1. Như có lần đề cập, việc các cầu thủ Việt Nam được các CLB nước ngoài (nói chung) để ý đến không phải là chuyện hiếm, tuy nhiên số lượng cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong những lý do chính đó là không “dám” ra đi. Tài năng là một chuyện, vấn đề là khi ra nước ngoài thi đấu, cầu thủ phải chuẩn bị cho mình một hành trang nặng nề gấp đôi so với khả năng đá bóng.
Thế nên, theo chúng tôi, cái khác lớn nhất của những cầu thủ HA.GL xuất ngoại liên tục trong thời gian gần đây không phải nằm ở tài năng vượt trội so với thế hệ đàn anh mà cái chính là thái độ “dám đi”. Một thanh niên 20 tuổi mà có thể đối diện với cuộc sống độc lập để làm việc ở nơi xa lạ chắc chắn không hề đơn giản, trên mọi lĩnh vực. Riêng với bóng đá, áp lực còn lớn hơn nhiều bởi sự kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ quê nhà. Chẳng biết họ có thành công hay không, chỉ riêng chuyện “dám đi” là cả một cột mốc đáng ghi nhận trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
2. Cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên sang châu Âu đá bóng là Kiatisak. Dù không thể chứng tỏ được gì ở CLB hạng nhất Huddersfield Town (Anh) nhưng khi trở lại Thái Lan thì đấy cũng là thời hoàng kim của bóng đá nước này. Chúng ta có thể hiểu, một nền bóng đá mạnh thì mới có khả năng “xuất khẩu” cầu thủ và ngược lại. Ví dụ như hiện nay, một số ngôi sao của tuyển Thái Lan cũng bắt đầu rục rịch ra nước ngoài sau khi Thái Lan “tái chiếm” ngôi số 1 Đông Nam Á bằng sức mạnh gần như vô đối và mơ mộng đến chiếc vé dự World Cup 2018.
Kể câu chuyện này là để nhắc đến hoàn cảnh kỳ quặc của bóng đá Việt Nam và để đặt câu hỏi: Những Xuân Trường, Tuấn Anh đã “dám đi” thì liệu có… dám về?

Chuyện kỳ quặc của bóng đá Việt Nam và câu hỏi đã “dám đi” thì liệu có… dám về? Ảnh: T.L

Cầu thủ ra nước ngoài, đồng nghĩa với sự lớn mạnh của nền bóng đá nội địa, nhưng đây lại là một trường hợp ngược lại. Thử hỏi, sau 1-2 năm “du học”, đạt đến một trình độ cao hơn, sự trở về của các cầu thủ nói trên liệu có ích lợi gì không nếu như V-League vẫn diễn ra theo kiểu “đến hẹn lại lên” như suốt 5 năm qua. Từ chỗ lọt vào tốp 50 thế giới, hiện V-League đang xếp hạng 100 và còn có nguy cơ tụt xuống nữa. Từ chỗ hàng chục cầu thủ Thái Lan sang đá thuê, giờ V-League nhìn Thai-League với ánh mắt… thèm muốn pha lẫn thắc mắc “làm sao họ làm được như vậy”. Cứ nói đến sự tụt dốc của V-League, người ta cứ hay “ca bài ca” khó khăn tài chính chứ chẳng ai chịu nhìn vào sự thật là ở thời đỉnh cao, V-League chỉ nhận được 12 tỷ đồng tài trợ chứ không phải 40 tỷ từ Toyota như hiện nay. Tiền vẫn đổ đều đều vào V-League, chi phí tăng gấp 2-3 lần, số lượng CLB cũng chỉ tăng chứ không giảm, vậy thì chất lượng đi xuống vì đâu nếu không nằm ở năng lực quản lý và sự thụ động trong tư duy điều hành.
Tóm lại, các cầu thủ của HA.GL có “dám đi” thì cũng là tốt nhưng chẳng hy vọng đến ngày họ “dám về”.
HỒ VIỆT