Cầu mây, môn thể thao khai sinh từ Đông Nam Á. Nó được chơi tại Thái Lan và Malaysia từ thế kỷ thứ 15. Ở Thái Lan, người ta gọi nó là “Takraw”, còn Malaysia lại gọi là “Sepak Raga”, tức đá trái cầu bằng mây. Người chơi thường gọi là Takraw cho ngắn, với tính chất cuộc chơi mang dáng dấp giữa các môn bóng đá và bóng chuyền, chơi trên một sân có kích thước gấp đôi sân cầu lông.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ người ta chơi theo kiểu chuyền cầu, biểu diễn, với đội hình vòng tròn. Mãi đến năm 1941, một cái lưới được căng ngang sân, chia sân cầu ra làm hai và mỗi đội chiếm giữ một nửa sân.
Ngày nay, cái tên “Cầu mây” là được dịch sang tiếng Việt, còn quốc tế đã quen với cái tên “Sepak Takraw”, tức “đá bóng chuyền” (Kick Volleyball). Các quốc gia khu vực Đông Nam Á chơi rất giỏi môn thể thao mà họ đã nghĩ ra, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, còn Việt Nam thì mới du nhập và phát triển môn này từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Sở TDTT Hà Nội là nơi có công đưa môn đá trái cầu bằng mây về Việt Nam, duy trì, nuôi dưỡng nó trong một thời gian dài, mà người tích cực xây dựng làng cầu mây Việt Nam nhất chính là Giám đốc Hoàng Vĩnh Giang. Khu vực phía Nam có chơi môn này ban đầu, nhưng sau thấy khó quá, khó đuổi kịp với các đội cầu phía Bắc, nên dẹp luôn. Chính sự phát triển không rộng khắp đã hạn chế việc tuyển chọn cầu thủ tài năng. Nhưng cũng chính việc phát triển lệch một đầu đất nước, mà tập trung chủ yếu ở Hà Nội, lại giúp việc đầu tư có chiều sâu hơn, chuyên nghiệp hơn.
Cầu mây Việt Nam từ lần đầu bước ra đấu trường quốc tế còn khá bỡ ngỡ, nhưng rồi quen dần, điêu luyện dần, nhưng chủ yếu là đội nữ. Nếu như tại Asian Games 1998, đội nữ Việt Nam bất ngờ loại Thái Lan ngay trên sân nhà để vào chung kết (thua Myanmar một cách đáng tiếc) thì tại Asian Games 2006 này, chúng ta đã có huy chương vàng. Tấm huy chương vàng đầu tiên của cầu mây Việt Nam trên đấu trường châu Á còn có ý nghĩa ngang bằng với tấm huy chương vàng thế giới. Bởi lẽ, Đông Nam Á vẫn còn là “bá chủ” của môn chơi đòi hỏi sự khéo léo cực kỳ này.
Trong lịch sử thể thao thế giới, khi các cô gái Nhật Bản giành chức vô địch Olympic môn bóng chuyền thì ngay sau đó cả nước Nhật rầm rộ phong trào chơi bóng chuyền, nhất là ở phái nữ. Chính vì thế, bóng chuyền nữ phát triển rất mạnh ở xứ sở hoa anh đào. Khi Gao Ming ký hợp đồng chơi cho giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), cả Trung Quốc lên cơn sốt bóng rổ. Hay như tay vợt Paradorn Srichaphan lọt vào hàng ngũ các tay vợt thượng hạng của thế giới, người dân Thái đua nhau đi tập quần vợt.
Tầm ảnh hưởng của một chiến thắng trên đấu trường quốc tế là rất lớn, nếu chúng ta biết tận dụng tấm huy chương vàng Asian Games 15 thì cầu mây sẽ không có cảnh phát triển lệch một phía, mở rộng cơ hội kiếm huy chương vàng nhiều hơn.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Soi các đối thủ của Viettel tại AFC Champions League 2021
-
Thomas Tuchel: “Chelsea sẽ thách thức danh hiệu trong tương lai”
-
Tay đua Thibaut Pinot né Tour de France để tránh 'vận đen'
-
Quỷ đỏ thua sốc đội cuối bảng ở Old Trafford
-
Thua 2 trận, Hà Nội FC không thể không vội
-
Ngoại binh V-League 2021: Cũ người mới ta
-
Các hảo thủ quần vợt Việt Nam thể hiện sức mạnh ở giải VTF Masters 500 – Hải Đăng Cúp 2021
-
Oscar muốn trở lại Chelsea để viết tiếp ‘câu chuyện đẹp’ ở Stamford Bridge
-
Bốc thăm các giải AFC: Viettel rơi vào bảng ‘xương’, Hà Nội dễ thở
-
Makhmud Muradov: Ngôi sao mới nổi của UFC có thể hình 8 múi, là bạn thân của “Money” Mayweather