Còn chút gì để nhớ

Thể thao Nam Định đã hân hoan vì sau 7 năm chờ đợi, đội bóng quê hương thành Nam đã thăng hạng lên chơi tại giải VĐQG năm 2018. 
Nguyễn Thị Huyền là gương mặt nổi bật của thể thao Nam Định. Ảnh: T.L
Nguyễn Thị Huyền là gương mặt nổi bật của thể thao Nam Định. Ảnh: T.L
Nhìn vào lịch sử, thể thao Nam Định từng có môn bóng bàn, bóng chuyền thế nhưng giờ đã biến mất trên bản đồ thể thao Việt Nam.

1. Gần 40 năm qua, bóng bàn Nam Định đã không xuất hiện ở giải vô địch quốc gia. Trong trí nhớ của mình, chuyên gia bóng bàn Nguyễn Đức Long (nguyên trưởng bộ môn bóng bàn – Tổng cục TDTT) cho biết “năm 1976 là lần cuối cùng giải bóng bàn vô địch toàn miền Bắc được tổ chức tại Nam Định. Lúc đó, bóng bàn Nam Định vẫn có VĐV thi đấu đỉnh cao. Nhưng tới năm 1979 thì bóng bàn Nam Định đã không còn VĐV thi đấu giải cao nhất quốc gia”. “Thật tiếc, bóng bàn Nam Định từng có lứa VĐV như chúng tôi nhưng rồi họ không tiếp tục nữa nên ở cấp độ đỉnh cao, con người đã không còn để phát triển”, ông Long chia sẻ thêm.
Trong lịch sử, người có uy tín và vai vế nhất cũng như anh cả của bóng bàn Việt Nam là cố HLV, VĐV, nhà quản lý thể thao Mai Duy Dưỡng người quê gốc Nam Định. Thế nhưng, có nhiều vấn đề dẫn tới việc bóng bàn Nam Định đã thất truyền tới lúc này. Quan trọng, nhà quản lý định hướng đầu tư để phát triển môn thể thao tại địa phương như thế nào. Về phong trào, bóng bàn Nam Định không thiếu sân chơi, không thiếu VĐV nghiệp dư mạnh mẽ. Dân bóng bàn phong trào ai cũng biết Tuấn “Nam Định” (là con của 1 cựu VĐV bóng bàn Nam Định).
Hay bóng bàn thành tích cao hiện có Đinh Quang Linh. “Quan trọng nhà quản lý địa phương muốn phát triển môn đó hay không và nếu xác định làm bóng bàn phải thực hiện lộ trình đi từ gốc là đào tạo VĐV trẻ rồi mới tới VĐV đỉnh cao. Bóng bàn khó ăn xổi một vài năm mà phải chấp nhận dài hơi từ 10 đến 20 năm mới có một vài VĐV ưng ý”, ông Long phân tích. Bóng bàn quê hương không có đội mạnh nên Đinh Quang Linh đã là VĐV của Quân đội. Đó cũng may mắn, tay vợt này đã được nuôi dưỡng trong môi trường đỉnh cao, chuyên nghiệp nên lúc thành danh mang vinh dự, tự hào về cho quê hương. 
Bóng chuyền Nam Định cũng là câu chuyện nhiều người hâm mộ ngậm ngùi. Sau sự chuyển giao đội nữ Dệt Nam Định về Ngân hàng Công Thương, từ năm 2003 tới nay, Nam Định không còn đội bóng chuyền chơi tại giải VĐQG hay hạng Nhất. Ngót nghét 20 năm trước, khán giả luôn dậy sóng ngập tràn cờ hoa cổ vũ thi đấu bóng chuyền tại NTĐ Trần Quốc Toản (Nam Định) khi có đội bóng con cưng góp mặt. Giờ, Nam Định có NTĐ mới khang trang hiện đại, đẹp nhất nhì Việt Nam nhưng địa phương lại không có đội bóng riêng. 
2. Thể thao Nam Định tự hào nhất SEA Games 2015 tại Singapore khi tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) là VĐV duy nhất của Việt Nam vừa đoạt HCV đồng thời đạt chuẩn có suất chính thức dự Olympic 2016. Không VĐV nào làm được như Huyền khi đó. Chuẩn bị cho SEA Games 2017, thể thao Nam Định chỉ có VĐV điền kinh (Nguyễn Thị Huyền, Vũ Thị Mến, Đỗ Thị Quyên, Dương Văn Thái) trong đoàn thể thao Việt Nam.
Còn chút gì để nhớ ảnh 1  Dương Văn Thái củng là gương mặt nổi bật của thể thao Nam Định. Ảnh: T.L
Nếu tính những VĐV quê gốc Nam Định nhưng đang thuộc các đơn vị thể thao khác mà có tên trong đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games, quê hương thành Nam có không ít người. Hẳn nhiên, ai cũng muốn người quê hương đứng tên trong đơn vị địa phương để dự Đại hội lớn thì chính danh và tự hào hơn cả. 
Rất khó để nói bao lâu nữa bóng chuyền, bóng bàn và các môn thể thao của Nam Định có nhiều VĐV lên các đội tuyển quốc gia. Trước hết, địa phương phải đầu tư và định hướng phát triển thì mới gầy dựng được lực lượng. Năm 2014, Nam Định là chủ nhà Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7. Đó là cuộc kiểm tra lực lượng mạnh mẽ nhất xác định sự đầu tư, huấn luyện phát triển thể thao từng địa phương như thế nào. Đại hội TDTT toàn quốc lần 8 -2018 sắp diễn ra, tín hiệu để thấy thể thao Nam Định mạnh mẽ trở lại vẫn chưa nhiều.

Tin cùng chuyên mục