Đội tuyển dance sport Việt Nam chuẩn bị tham dự Á vận hội 16 bằng cách cử đôi nhảy xuất sắc nhất Hải Anh - Nhã Uyên sang tập huấn tại Italia trong 2 tháng, trong khi 3 đôi khác cũng đã được gọi vào đội tuyển quốc gia từ ngày 15-9. Tuy nhiên, việc giành huy chương ở đấu trường này được xác định là không “dễ ăn” như hồi Asian Indoor Games trên sân nhà vào năm ngoái...
Đầu tư vào nội dung Standard
Năm 2009, khi chúng ta đăng cai đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (AIG3), các đội nhảy Việt Nam đã giành 2 HCV của cặp nhảy Minh Trường - Khánh Thy, cùng 2 HCB do công của Hải Anh - Nhã Uyên. Thế nhưng, khi Khánh Thy tuyên bố từ giã sàn đấu đỉnh cao, tất nhiên Minh Trường cũng bị xẻ lứa, nên chỉ còn lại cặp nhảy Hải Anh - Nhã Uyên được đặt nhiều kỳ vọng. Với quyết tâm đầu tư cho cặp nhảy này có được thành tích tốt nhất tại đấu trường châu Á, Tổng cục TDTT, kết hợp với đơn vị chủ quản và bản thân gia đình của 2 VĐV đã “góp” kinh phí cho chuyến tập huấn 2 tháng ở Italia, và đến nay vẫn chưa về nước.
|
Đôi Hải Anh - Nhã Uyên được nhiều kỳ vọng ở môn dance sport. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Dự kiến ngày 10-11 tới, Hải Anh và Nhã Uyên mới trở về Việt Nam, trước khi sang Quảng Châu thi đấu. Thực tế, với các VĐV dance sport đỉnh cao, việc đi thi đấu và tập huấn ở nước ngoài là chuyện bình thường, nhưng với Việt Nam, để đưa được đôi nhảy này đi tập huấn 2 tháng, nhiều đơn vị đã phải “xúm” vào mới đủ kinh phí. Điều đáng mừng là trong thời gian tập huấn, kết hợp với thi đấu này, Hải Anh và Nhã Uyên đã có những bước tiến mới bằng việc mới đây khi dự giải Nhật Bản mở rộng, họ đã lọt vào vòng chung kết.
Với 3 cặp đấu còn lại: Hồng Việt - Thu Trang (nội dung standard), và Minh Đức - Vân Diễm, Chí Thanh - Diễm Quỳnh (nội dung latin) đã được Tổng cục TDTT gọi tập huấn chính thức từ ngày 15-9-2010, nhưng về cơ bản, họ vẫn tập tự túc, nhưng được hưởng đầy đủ các chế độ đãi ngộ như VĐV của đội tuyển quốc gia.
Được biết, 2 cặp đấu nội dung standard sẽ được Tổng cục TDTT cấp kinh phí tham dự cũng như hỗ trợ mua sắm trang phục thi đấu, còn 2 cặp VĐV thi đấu nội dung latin được Sở VH-TT-DL Hà Nội “chống lưng”.
Sẽ vang danh ở sân khách?
Khiêu vũ thể thao (dance sport) được xem là môn thể thao mới được đầu tư, và chỉ khi Việt Nam đăng cai tổ chức AIG3 thì các VĐV của chúng ta mới giành được HCV chính thức đầu tiên. Trong khi ở các giải quốc tế ngoài lãnh thổ có VĐV của chúng ta tham dự bằng nguồn kinh phí của Ủy ban TDTT (trước đây) và nay là Tổng cục TDTT, hay bằng kinh phí tự túc, thì việc đoạt vàng vẫn là mơ ước của các đôi nhảy Việt. Bởi thế, dù có được sự chuẩn bị khá tốt, bà Nguyễn Kim Lan - Trưởng bộ môn thể dục Tổng cục TDTT vẫn tỏ ra rất khiêm tốn: “Giành được huy chương ở Asian Games 16 là hết sức khó khăn, bởi các đoàn như Trung Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan… đều rất mạnh. Vì thế, nếu đoạt được huy chương thì dù là màu gì cũng đều đáng quý”.
Do dance sport dù sao vẫn là môn thể thao chấm điểm bằng cảm tính, nên việc xác định thắng-thua nhiều khi vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố... hậu trường. Bởi thế, khi không có lợi thế sân nhà, các VĐV Việt Nam rất khó chiếm được lợi thế lẫn cảm tình của trọng tài, nếu không thực tài. Hy vọng, với sự chuẩn bị tốt, các đôi nhảy của chúng ta sẽ không bị choáng ngợp ở đấu trường lớn Asian Games để có thể tự tin nhảy... ra huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam.
MINH NGUYỆT
Các tin, bài viết khác
-
Sôi động giải Bến Tre Marathon 2022
-
Tân HLV Man.United sẽ được chào đón bằng một màn… biểu tình?
-
Sporting Lisbon quyết nắm lấy cơ hội có Ronaldo
-
Giải Wimbledon 2022: Ai sẽ cản bước Novak Djokovic?
-
Gareth Bale bất ngờ chọn “dưỡng già” ở Mỹ
-
Tay vợt Vũ Thị Anh Thư: “Chức vô địch giải Croatia cho tôi thêm tự tin”
-
Chủ công ngoại binh của Than Quảng Ninh hòa nhập với các cầu thủ
-
Mathieu van der Poel sẽ mặc áo gần 80 triệu đồng chạy cá nhân tính giờ tại Tour de France
-
Xuất ngoại và rủi ro
-
Thái Lan mời tuyển Việt Nam đấu cúp tứ hùng