinh nước nhà, mặc dù tiềm năng của môn thể thao “nữ hoàng” này được bạn bè quốc tế nể trọng.
Gác chuyện cũ sang một bên, nói chuyện mới, sát sườn đã là Đại hội thể thao châu Á (Asian Games 2014) ở Hàn Quốc, nhưng điền kinh vẫn rất điềm nhiên, thờ ơ với thời cuộc. Những gương mặt được coi là nổi trội, hoàn toàn có khả năng tranh chấp thành tích ở sân chơi này như Vũ Thị Hương, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Trần Huệ Hoa… đang âu lo đợi cấp trên duyệt kế hoạch đi tập huấn và thi đấu quốc tế để tích lũy kinh nghiệm, đặng có sức đua tài với bạn bè ở Incheon 2014.
Hỏi han khắp nơi, hầu hết các HLV đều than, đến giờ này họ vẫn đang bị động, không biết nên triển khai giáo án tập huấn trong nước cho VĐV, hay chuẩn bị hành lý qua châu Âu, Trung Quốc hoặc một quốc gia nào đó để luyện nghề.
Đấy là điều lạ, thậm chí rất lạ. Nhưng như đã giải thích, vì lâu nay giữa bộ môn và liên đoàn vẫn thường cãi cọ, bất nhất về quan điểm, nên đối với giới trong nghề, các tổ nhóm trọng điểm được hay không được đi tập huấn âu cũng… chẳng có gì lạ cả!
Vậy thì rốt cuộc, điền kinh Việt Nam đang chơi trò đánh cược với thời gian? Giữa tình hình này, tạm hiểu là như thế.
Ban đầu, ngay sau khi đội tuyển điền kinh rời SEA Games 27 ở Myanmar, giới chức đã hồ hởi tính chuyện cho Asian Games 2014, nơi mà mục tiêu phải cao hơn kỳ Á vận hội 4 năm trước, tức là từ HCB giờ phải có HCV. Kế hoạch được vẽ ra, rằng kể từ đầu tháng 3-2014, điền kinh Việt Nam sẽ xuất hành rầm rộ sang châu Âu tập huấn…
Lý thuyết là vậy, nhưng để làm được điều đó, điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung phải nỗ lực rất nhiều. Bốn năm trước, 3 gương mặt Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng và Vũ Văn Huyện đã ghi dấu ấn lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở sân chơi Asian Games 2010. Họ đoạt 3 HCB và 2 HCĐ, lần đầu tiên khiến bạn bè châu lục phải ngỡ ngàng trước sự tiến bộ vượt bậc ấy.
Điều đó đồng thời cũng đã chỉ ra rằng, tiềm năng của điền kinh Việt Nam không hiếm hoi đến độ kiếm không ra VĐV giỏi, vấn đề là cách khai thác và sử dụng nguồn nhân lực ấy chỉ chưa đến nơi đến chốn mà thôi.
Giờ đây, trước thềm Asian Games 2014, điền kinh Việt Nam có gì trong tay? Chưa gì hết, ngay cả với điều cơ bản nhất là thống nhất tập huấn cho các tổ nhóm trọng điểm cũng không có. Người trong giới, nhất là HLV phụ trách các tổ nhóm cự ly ngắn, 400m, trung bình, dài, nhảy cao, nhảy xa và tam cấp… sốt ruột, còn giới chức vẫn bình chân như vại.
Vậy chúng ta lấy gì để so đọ với bạn bè trong cuộc chạy đua thành tích khốc liệt ở xứ sở kim chi trong vài tháng nữa? Chẳng lẽ lại là “hy vọng vào sự may mắn, điều thần kỳ” nào đó sẽ đến? Nên nhớ, điền kinh là môn thể thao cần sự chính xác đến phần trăm, phần ngàn giây và may mắn chỉ mang ý nghĩa tham khảo mà thôi…
Lê Hùng
Các tin, bài viết khác
-
Vợ chồng Trường Sơn, Thảo Nguyên được thưởng lớn sau SEA Games 31
-
Hồng Ly hạ “thần đồng” Billiards thế giới Cho Myung Woo lọt vào vòng chung kết
-
“Đệ nhất quyền thủ” Canelo Alvarez: Muốn hoàn tất “Trận Trilogy” với Gennady Golovkin, muốn tái chiến Dmitry Bivol để báo thù
-
Cơ thủ Hồng Ly ngoạn mục vượt qua khung cửa hẹp vào vòng trong
-
Thành tích VĐV SEA Games 31 cũng là cuộc đua của các địa phương
-
Sau SEA Games 31, Quách Thị Lan là đại diện duy nhất dự vô địch điền kinh thế giới?
-
Chiêm Hồng Thái cùng 8 cơ thủ Việt Nam tiến vào vòng 3 giải Billiards World Cup TPHCM 2022
-
Thể thao Việt Nam thành công về phương diện thành tích
-
Vừa khép lại SEA Games 31, các quốc gia chuẩn bị họp Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 32
-
Dàn cơ thủ Việt Nam khởi đầu thuận lợi tại giải Billiards Carom 3 băng World Cup – TPHCM 2022