Nếu các cầu thủ HA.GL mùa này không từng làm dậy sóng cầu trường khi họ khoác áo U.19 quốc gia thì liệu đội bóng phố núi có được đón nhận nồng nhiệt không? Chúng ta đều biết, sức hút của các ĐTQG là rất lớn đối với CĐV nội địa nền việc làm sao khai thác được “nguồn tài nguyên” này là bài toán cho VPF.

Các CLB cần tạo thêm cơ hội cho các cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lấy lý do phát triển tài năng nội địa, người ta khống chế số lượng ngoại binh. Việc này thì tạm chấp nhận được nhưng khổ nỗi, các CLB dùng cầu thủ trẻ chỉ là do “khuyến khích” chứ không phải bắt buộc.
Tại sao chúng ta lại giảm ngoại binh trong khi họ là một phần của sự hấp dẫn mà V-League từng có. Nếu đã giảm ngoại binh, tại sao không “ép” các CLB dùng cầu thủ trẻ nhiều hơn? Những ngôi sao U.19 còn đưa khán giả đến sân thì những cầu thủ U.23 cũng có thể làm điều tương tự. Tuy nhiên, hệ thống chuyển nhượng của Việt Nam thường “chừa” các cầu thủ U.23 ra vì chi phí đền bù quá cao trong khi các CLB không bị ép phải dùng bao nhiêu cầu thủ U.23 trong đội hình chính.
Tại sao VFF và VPF không dùng các biện pháp sau: Với ngoại binh thì đăng ký thoải mái nhưng chỉ dùng tối đa 2 người trên sân, ngược lại với cầu thủ U.23 (hoặc U.21) thì phải đăng ký một số lượng cụ thể và buộc phải dùng tối thiểu 3 người khi thi đấu. Hoặc chúng ta có thể yêu cầu mỗi CLB phải đăng ký bao nhiêu cầu thủ “tự đào tạo”, tức là những người đã phải thi đấu ở lứa tuổi U.19, U.21 của CLB tại những giải quốc gia.
Lý do nên đưa ra các quy định trên: Thứ nhất, nhiều CLB không đủ tiền mua cầu thủ đã thành danh nhưng có thể tuyển mộ được nhiều cầu thủ trẻ. Thứ hai, qua đội U.23 ở SEA Games vừa rồi có thể thấy những CLB ít tên tuổi vẫn sở hữu nhiều tuyển thủ trong khi đội vô địch như B. Bình Dương lại không có ai. Như vậy, đội U.23 mà thi đấu thành công thì các CLB có đóng góp quân cũng được hưởng lợi vì khán giả sẽ quan tâm nhiều hơn.
***
Chế tài chuyên môn cũng là một phương pháp hiệu quả, dễ làm để nâng cao chất lượng V-League, chỉ tiếc là từ trước đến nay, các nhà quản lý cứ hay lo “đụng chạm” đến các CLB nên không “dám”.
Bất kỳ giải đấu nào muốn hấp dẫn thì tính cạnh tranh phải cao, tức là trình độ các đội phải tương đối cân bằng. Chúng ta không nên tạo sự cần bằng theo cách buộc các đội mạnh phải “hạ mình” xuống gần đội yếu theo kiểu siết chặt quota ngoại binh bởi điều này đi ngược với quy luật phát triển chuyên nghiệp. Thay vào đó, cách tốt nhất là tạo cơ chế để đội yếu có thể ngang với đội mạnh như kiểu tăng số lượng cầu thủ trẻ hoặc tự đào tạo vốn là thế mạnh của các CLB ít tiền.
Chế tài chuyên môn còn có thể đánh thẳng vào túi tiền của các CLB với việc tăng hình phạt dành cho thẻ phạt hoặc gia tăng hình phạt để buộc các CLB phải thi đấu đàng hoàng hơn nếu không muốn… phá sản sớm. Một khi đã cố gắng nâng chất trọng tài thì cũng phải có những chế tài mạnh tay để giúp các trọng tài dễ điều khiển trận đấu hơn.
Nói chung, nếu VPF hay VFF có những bộ phận giỏi về chuyên môn, họ có thể nghĩ ra đủ cách thông qua các yếu tố liên quan đến thi đấu để tăng chất lượng của V-League. Đương nhiên, một khi đã “ép” các CLB phải hy sinh nhiều quyền lợi cho chuyên môn thì cũng cần phải có nhiều tiền thưởng để khích lệ, động viên, ghi nhận. Mọi giải đấu chuyên nghiệp trên thế giới đều phải tiến hành 2 biện pháp này song song và đó đều thuộc thẩm quyền của những nhà tổ chức chứ không phải của các CLB.
Hồ Việt