Chưa có mùa giải nào, công tác trọng tài lại được chú trọng như năm nay. Tính đến thời điểm này, đội ngũ các ông “Vua áo đen” đã có 3 cuộc hội thảo, tập huấn trước mùa giải, nhưng điều đó liệu có giúp các trọng tài nâng cao được chất lượng điều hành các trận đấu?
“Bội thực" tập huấn
Ngay từ những ngày cuối tháng 12-2010, với sự hỗ trợ của FIFA, Hội đồng Trọng tài Quốc gia (HĐTTQG) đã tổ chức khóa tập huấn dành cho 32 trọng tài hàng đầu Việt Nam tại Hà Nội. Trong vòng 5 ngày (từ 19 đến 23-12), những cây còi và cờ được xem là tài năng nhất đã được các ông Mohamad Rodzali, Ahmad Khalidi Supian (giảng viên FIFA) và các giảng viên là cựu trọng tài FIFA như Phạm Chu Thiện, Dương Văn Hiền, Đặng Thanh Hạ truyền thụ những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn công việc trọng tài, được bổ sung kiến thức về những thay đổi luật lệ mới nhất do FIFA ban hành.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên các trọng tài Việt Nam được tiếp cận với những phương pháp tập luyện thể lực hiện đại nhất, nhằm giảm thiểu tối đa chấn thương trong quá trình chuẩn bị trước mùa giải, cũng như trong quá trình điều hành các trận đấu.
Trong đợt tập huấn này, các trọng tài, trợ lý đã phải trải qua một đợt kiểm tra thể lực khắc nghiệt “chưa từng thấy” (lời của một trọng tài). BTC đã tiến hành kiểm tra thể lực các trọng tài theo đúng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của FIFA. Cụ thể, ngoài việc đạt “chuẩn” quy định, BTC còn sử dụng các thiết bị công nghệ cao để kiểm tra nhịp tim, nhịp thở của từng trọng tài. Thế nên, chỉ có 27/32 trọng tài vượt qua được bài test thể lực. 5 người không đạt yêu cầu sẽ phải kiểm tra thể lực lại cùng các trọng tài khác trong đợt tập huấn giám sát, trọng tài trước mùa giải tại Đà Nẵng.
Ngay sau khi kết thúc đợt tập huấn dành cho các trọng tài, HĐTTQG cũng tổ chức thêm một đợt tập huấn dành cho các giám sát, trọng tài, trợ lý làm nhiệm vụ tại các giải trẻ trong 4 ngày, từ 30-12-2010 đến ngày 2-1-2011 tại Hà Nội. Và giờ đây, theo thông lệ là đến lượt đợt tập huấn giám sát, trọng tài trước mùa giải 2011 tại Đà Nẵng.
Trước mùa giải mới, giới trọng tài gần như “bội thực” với các đợt tập huấn. Điều đó cho thấy VFF và HĐTTQG đã và đang tích cực trang bị cho đội ngũ trọng tài một “hành trang” tốt nhất trước khi giao nhiệm vụ cho đội ngũ cầm cân nẩy mực điều hành các trận đấu ở mùa giải chuyên nghiệp thứ 11. Tuy nhiên, điều đó liệu có giúp các trọng tài điều hành các trận đấu tốt hơn?
![]() |
Việc các trọng tài bị HLV và cầu thủ phản ứng dữ dội liệu có giảm bớt ở mùa giải 2011? Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đi tìm sự đồng thuận
Trên thực tế, không có mùa giải nào mà các trọng tài Việt Nam không bị phản ứng, ta thán từ phía giới truyền thông, người hâm mộ lẫn các đội bóng. Tất nhiên, không thể loại trừ những sai sót không tránh khỏi trong công tác trọng tài, bởi đó là một phần của cuộc chơi mang tên “bóng đá”. Thế nhưng, vẫn còn không ít sai sót của giới cầm còi vẫn được VFF, BTC giải và HĐTTQG du di với quan điểm: “trọng tài trẻ”.
“Cơn bão” tiêu cực đã tràn qua giới trọng tài Việt Nam hơn 6 năm, nhưng nhiều người vẫn còn vin vào đó để biện hộ cho sai sót của các trọng tài, đó là điều không thể chấp nhận được. Vì thế, HĐTTQG phải nhanh chóng nâng “chất” đội ngũ trọng tài cho phù hợp với tình hình mới, nhất là khi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã bước sang tuổi 11.
Hàng loạt các cuộc tập huấn, hội thảo đã được tổ chức trước mùa giải 2011. Cùng với đó, chế độ dành cho đội ngũ trọng tài cũng được nâng lên đáng kể. Cụ thể, những trọng tài làm nhiệm vụ ở V-League mùa tới được nhận 3 triệu đồng/trận (mùa trước là 1,8 triệu), trợ lý nhận 2 triệu (trước là 1,2 triệu). Cùng với đó, tiền ăn mỗi ngày của trọng tài cũng tăng từ 300 lên 400 ngàn đồng.
Không chỉ dành những gì tốt nhất cho đội ngũ cầm cân nẩy mực, HĐTTQG còn chủ động cắt cử người đến tất cả các CLB chuyên nghiệp để phổ biến luật đến từng quan chức, từng cầu thủ. Thực tế cho thấy, trọng tài Việt Nam vẫn còn nhiều sai sót, ngược lại, cách phản ứng của các đội bóng, của cầu thủ đối với trọng tài vẫn rất thiếu chuyên nghiệp. Đấy là chưa kể nhiều người còn không hiểu tại sao mình bị phạt thẻ, bị thổi phạt đền hay bị bắt việt vị…
Chính vì thế, việc HĐTTQG chủ động phổ cập luật lệ cho các quan chức, cầu thủ vừa góp phần nâng cao nhận thức cho một bộ phận của bóng đá Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho các trọng tài làm việc dễ dàng hơn.
Những động thái tích cực từ phía HĐTTQG trong thời gian qua cho thấy tổ chức quản lý, điều hành đội ngũ trọng tài Việt Nam đã có nhận thức mới mẻ hơn về năng lực của các trọng tài. Thông qua các đợt tập huấn, hội thảo... HĐTTQG hy vọng sẽ nâng cao chất lượng trọng tài Việt nhằm hạn chế tối đa những sai sót ở mùa giải tới. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là kỳ vọng từ phía HĐTTQG, còn các trọng tài có còn sai sót nữa hay không, có bị ta thán nữa hay không thì hãy chờ thực tế trả lời.
HẢI NAM
|
Gánh nặng trọng tài
Cứ trước mỗi mùa giải mới, người ta lại nói về chuyện trọng tài. Cứ như thể chính vị vua sân cỏ là người quyết định mọi việc vậy. Mà ngẫm cũng đúng, bởi có ông bầu đòi bỏ bóng đá chỉ vì trọng tài, hoặc từng có đội bóng này “ghét cay ghét đắng” đội bóng kia vì cho rằng đối thủ “nắm” trọng tài nhiều hơn họ…
Có một điều rất đáng suy nghĩ: một nền bóng đá mà những thành viên tham gia cứ ngay ngáy lo chuyện trọng tài trước khi bóng lăn thì đấy là điều tích cực hay tiêu cực? Cũng giống như một người khỏe mạnh thì chẳng có mấy khi phải lo nghĩ về những bệnh lặt vặt. Cứ nôm na như vậy để thấy rằng, mỗi khi các đội bóng vẫn còn nhìn trọng tài bằng ánh mắt nửa thiếu thiện cảm, nửa lại muốn lợi dụng thì chắc chắn chẳng lấy gì là tốt đẹp cả.
Trọng tài thì mùa nào cũng có tập huấn trước mùa giải, như bây giờ chẳng hạn, tiếng là tập huấn, nhưng kỳ thực là một khóa học tư tưởng để chuẩn bị cho mùa bóng kéo dài 6 tháng đằng đẳng, với bao nhiêu điều rắc rối. Người ta đồ rằng, chuyện thành-bại cả mùa bóng phụ thuộc vào khóa tập huấn này.
Có một sự thật là trọng tài Việt Nam rất giỏi, ít nhất là khả năng chịu áp lực. Trọng tài Việt Nam như... một tấm bia để rất nhiều người nhắm bắn. Các CLB là đương nhiên rồi, ngoài ra còn có báo chí, cổ động viên và thậm chí là chính các trọng tài khác. Đáng ngạc nhiên là trọng tài lại thu nhập không quá cao đến mức phải chịu sức ép cỡ đó. Vậy cớ sao họ lại chấp nhận? Có lẽ, chỉ vì câu hỏi đó mà nảy sinh biết bao điều thị phi. Ví dụ như mùa rồi, Hà Nội T&T bị đồn thổi là vô địch nhờ trọng tài. Hay như chức vô địch của Hoàng Anh Gia Lai năm 2004 cũng vậy. Xem ra, trọng tài có tầm quyết định lớn đấy chứ. Mà quyền lực như vậy, hẳn quyền lợi đi kèm không nhỏ?
![]() |
Xin đừng để giới trọng tài trở thành gánh nặng của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng |
Trở lại vấn đề chính: tại sao chúng ta luôn nói chuyện trọng tài trước mỗi mùa bóng mới? Chất lượng trọng tài Việt Nam không kém, tầm cỡ đẳng cấp AFC thì ít nhất cũng đến 10 người chứ không ít. Tuy nhiên, trọng tài ở Việt Nam lại mắc một điểm yếu lớn đó là bản lĩnh sân cỏ. Họ bị tác động rất nhanh bởi các diễn biến của trận đấu, nên nếu đã không mắc lỗi thì thôi, còn mắc thì toàn lỗi lớn, và tác động trực tiếp đến kết quả. Điều mà người ta khó chấp nhận đối với một trọng tài quốc gia. Vì thế, các CLB cứ vin vào đó mà gây sức ép, còn Hội đồng trọng tài Quốc gia thì cứ “đóng cửa bảo nhau” theo đúng qui định. Điều đó, càng làm mọi thứ tồi tệ!
Có lần trao đổi với một trọng tài hàng đầu Việt Nam, anh nhận xét và đề nghị không đưa vào bài phỏng vấn, đó là trình độ của các trọng tài trẻ hiện nay không cao. Nghĩa là họ chỉ dừng ở mức độ làm tròn vai, hơn là điều hành trận đấu đúng cách. Các trọng tài ở Việt Nam bị lệ thuộc khá nhiều vào trận đấu, dù họ là người có toàn quyền quyết định diễn biến trên sân. Nắm được cái “thóp” này, nên những HLV và trưởng đoàn có “máu mặt” đủ khả năng để gây áp lực.
Hội đồng Trọng tài Quốc gia nhiều năm qua vẫn luôn đề nghị thông cảm cho trọng tài Việt Nam, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Nói cho cùng, chẳng thể có một giải đấu mạnh nếu cứ phải thông cảm mãi để chờ trọng tài “cứng” hơn về bản lĩnh sân cỏ.
Không lẽ trọng tài lại là một thứ gánh nặng?
HỒ VIỆT