1. Những áp lực đã đến với các cầu thủ U19, điều đó được thể hiện rất rõ trong buổi họp báo của giải U19 Đông Nam Á mở rộng. Đội tuyển U19 được quan tâm như những ngôi sao của giới showbiz với những câu hỏi “nóng” được đưa ra. Khi được hỏi về khả năng chịu những áp lực đang ngày một lớn đó, tiền đạo Công Phượng tự tin nói: “Chúng em được HAGL cho học văn hóa, đủ để nhận thức những cạm bẫy, nên khó có thể bị sa ngã”.
Đấy là một câu trả lời vừa thật lòng, vừa khôn ngoan. Chí ít, nó cho thấy Công Phượng và đồng đội đã tích lũy được nền tảng văn hóa tốt để có thể đối diện với những thách thức từ cuộc sống, bắt đầu từ sự quan tâm của giới truyền thông và người hâm mộ.
Hẳn đây cũng là lý do mà bầu Đức quyết định để U19 được thi đấu ở V-League 2015, môi trường mà ông từng muốn những cậu bé của mình tránh càng xa, càng tốt.

Công Phượng vẫn là mắt xích quan trọng ở hàng công của tuyển U19 Việt Nam. Ảnh: Đông Huyền
2. Có một câu chuyện tận bên Mỹ nhưng lại rất gần với Việt Nam: Tiền vệ gốc Việt Lee Nguyễn vừa ghi 2 bàn trong chiến thắng của đội nhà New England Revoliution trước nhà ĐKVĐ giải nhà nghề Mỹ (MLS) là Sporting Kansas City, nâng số bàn thắng anh ghi trong mùa này lên 12 và trở thành ngôi sao sáng của MLS, được giới chuyên môn gây sức ép để đưa anh vào đội tuyển Mỹ.
Khi là một tài năng đang bắt đầu tỏa sáng, Lee Nguyễn về Việt Nam với mong muốn được đá trên quê hương của mình. Thế nhưng, chuyến trở về 4 năm đó chính là sự thất bại về mặt nghề nghiệp dù anh được chơi ở 2 đội hàng đầu Việt Nam là HAGL và Bình Dương. Đang từ một cầu thủ tiến gần đến cánh cửa vào đội tuyển Mỹ, có giá trị chuyển nhượng lên đến 660.000 bảng Anh (theo đánh giá của Tranfermark) thì lúc rời Việt Nam trở lại Mỹ, Lee Nguyễn bị xếp vào dạng “không biết giá trị bao nhiêu”, đến lúc này khi ở tuổi 27, anh mới được định giá 440.000 bảng nhờ phong độ thăng tiến bất ngờ của mình.
Thật ra, khi đá tại Việt Nam, bất kỳ nhà chuyên môn nào cũng khẳng định Lee Nguyễn ở đẳng cấp khác so với các cầu thủ đá tại V-League. Còn xét về đẳng cấp thì chưa có cầu thủ ngoại nào hơn được Lee Nguyễn. Nhưng sự thật là Lee Nguyễn đã thất bại, sự nghiệp suýt đi tong.
3. Đấy là vấn đề của nền bóng đá Việt. Nó chính là nguyên nhân khiến nhiều tài năng, nhiều tuyển thủ quốc gia lụi tàn tài năng vì tiêu cực thay vì phát triển tài năng. Khi mới về Việt Nam, Lee Nguyễn khác biệt rất lớn. Nhưng càng về sau, anh lại “nhiễm” những thứ tệ nhất của bóng đá nội địa và khả năng thi đấu trên sân cỏ cũng giảm sút. Khi về Mỹ, ở một môi trường khác, Lee Nguyễn tìm lại mình.
Liên tưởng chuyện này với sự tự tin của Công Phượng, ít nhiều cũng cảm thấy bất an. Đành rằng một người có văn hóa cao (ở đây tạm hiểu là có ăn học đàng hoàng, môi trường đào tạo trong lành, chuyên nghiệp) thì khả năng tự vệ trước cám dỗ sẽ thấp hơn những người có trình độ văn hóa thấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ miễn nhiễm, không thể bị sa ngã. Ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng thế, môi trường sống mới là điều kiện quyết định chứ không phải văn hóa thấp hay cao, chuyên nghiệp nhiều hay ít. Tất nhiên, cũng không thiếu những cầu thủ văn hóa không cao những vẫn có sự nghiệp cầu thủ tốt, thế nên cái quan trọng vẫn chính là việc những nhà quản lý làm trong sạch môi trường bóng đá chứ không phải chờ đợi vào mỗi việc văn hóa của cầu thủ.
Hồ Việt