Từ câu chuyện phiên hiệu Đức Long Gia Lai giải thể
Bóng chuyền Việt Nam không thiếu những đội bóng rất oanh liệt rồi bị giải thể trong tiếc nuối. Vì thế, trường hợp của đội nam Đức Long Gia Lai không phải bất ngờ. Chỉ một điều mọi người phải suy nghĩ đấy là khi bóng chuyền đang chờ đợi có thêm doanh nghiệp chung sức làm bóng chuyền thì gương rút lui hiển hiện trước mắt nên sẽ là điều khó cho những ai dám mạo hiểm tiếp tục cuộc chơi.
Tiếc cho một mô hình
Phải nhìn vào thực tế, có đam mê với bóng chuyền, những năm đầu tiên, doanh nhân Bùi Pháp đã gây dựng đội Đức Long Gia Lai của mình là một thương hiệu rất hút cầu thủ. Không phải ngẫu nhiên, từ một đội bóng chập chững lên hạng (năm 2012), CLB này mang được về nhiều cầu thủ có tên tuổi như Nguyễn Hữu Hà, Wanchai (Thái Lan), Nguyễn Văn Hạnh, Thành Hạc, Văn Sang… Khi kinh tế không còn đủ chi trả, giải thể chỉ là hệ lụy từ sự chán nản của cầu thủ và từ sâu bên trong đội bóng đã không có tính ổn định chung.

Thời oanh liệt của bóng chuyền Đức Long Gia Lai đã chấm dứt.
Đây cũng là một điểm cố hữu của đội bóng do doanh nghiệp quản lý và gây dựng từ việc mua cầu thủ thật nhiều rồi về sau mới tính tới đào tạo trẻ lâu dài. Chính vì tất cả cầu thủ đều là VĐV các nơi về nên đơn thuần họ thi đấu trước tiên đúng với lương bổng mà đội bóng mang lại. Còn vì màu cờ sắc áo đảm bảo hình ảnh cho bóng chuyền Gia Lai, gần như không có cầu thủ nào xuất thân ở địa phương này nên không có được điều đó. Đức Long Gia Lai đã có 2 ngôi á quân vô địch quốc gia (năm 2012, 2014) và 1 chức vô địch quốc gia (năm 2013), không nhiều cầu thủ coi đây là đội bóng ruột cả đời mình.
|
Khi CLB này ra đời, mô hình hoạt động của nó ít nhiều đã khiến làng bóng chuyền nam phải có suy nghĩ khác thay vì chỉ yên tâm rằng cơ chế bao cấp là ổn thỏa. Trên thực tế, nếu ông Bùi Pháp không “mạnh tay”, thị trường chuyển nhượng VĐV của bóng chuyền nam khó có hợp đồng 1 tỷ 350 triệu đồng như Nguyễn Hữu Hà hay việc bỏ ra gần chục ngàn USD mời Wanchai thi đấu. Đội bóng này đồng thời là tâm điểm gây nhiều tranh cãi nhất ở việc giành cầu thủ về thi đấu làm các đội xảy ra tranh chấp (3 trường hợp cụ thể là Hữu Hà, Nguyễn Văn Hạnh, Văn Sang). Mọi người từ đấy hiểu rằng, cầu thủ bóng chuyền cũng có giá trị chuyển nhượng không nhỏ.
Tuy nhiên, tính bền vững đã không dài lâu. Sau 7 năm, ông Bùi Pháp tuyên bố giải thể đội bóng. Đức Long Gia Lai đã là một phần trong lịch sử phát triển của bóng chuyền nam và phần nào, người hâm mộ sẽ có ký ức khi nhắc lại đội bóng này. Chỉ có điều, ký ức ấy nhiều hay ít là từ sự gây dựng hình ảnh, cách hoạt động của họ ngày còn tồn tại hằn sâu trong người hâm mộ hay không mà thôi.
Xui khó tránh
Một thống kê không chính thống nhưng khá hợp lý đấy là những CLB có “dính” tới Đức Long Gia Lai đều phải giải thể. Hiện tại, một nửa quân số của Đức Long Gia Lai vốn xuất thân từ CLB nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước đây. Thậm chí HLV Bùi Quang Ngọc và trợ lý Trần Đăng Thành của đội bóng này từng làm việc tại CLB của dầu khí rồi mới lên phố núi. Đội bóng của ngành dầu khí đã giải thể. Đầu năm 2015, CLB Quân khu 5 (từng hợp tác phiên hiệu Đức Long Quân khu 5 trong giai đoạn 2009-2011) cũng thông báo giải thể do không còn được chủ trương tiếp tục với môn thể thao này.
Bây giờ, đến lượt Đức Long Gia Lai. Hai mô hình CLB Tập đoàn Dầu khí VN và Đức Long Gia Lai có cách hoạt động và sự vận hành không khác nhau. Con người của họ cũng bổ sung cho nhau (khi đội này giải thể, đội kia thoi thóp). Giờ, tất cả đều không tồn tại. Có thể, nói vận xui như vậy chỉ là một cách duy tâm nhưng với thực tế thể thao, thành bại hay tồn tại lâu của một phiên hiệu phụ thuộc hoàn toàn ở duy nhất ông chủ.
|
NGUYỄN ĐÌNH
***
Về đâu em hỡi?
Không quá khó để nhận thấy sau khi đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai giải thể, tất cả các VĐV đều tạm thời rơi vào hoàn cảnh… thất nghiệp! Nhiều người hoang mang và bắt đầu tính đến phương án liên hệ với các đội bóng khác để thi đấu ở mùa giải mới 2016. Tất nhiên, chẳng phải ai cũng có thể may mắn tìm được môi trường mới phù hợp, bởi lẽ chính các đội bóng cũng đang phải “thắt lưng buộc bụng” kinh phí và rất thận trọng khi tuyển nhân sự mới. Thành ra, sẽ có VĐV tìm được bến đỗ mới và có không ít người phải ngậm ngùi chia tay cuộc chơi, chọn cho mình một lối đi khác.

Các cầu thủ sẽ về đâu, làm gì khi đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai giải thể?
Như thế để thấy, khi một đội bóng giải tán, chịu thiệt nhiều nhất không hẳn là nhà đầu tư (vì ít nhiều họ cũng đã thành công với bài toán thương hiệu của mình), mà chính là các VĐV. Những người này là chủ thể của đội bóng, bỏ công sức để tập luyện và thi đấu vì sự nghiệp của bản thân và cũng vì mục đích mưu sinh. Không chơi bóng chuyền nữa, họ dĩ nhiên phải kiếm việc khác để tồn tại. Thế nhưng, đấy là tình huống chẳng đặng đừng và bản thân VĐV chưa từng nghĩ đến chuyện xấu như thế.
Vấn đề là lúc này, chính bóng chuyền Việt Nam cũng chưa xây dựng được lộ trình phát triển chuyên nghiệp, chưa có những biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với giải đấu, với các đội bóng và quan trọng là chưa thật gần gũi cũng như đưa ra các giải pháp bảo vệ quyền lợi cho VĐV - những người mà nếu không có họ sẽ chẳng có bóng chuyền, chẳng có những cuộc cạnh tranh quyết liệt và đẹp đẽ để phục vụ những người đam mê môn thể thao này.
Hỏi nhiều VĐV sau cuộc bể dâu, đa phần họ đều buồn rầu cho rằng tương lai phía trước đang trở nên mờ mịt, thậm chí là bế tắc khi mà không phải đội bóng nào cũng có thể dang rộng cánh tay chào đón mình. Lỡ dở cả sự nghiệp thì đương nhiên rồi, còn điều lớn hơn nữa là mưu sinh càng khó khăn hơn gấp bội.
VIỆT HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Lực sĩ Hoàng Thị Duyên đoạt HCĐ tại Giải vô địch châu Á
-
Nguyễn Trần Duy Nhất vô địch nhưng muay TPHCM chỉ xếp hạng 3 toàn quốc
-
3 lần rơi tạ nội dung cử đẩy, Thạch Kim Tuấn thất bại tại giải châu Á
-
Judo người khiếm thị cần được quan tâm đúng mức
-
Lực sĩ Vương Thị Huyền không giành được huy chương châu Á
-
Hơn 300 võ sĩ góp mặt tại giải karate vô địch miền Bắc
-
Chưa cân nhắc hủy Olympic Tokyo 2020: Sẽ xét nghiệm VĐV hàng ngày, không cho khán giả vào sân
-
Thể thao Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine cho VĐV
-
Giới chạy phong trào tố VĐV thi đấu thiếu trung thực ở giải marathon TPHCM 2021
-
Hai đội nam, nữ TPHCM cùng xếp hạng nhì giải bóng rổ 3x3 quốc gia