Đại hội thể thao toàn quốc: Chờ thêm sự phát triển của bóng ném bãi biển

Bóng ném bãi biển là môn tiếp theo nằm trong chương trình thi đấu chính thức của Đại hội thể thao toàn quốc năm nay đã khép lại tranh tài.

Ban tổ chức trao giải cho đội TPHCM ở môn bóng ném bãi biển. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Ban tổ chức trao giải cho đội TPHCM ở môn bóng ném bãi biển. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Ngày cuối của môn đấu đã bế mạc trong chiều muộn tranh tài 8-12 tại Tuần Châu (Quảng Ninh). Khép lại chương trình thi đấu, các trận chung kết đã mang lại kết quả HCV cho những nhà vô địch. Tuy nhiên, nhìn ở tổng thể, là môn đầu tiên của thi đấu bãi biển nằm trong chương trình tranh tài chính thức của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 tổ chức, giới chuyên môn vẫn hy vọng ở một tương lai gần, môn đấu phải được phát triển hơn.

Bóng ném bãi biển chỉ có 6 đơn vị đăng kí thi đấu gồm Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, Yên Bái, Nam Định, Hà Giang. Chính vì thế, các thể thức thi đấu của cả giải nam và nữ phải tổ chức sao cho đủ cuộc tranh tài lượt đi và về, từ đó tạo thêm tính hấp dẫn chuyên môn. Về thực tế, số đội không nhiều nên tính cạnh tranh chuyên môn không thật cao nên môn đấu sớm kết thúc dựa trên lịch tranh tài không quá dày đặc.

Bóng ném có đặc thù riêng tại Việt Nam bởi không nhiều địa phương mặn mà đầu tư làm chuyên biệt về thành tích cao. Vì lẽ đó, nhà quản lý của ngành thể thao rất kỳ vọng phải giữ được những đơn vị đã và đang phát triển môn này đồng thời kỳ vọng sẽ thêm đơn vị mới phát triển để phong trào thêm sôi nổi và có tính phát triển cao. Ngay cả khu vực Đông Nam Á, không nhiều quốc gia đầu tư cho bóng ném bãi biển. Minh chứng cụ thể là bóng ném bãi biển nữ tại SEA Games 31 phải bỏ vì không đủ quốc gia góp mặt trong khi nội dung của nam cũng chỉ có 4 quốc gia tham gia nên phải tranh tài theo thể thức 2 lượt đi-về nhằm tạo thêm cơ hội thi đấu và tính hấp dẫn chuyên môn.

Không phải các đơn vị không thấy được khả năng có thể giành được thành tích cao nếu đầu tư vào bóng ném và thi đấu giải trong nước. Tuy nhiên, mỗi địa phương có đặc thù riêng từ con người cho tới cơ sở vật chất và nguồn lực đầu tư. Chính vì thế, bóng ném bãi biển nói riêng và cả bóng ném trong nhà nói chung vẫn đang rất kén địa phương đầu tư và phát triển mạnh thành một phong trào thể thao cho môn này là thực tế ai cũng nhìn thấy. Môn bóng ném đã có Liên đoàn thể thao quốc gia. Tại kỳ Đại hội thể thao toàn quốc năm nay, người làm chuyên môn và ban tổ chức đã bất đắc dĩ phải loại môn thể dục nghệ thuật khi chỉ có 2 đơn vị đăng kí (TPHCM, Hà Nội) và đó là nỗi buồn của người làm môn này bởi sau chu kỳ 4 năm, tất cả VĐV đều muốn một sự thể hiện chuyên môn nhưng bất thành. Không ai muốn các môn thể thao nằm trong chương trình của ASIAD hoặc Olympic sẽ phải “chết yểu” ở Việt Nam do không có nhiều đơn vị đầu tư và đó là bài toán phải tìm phương hướng giải quyết đối với nhà quản lý từ địa phương cho tới Tổng cục TDTT.

“Chúng tôi luôn kỳ vọng tất cả các địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ cho bóng ném vì đây là môn thể thao tập thể rất hiệu quả trong chuyên môn cũng như có tính cạnh tranh cao đồng thời hàng năm bóng ném Việt Nam luôn dự các giải Đông Nam Á, châu Á và thế giới”, phụ trách bộ môn bóng ném (Tổng cục TDTT) đồng thời là thành viên ban tổ chức môn bóng ném Đại hội thể thao toàn quốc 9-2022 – ông Đào Đức Kiên chia sẻ.

Kết thúc môn bóng ném bãi biển, nam TPHCM thắng Hà Nội 2-0 tại chung kết, giành HCV. Về nữ, TPHCM và Hà NỘi hòa 1-1 ở chung kết sau đó đấu hiệp phụ đã vượt lên thắng chung cuộc 2-1 để có HCV. Ngoài 2 đơn vị này, các đơn vị Yên Bái, Đà Nẵng, Hà Giang, Bình ĐỊnh đều giành được huy chương của môn đấu.

Tin cùng chuyên mục