Cử tạ hồi hộp chờ tháng 5

Các lực sĩ của cử tạ Việt Nam đã thi đấu xong giải vô địch châu Á 2021 đồng thời là vòng loại cuối cùng của khu vực châu Á tranh vé dự Olympic Tokyo 2020 nhưng chưa biết có suất dự Olympic hay không.
Vương Thị Huyền và cử tạ Việt Nam hồi hộp chờ phán quyết từ IWF. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Vương Thị Huyền và cử tạ Việt Nam hồi hộp chờ phán quyết từ IWF. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tháng 5, IWF sẽ ra án?
Trước khi 3 tuyển thủ Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền lên đường đi Uzbekistan thi đấu giải vô địch châu Á 2021, Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ và thể hình Việt Nam – ông Đỗ Đình Kháng đã phân tích với quan điểm, việc thi đấu của VĐV diễn ra như bình thường. “Tuy nhiên, chúng tôi còn phải chờ Liên đoàn cử tạ thế giới đưa quyết định về án phạt cho cử tạ Việt Nam ra sao do chúng ta từng có 4 lực sĩ từng bị phát hiện sử dụng doping trong mốt số giải quốc tế năm 2019 và 2020”, ông Kháng từng cho biết. 
Cũng theo ông Kháng, theo thông lệ Ủy ban Olympic và Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) có thành lập một ban để xét về những án doping. Qua thi đấu tại Uzbekistan vừa qua, chúng ta đang chờ đợi nếu không có án phạt thì cử tạ Việt Nam cầm chắc 3 suất chính thức Olympic dựa trên thứ hạng của VĐV trên bảng xếp hạng thế giới. Tuy nhiên, những án doping kia được xem xét, cử tạ Việt Nam nằm trong 2 khả năng: bị giới hạn số VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 hoặc bị cấm hoàn toàn. Trường hợp bị cấm hoàn toàn tại Olympic Tokyo 2020, cử tạ của khu vực Đông Nam Á đã có đội Thái Lan và Malaysia nhận án phạt trên.
Quy định của Ban tổ chức môn cử tạ tại Olympic, mỗi hàng cân có 14 VĐV được trao suất chính thức. Trong đó 8 người nhận suất theo xếp hạng dựa trên bảng xếp hạng của IWF. 5 suất cho 5 người đứng đầu hạng cân của 5 khu vực trên thế giới. 1 suất cho VĐV chủ nhà ở từng hạng cân. Lúc này, đội cử tạ Kazakstan, Azerbaijan, Belarus, Romania, Armenia, Thái Lan, Bulgaria, Ukraina, Uzbekistan, Moldova, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran, Ấn Độ, Albania, Malaysia có VĐV dính doping trong giải quốc tế trước Olympic nên đã bị án cấm (theo số VĐV quy định) từ Ủy ban Olympic quốc tế.

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thạch Kim Tuấn vẫn chưa thể là ngôi sao lớn

Rớt tạ 3 lần trong cử đẩy tại hạng 61kg ở giải vô địch châu Á 2021 vừa qua rồi không có thành tích tổng cử, Thạch Kim Tuấn tiếp tục cho thấy bản thân cần hoàn thiện hơn. Không ai hiểu rõ chuyên môn và chiến thuật nhất bằng Thạch Kim Tuấn và người thầy ruột Huỳnh Hữu Chí khi họ có mặt trên sàn nâng. Tuy nhiên, tại những giải quốc tế quan trọng cần khẳng định chuyên môn, Kim Tuấn từng thất bại. 
Năm 2016 tại Olympic ở Rio de Janeiro (Brazil), Kim Tuấn là niềm hy vọng tranh huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam nhưng trong thi đấu hạng 56kg sở trường thì lực sĩ này cũng không đạt được thành tích tổng cử vì rớt tạ khi cử đẩy. Hay tại giải vô địch thế giới 2019, Kim Tuấn xếp hạng 4 nội dung 61kg...
Tài năng và khả năng của Thạch Kim Tuấn ít nhiều được khẳng định. Tuy nhiên, thành tích khi tập và thi đấu quốc tế luôn rất khác nhau. Từ khi nhận được sự đầu tư trọng điểm vào năm 2011 tới nay, Kim Tuấn là người được những chế độ tốt nhất mà ngành thể thao dành cho VĐV tuyển cử tạ. Lực sĩ của TPHCM đã trải qua những giai đoạn cạnh tranh quan trọng để tranh vé Olympic vào năm 2012 (không vượt qua được Trần Lê Quốc Toàn), năm 2016 (thi đấu Olympic lần đầu nhưng thất bại), và bây giờ là Olympic Tokyo 2020. Rõ ràng, nhà quản lý và người hâm mộ muốn Kim Tuấn phải đạt được một kết quả tốt nhất khi được sự đầu tư trọng điểm cao nhất.

Tin cùng chuyên mục