Cờ vua nữ Việt Nam cần đổi mới?

Cờ vua nữ Việt Nam đã đứng hạng 53 tại giải Olympiad 2022 vừa bế mạc ở Chennai-Ấn Độ. Có thể xem, đây là một trong những thứ hạng không thành công nhất mà chúng ta đã có qua những năm thi đấu Olympiad gần đây.

Bạch Ngọc Thùy Dương là kỳ thủ trưởng thành từ cờ vua trẻ TPHCM và đang là gương mặt trẻ thi đấu tốt của cờ vua nữ Việt Nam. Ảnh: L.M.CHÂU
Bạch Ngọc Thùy Dương là kỳ thủ trưởng thành từ cờ vua trẻ TPHCM và đang là gương mặt trẻ thi đấu tốt của cờ vua nữ Việt Nam. Ảnh: L.M.CHÂU

Đội hình dự giải Olympiad 2022 (bế mạc ngày 9-8) của cờ vua nữ Việt Nam gồm Võ Thị Kim Phụng, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thị Mai Hưng, Bạch Ngọc Thùy Dương và Nguyễn Thiên Ngân. Họ đều đang là những kỳ thủ cờ vua nữ có chuyên môn tốt nhất tại Việt Nam vào lúc này. Sự vắng mặt đáng chú ý nhất ở danh sách đăng ký dự Olympiad 2022 của chúng ta chỉ là đại kiện tướng Phạm Lê Thảo Nguyên.

Về kết quả chuyên môn tại Olympiad 2022, dựa trên các trận đã thi đấu, Võ Thị Kim Phụng thua 3 trận, thắng 4 và hòa 3 và cô bị trừ 1,5 điểm elo sau giải. Hoàng Thị Bảo Trâm được thi đấu 9 ván trong đó thua 2, thắng 3, hòa 4 và cũng bị trừ 6,1 elo. Nguyễn Thị Mai Hưng dự 8 trận trong đó thua 1, thắng 3 hòa 4 và kỳ thủ người Bắc Giang bị trừ 1 elo. Bạch Ngọc Thùy Dương là kỳ thủ được ban huấn luyện bố trí thi đấu đủ 11 trận cờ tiêu chuẩn tại giải, kỳ thủ này có 4 ván thắng, để thua 3 và hòa 4 nên chung cuộc bị trừ 27,6 elo. Trong khi đó, Nguyễn Thiên Ngân được dự 5 ván và thua 3, thắng 2, hòa 1 nên cũng bị trừ 4,8 elo.

Trước khi dự giải, cờ vua Việt Nam đã tính toán kỹ lưỡng đội hình tham dự. Trong 5 người thì Thùy Dương và Thiên Ngân là những nhân tố trẻ và họ được kỳ vọng sẽ trưởng thành để đạt tới danh hiệu địa kiện tướng tương lai. Thùy Dương mới ở tuổi 18 còn Thiên Ngân là 15 tuổi. Theo thành viên ban huấn luyện đội tuyển cờ vua Việt Nam, thi đấu Olympiad là thi đấu đồng đội nên chiến thuật lựa chọn con người phải phù hợp nhất bởi khi hướng tới mục tiêu thứ hạng thì các kỳ thủ cùng phải có trình độ đủ để không ai bị tụt lại hoặc không ai trở thành nhân tố duy nhất “gánh đội”. Đó là lý do, các đại kiện tướng Kim Phụng, Bảo Trâm, Mai Hưng không thể không góp mặt. Dẫu thế, có ý kiến nhìn nhận, cờ vua Việt Nam nên định hướng đổi mới con người tạo điều kiện nhiều hơn để kỳ thủ trẻ góp mặt tạo đà có một đội hình mạnh tương lai.

HLV Bùi Vinh của đội tuyển cờ Việt Nam từng trao đổi “các quốc gia như Ấn Độ, Uzbekistan, Kazakhstan... có chiến lược rất tốt đối với kỳ thủ trẻ đó là họ xây dựng đội hình qua việc cho thi đấu nhiều giải mở quốc tế ngay từ lứa tuổi 12, 13. Qua một chu kỳ, đội hình trẻ trưởng thành hơn ở độ tuổi 17, 18 và sức trẻ thi đấu rất hiệu quả. Tất nhiên, mỗi quốc gia có một chiến lược riêng nhưng quan trọng nhất là phải có nguồn lực tài chính đầu tư. Không có nguồn lực tài chính, rất khó thực hiện các kế hoạch”.

Phụ trách bộ môn cờ (Tổng cục TDTT) đồng thời là Phó Chủ tịch Liên đoàn cờ Việt Nam – ông Nguyễn Minh Thắng từng phân tích “chúng tôi hiểu được sự khó khăn nhất chính là tìm được các nguồn xã hội hóa cùng đồng hành cho kỳ thủ. Chỉ dựa vào nguồn được cấp cố định theo từng năm hoạt động do ngân sách ngành thể thao cấp là không thể đủ cử các đội tuyển đi nước ngoài thi đấu đủ hết giải. VĐV trẻ muốn gia tăng thành tích thì cần thi đấu nhiều giải nhưng nhà quản lý phải tính toán kỹ lưỡng dựa trên số tiền được cấp”.

Cờ vua nữ trẻ Việt Nam đang có Vương Quỳnh Anh, Nguyễn Hồng Nhung, Vương Thúy Quyên, Phạm Trần Gia Thư, Bạch Ngọc Thùy Dương, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Linh Đan, Nguyễn Lê Cẩm Hiền, Tôn Nữ Quỳnh Dương, Nguyễn Ngọc Hiền (trong nhóm này, Thiên Ngân, Ngọc Hiền, Hồng Nhung sẽ dự giải vô địch trẻ thế giới vào tháng 9)... là những kỳ thủ có trình độ ở lứa tuổi của mình. Việc mạnh dạn đưa người trẻ vào đội tuyển quốc gia hay không còn gặp áp lực từ yếu tố thành tích nên nhà quản lý không muốn vội vàng. Để một kỳ thủ thành công, người ấy cần được đầu tư mạnh mẽ và tạo điều kiện thi đấu nhiều giải mới là phương pháp hiệu quả nhất.  

Tin cùng chuyên mục