Xạ thủ Trần Quốc Cường xác nhận rất thẳng thắn: “Chúng tôi hiện tại vẫn tập khan chưa có đạn. Tập và thi đấu sẽ là 2 cảm giác rất khác nhau. Dù vậy, tất cả đều nỗ lực để khắc phục và đạt kết quả tốt nhất tại giải Đông Nam Á 2016”. Ít ai nghĩ rằng, một xạ thủ từng dự Olympic 2016, sắp tranh tài giải vô địch Đông Nam Á 2016 như Trần Quốc Cường đã và đang phải tập động tác là chính chứ không có đạn để bắn thực tế trước ngày thi đấu…
Hai cảm giác trái ngược
Nhiều xạ thủ của đội tuyển cũng chia sẻ rằng, đúng là khó khăn và nhiều người đã nói về bia giấy với bia điện tử. Tuy nhiên, các quốc gia đều có trường bắn bia giấy nên cuộc thi thố là ngang nhau không ai hơn ai được. Mấu chốt chính phải ở sự công tâm của trọng tài. Trong thi đấu bia giấy, sau kết quả bắn, xác định điểm trúng ở bia của trọng tài sẽ ra điểm số như thế nào của xạ thủ. Chỉ chênh lệch một chút có thể thay đổi kết quả. Điều này khác hoàn toàn với bắn bia điện tử.

Các tuyển thủ như Trần Quốc Cường thường xuyên phải tập chay.
Thi đấu bia điện tử, đạn trúng ở đâu, điểm đã xuất hiện luôn trên bảng mà không cần tranh cãi. “Phó Chủ tịch Liên đoàn bắn súng Đông Nam Á và Tổng thư ký Liên đoàn có mặt tại Việt Nam và đảm bảo công tác trọng tài tại giải”, Trưởng bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) Nguyễn Thị Nhung cho biết. Trong danh sách của ban tổ chức, trọng tài quốc tế điều hành giải có 16 người. Số trọng tài Việt Nam được cấp bằng quốc tế của Liên đoàn bắn súng thế giới không nhiều vì vậy chúng ta không có đội ngũ đông đảo tham gia công tác điều hành. Trọng tài của chủ nhà Việt Nam góp mặt tại giải Đông Nam Á 2016 sẽ đóng vai trò giám sát là chính.
Chuyện không có đạn bắn hay chỉ bắn bia giấy đã là điều chưa thể giải quyết của bắn súng Việt Nam. Chúng ta nhắc mãi vấn đề khó khăn qua nhiều năm tháng. Mấu chốt vẫn là vì bắn súng là môn đặc thù cần tới súng và đạn đồng thời phải có nguồn lực xã hội hóa thì mới giải quyết được.

Giải vô địch Đông Nam Á sẽ sử dụng… bia giấy để tiết kiệm kinh phí.
Xã hội hóa
Xã hội hóa đang là điều mà bắn súng Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... thực hiện. Bà Nhung chia sẻ rằng đội tuyển bắn súng quốc gia Thái Lan hiện nay được đầu tư và đi thi đấu nước ngoài hoàn toàn từ tiền của xã hội hóa chứ không phải của nhà nước. Quốc gia Singapore đang đẩy mạnh phát triển môn thể thao bắn súng. Lãnh đạo ngành thể thao tại đây đưa cơ chế xã hội hóa vào đội tuyển bắn súng quốc gia. Điều này được ghi nhận có tiến triển mạnh mẽ. “Bắn súng là môn tốn kém về tài chính nên nhiều đội tuyển trên thế giới phải có nguồn tài trợ xã hội hóa thì mới thi đấu, tập huấn thành công. Điều này đang là một xu thế phát triển chung và phù hợp”, bà Nhung phân tích thêm.
Chính vì có tiền được chi trả nên các đội tuyển bắn súng Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đến Việt Nam thi đấu giải Đông Nam Á 2016 đều đăng ký lực lượng hùng hậu. Họ sẵn sàng bỏ chi phí để đưa VĐV trẻ đi cọ xát, tìm thành tích nhằm đầu tư cho chiến lược giành huy chương SEA Games, Asian Games những năm tới. Nhìn lại bắn súng Việt Nam, bộ môn và Liên đoàn bắn súng đã tìm một nguồn lực xã hội hóa hiệu quả nhưng chưa thành công.
Bắn súng Việt Nam đã có nhà tài trợ đồng hành trao thưởng, tổ chức giải nhưng trong hoạt động và sự đầu tư chưa thể từ chối sự bao cấp từ Tổng cục TDTT. Khi môn thể thao này trở thành mũi nhọn nhóm 1 là ưu tiên, đầu tư cho kết quả Olympic, Tổng cục TDTT duyệt chi phí cho bộ môn hoạt động cả năm khoảng 200 ngàn USD (hơn 4 tỷ đồng). Nếu không có khoản này, chắc chắn đội tuyển bắn súng sẽ... lao đao khó có chi phí trả cho tập huấn, thi đấu nước ngoài. Bài toán phải có xã hội hóa vẫn rất khó giải. Đã có HCV và HCB Olympic, nhà quản lý bắn súng Việt Nam tin vẫn có cơ hội phát triển.
MINH CHIẾN