Trong ngày 10-3, lãnh đạo Tổng cục TDTT tiếp tục làm việc với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL về công tác chuẩn bị Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5-2016 (ABG 5-2016). Kinh phí để thực hiện vẫn đang được xem xét.
Mối lo… tiền đâu!
Tại cuộc gặp mặt với báo chí sáng 10-3, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Vương Bích Thắng khẳng định rằng hiện tại nguồn kinh phí cho tổ chức ABG5 vẫn chưa được phê duyệt. Nguồn kinh phí là do Bộ Tài chính cấp và chỉ khi xem xét kỹ lưỡng và khả thi thì mức tiền mới được quyết. Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 28-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổ chức Đại hội thể thao bãi biển 5-2016 tổ chức tại Việt Nam có ghi rõ “Kinh phí chuẩn bị và tổ chức ABG 5 được bảo đảm từ các nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); đóng góp lệ phí của các đoàn thể thao, tài trợ và các nguồn thu hợp pháp khác”.
Đồng thời Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan và UBND địa phương tổ chức xây dựng dự toán chi tiết các khoản kinh phí chi tổ chức ABG 5 trình Thủ tướng. Ngày 4-3 vừa qua, tại Đà Nẵng, ban chỉ đạo quốc gia ABG5 tổ chức hội nghị công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh quán triệt tinh thần tổ chức các hoạt động của ABG5... cố gắng thật hoành tráng, ấn tượng nhưng phải hết sức tiết kiệm tránh lãng phí, tham nhũng.
Cố gắng vận động kinh phí từ các nguồn xã hội hóa. Cố gắng tận dụng cơ sở hạ tầng đã có sẵn để tiết kiệm tối đa các chi phí. “Đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức ABG5 theo đề nghị của Ban chỉ đạo và Bộ VH-TT-DL, đồng thời cho phép hỗ trợ giá ăn, ở cho các quan chức và các đoàn nước ngoài tham dự đại hội”, ông Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị trên.
Kinh phí dự toán tổ chức ABG5 khoảng 460 tỷ đồng xin từ kinh phí nhà nước. Qua việc thu lệ phí của các đoàn tham dự, BTC tại Việt Nam dự liệu có thể thu về 46 tỷ đồng. Mỗi thành viên của từng đoàn góp mặt sẽ đóng 50 USD/ngày. Còn 6 tháng nữa là ABG5 khởi tranh, công việc chuẩn bị còn nhiều hạng mục rất cần chi phí. Tuy nhiên, một trong những khúc mắc lớn chính là có thể mức dự toán ban đầu trên kia chưa biết đủ hay không.
Khi các quốc gia trong châu Á đăng ký đầy đủ để dự ABG5, con số người tới Đà Nẵng không dưới 6.000 người (trong số này có khoảng 4.000-4.500 người là HLV, VĐV thành viên các đoàn tham gia thi đấu). Đó là số người tương đối lớn. Các tiểu ban của BTC phải có sự chuẩn bị hiệu quả nhất tránh sai sót tối đa. Nhưng, tất cả sẽ chờ quyết định cuối cùng về chi phí được duyệt.
Đau đáu nhóm đầu
ABG 5 là một trong hoạt động trọng tâm của ngành TDTT tại năm 2016 cùng với Olympic 2016. Sau SEA Games, Asian Indoor Games thì bây giờ Việt Nam tổ chức một kỳ Đại hội thể thao có quy mô lớn. Trên thực tế, chúng ta là chủ nhà nên rất đề cao thành tích đứng ở tốp 4. Với đặc thù không nhiều VĐV chuyên biệt chỉ thi đấu trên cát nên chắc chắn, thể thao Việt Nam sẽ phải đưa các VĐV thi đấu ở nhiều ĐTQG vào tập trên cát.

Tuyển thủ Judo Văn Ngọc Tú (phải) từng được “điều động” sang thi đấu kurash trên cát rồi giành huy chương tại ABG4. Ảnh: T.L.L
Ví dụ điển hình và đã có thành công chính là Văn Ngọc Tú khi nữ võ sĩ judo được “điều động” sang thi đấu kurash trên cát rồi giành huy chương tại ABG4. Lúc này, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng bắt đầu vào guồng chuẩn bị lực lượng rèn luyện cho tranh tài. Tuy nhiên, ngành thể thao sẽ phân bổ ra sao để VĐV vào thi đấu trên cát đạt hiệu quả nhất. Chúng ta có kinh nghiệm qua các lần dự ABG trong 4 kỳ trước nên việc “điều động” VĐV từ không chuyên để trở thành chuyên thi đấu trên cát không khó.
Công tác lực lượng không bị ảnh hưởng với chuẩn bị Olympic 2016 do từng môn và nội dung thi đấu đặc thù. Chỉ có điều, chúng ta là chủ nhà nên mục tiêu phấn đấu cao vì thế VĐV, HLV phải ra sức tập luyện. Việc chuyển đổi sẽ cần chi phí bồi dưỡng cho VĐV, HLV không ít vì cần có thời gian thích nghi mới thuần thục được. Thế mới thấy, để giành được một chiếc huy chương thể thao bãi biển tốn kém đáng kể.
NGUYỄN ĐÌNH