Đắng lòng

- Hay tin trong chiều ngày 2-6 ở hai tỉnh Gia Lai và Bình Định có 8 trường hợp bị tử vong do đuối nước (gồm 7 trẻ em) mà nghẹn lòng.
Đắng lòng
- Bảy trẻ em bị chết đuối trong một buổi chiều, thật không tưởng tượng được.

- Đầu tiên, 4 ông cháu ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn (Bình Định) bị chết đuối sau khi đưa đàn bò ra sông tắm. Ông ngoại và ba cháu nhỏ chết đuối trên bến Đồn, nơi dòng sông Kút chảy qua thôn. Trường hợp thứ hai là tại hồ C3 của Công ty Cà phê Ia Sao II, xã Tân Lập, huyện Ia Grai (Gia Lai). 4 nạn nhân tử vong đều là học sinh tiểu học của Trường tiểu học Tân Lập.

- Có vẻ vấn đề trẻ em bị đuối nước đang bị lơ là?

- Mỗi năm Việt Nam ghi nhận có trên 7.000 vụ tai nạn trẻ đuối nước và là quốc gia có tỷ lệ tai nạn này cao nhất Đông Nam Á. Ngay từ tháng 2-2010, Bộ GD&ĐT có công văn chỉ đạo các Sở GD&ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước. Cùng đó, cuối năm 2010 Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020”, đảm bảo các trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa và đến năm 2020 phổ cập bơi thành công cho học sinh phổ thông và mầm non. 

- Nhìn hoành tráng quá!

- Chiến lược, lộ trình thực hiện được đưa ra cụ thể nhưng nay đã là năm 2017 mà đích đến vẫn còn quá xa.

- Mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu?

- Trả lời báo chí, một Vụ trưởng Bộ GD&ĐT nêu ra các yếu tố gây khó khăn rằng: Số lượng trường học được đầu tư bể bơi ít ỏi. Đội ngũ giáo viên môn bơi còn hạn chế, hơn nữa trường không có bể bơi, họ cũng không có cơ sở vật chất để dạy...

- Đổ hết cho khó khăn để né trách nhiệm quá dễ rồi. Cái chính là chúng ta đã không quyết liệt triển khai (dù chỉ một phần), vì nếu làm quyết liệt đã không phải “vô địch” khu vực về số lượng trẻ em bị chết đuối.

- Trên 7.000 trường hợp tử vong/năm đã đắng lòng, lại còn nghe kiểu phát biểu của đại diện Bộ GD&ĐT thì càng… đứng hình. 

Tin cùng chuyên mục