1. Có lần, khi còn huấn luyện cho Gạch ĐT.LA, trước trận “đại chiến” với HA.GL trên sân nhà, HLV Calisto đưa cả đội Gạch ĐT.LA vào toilet… để trao đổi nhanh trước khi ra sân. Lúc đó, HLV người Bồ Đào Nha giải thích làm thế cho tiện. Sau này, Calisto trao đổi thêm rằng ông muốn cầu thủ của mình có thêm quyết tâm để đá với HA.GL vốn luôn được đánh giá mạnh hơn. Lời nói không bằng hành động, đưa vào toilet là cách để cầu thủ nhận thức được tình hình một cách chắc chắn hơn bởi Calisto sợ… họ quên những gì đã truyền đạt về chiến thuật khi bầu không khí trên sân làm họ hưng phấn quá mức và từ “cửa dưới” lại đá thành “cửa trên”.
Không phải tự nhiên mà thời Calisto cầm quân, bóng đá Việt Nam khá thành công, đặc biệt là các trận đấu với những đội bóng cao hơn về đẳng cấp. Tư tưởng lấy phòng ngự và sự lao động trên sân làm nền tảng của Calisto giúp các đội tuyển Việt Nam khi vào sân đều có một tinh thần rất tốt, luôn muốn chơi hơn 100% năng lực. Thời Calisto, có 2 trận mà Việt Nam khởi đầu bằng thế “cửa trên” thì đó đều là 2 thất bại rất cay đắng trước Malaysia tại chung kết SEA Games 2009 và bán kết lượt đi AFF Cup 2010. Nói cách khác, tấn công và áp đặt thế trận chưa từng là sở trường của bóng đá Việt Nam.

Việt Nam (trái) vừa gây bất ngờ trước Iraq với tỷ số 1-1. Ảnh: Minh Hoàng
2. Thực tế thì không cần phải làm tổng kết quy mô gì thì ai cũng biết lối chơi phù hợp nhất của bóng đá Việt đó là phòng thủ - phản công. Mà để chiến thuật này phát huy tối đa hiệu năng của nó thì tâm lý thi đấu phải ở thế “cửa dưới”, tức là luôn dành cho đối phương sự tôn trọng trong mọi trường hợp và tối đa hóa mọi cơ hội có thể. Nói nôm na, tính thực dụng phải được ưu tiên.
Khổ nổi, thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam bỗng có xu hướng ưa chuộng lối chơi đẹp mắt, thậm chí còn có cả một quan điểm “phi bóng đá” là: đá đẹp rồi thua cũng được. Cái khái niệm quá nhiều cảm tính này nếu là của những người hâm mộ thì chẳng nói làm gì bởi ngẫm cho cùng, ai mà chẳng muốn xem bóng đá đẹp. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người có trách nhiệm cũng "hùa theo" dù họ biết rất rõ tầm của đội tuyển Việt Nam, muốn đá trên chân người khác thì có lẽ chỉ loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á mà thôi.
Tai hại hơn, cái quan điểm này lại xuất phát từ đội U.19 hồi năm ngoái. Trên thế giới có lẽ chỉ mỗi Việt Nam là lấy bóng đá trẻ để áp dụng cho bóng đá người lớn. Người ta không dạy bóng đá trẻ đá thực dụng thì thôi, chẳng ai đem các trận đấu ít toan tính của bóng đá trẻ để làm định hướng cho cả nền bóng đá chẳng khác nào tự mình đứng bên lề vận động của bóng đá hiện đại.
3. Nhưng đấy chưa phải là chuyện lạ nhất của bóng đá Việt. “Đỉnh cao” của cái sự lạ nằm ở chỗ: đều đá “cửa dưới” mà thắng, ngay lập tức đội tuyển sẽ được tung hô lên tận mây xanh. Nhưng nếu thua, ngay lập tức người ta dìm đội tuyển xuống bùn bởi vì "đã đá thua còn… đá xấu". Minh chứng cụ thể: Đá với Iraq, khi bị gỡ hòa thì tiếc hùi hụi, trách móc đủ thứ từ trọng tài đến cầu thủ và quên rất nhanh việc cầm hòa Iraq là thành công. Ngược lại, ngày 13-10 tới nếu cũng đá như thế nhưng thua Thái Lan, chưa chắc HLV Miura và các cầu thủ đã được yên thân dù trên lý thuyết, trước Iraq lẫn Thái Lan thì Việt Nam vẫn chỉ là một đội “cửa dưới”.
Hồ Việt
Các tin, bài viết khác
-
LĐBĐ Ấn Độ bị FIFA đình chỉ hoạt động, ĐT Ấn Độ lỡ dịp gặp ĐT Việt Nam
-
Đặng Văn Lâm ra mắt các đồng đội trên sân Quy Nhơn
-
V-League 2022: Sức hút của thương hiệu
-
Câu trả lời trên sân cỏ
-
Thủ môn Đặng Văn Lâm ký hợp đồng gần 4 năm với Topenland Bình Định
-
Trọng tài mắc sai lầm vì không thổi phạt đền cho HAGL
-
HLV Trương Việt Hoàng đến gần ghế HLV trưởng CLB TPHCM
-
Từ trận thắng HAGL của Hà Nội FC: Hoa tiêu Văn Quyết
-
Danh thủ Huỳnh Đức đi xem phủi thư giãn trước trận ‘chung kết ngược’
-
HLV của Hà Nội FC hé lộ bí quyết đánh bại HAGL