Có những bà mẹ như thế

Có những bà mẹ như thế

Trong những bước tiến lớn của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế có công sức của những gia đình thể thao, mà trong đó sự hy sinh thầm lặng của những bà mẹ và đứa con của mình chính như những điểm nhấn hoàn hảo cho một bức tranh đẹp… Nhân dịp 8-3, xin gửi đến họ - những người phụ nữ thể thao thầm lặng, lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất, và mong rằng tất cả sẽ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp phát triển thể thao Việt Nam trong thời cuộc hội nhập và phát triển…

Võ sư Xuân Liễu (thứ 2 từ phải sang) cùng 2 học trò dành HCV và HCĐ tại Đại hội Võ thuật châu Á lần 1 (2009).

Võ sư Xuân Liễu (thứ 2 từ phải sang) cùng 2 học trò dành HCV và HCĐ tại Đại hội Võ thuật châu Á lần 1 (2009).

Sau kỳ SEA Games 23 thi đấu không thành công, Vũ Thùy Linh trong ngày thi đấu xuất sắc đã vượt qua 2 võ sĩ Malaysia cực mạnh là Tai Cheau Xuen và Bong Siong Lin để bước lên bục cao nhất ở nội dung Nam quyền nữ. Điều đặc biệt chính là nữ võ sĩ này vừa mới trải qua cuộc phẫu thuật đầu gối cách đó 8 tháng tại Bắc Kinh.

Gặp lại cựu vô địch thế giới Nam quyền, HCV Nam quyền SEA Games 22 Nguyễn Phương Lan, trên cương vị trọng tài của môn wushu SEA Games 24, chị hồ hởi: “Từng thi đấu bộ Nam quyền, do vậy tôi hiểu được cái hồn của bộ này và truyền đạt khá kỹ cho Thùy Linh. May mắn là mẹ con nên tôi cũng có điều kiện gần gũi, động viên Linh trong thời gian Linh bị chấn thương. Nhờ vậy, khi trở lại sàn đấu, Linh tiến bộ khá nhanh”.

Riêng Thùy Linh cảm nhận: “Vừa là mẹ vừa là thầy, vừa yêu thương ân cần vừa khiêm khắc trong tập luyện, chính mẹ Phương Lan là người giúp tôi có ngày hôm nay. Và tôi rất muốn giống mẹ!”.

Trọng tài quốc tế môn pencak silat Lê Thị Thu Hường say sưa kể: “Hạnh phúc vì may mắn gia đình ai cũng hiểu, thông cảm cho cái nghề trọng tài. Là trọng tài quốc tế gần 10 năm qua, thường xuyên tham gia điều khiển các giải đấu khu vực. Xa nhà nhiều bao nhiêu, nhớ con gái và chồng nhiều bấy nhiêu”. Bao nhiêu công việc của người phụ nữ, chị giao hết cho chồng và gửi gắm ông bà ngoại, nhưng nếu ai đó bảo chị bỏ nghề trọng tài, chị không làm nổi.

Con gái của chị mỗi lần tiễn mẹ đi xa tham gia giải đấu đều nói: “Con chỉ cho mẹ đi một tuần thôi đấy! Hết giải là mẹ phải về ngay với bố và con. Mẹ nhớ mua quà cho con nữa đấy!”. Chị kể, đã từng bỏ nghề để làm giáo viên tại trường THCS ở gần nhà, một thời gian nhớ quá liền quay lại với sàn đấu. Hiện tại, để có thể gắn bó lâu với nghề, chị làm giáo viên dạy học, HLV đội tuyển pencak silat và đôi khi nhận may đồng phục võ cho VĐV để có thêm thu nhập.

Lê Thị Thu Hường đang chấm điểm tại SEA Game 24. Ảnh: HỒNG LONG

Lê Thị Thu Hường đang chấm điểm tại SEA Game 24. Ảnh: HỒNG LONG

Gần 40 năm gắn bó với võ thuật và có hơn 20 năm làm trọng tài thi đấu đỉnh cao, nữ võ sư kỳ cựu Xuân Liễu (An Giang) cũng là nữ trọng tài quốc tế đứng thứ 2 về tuổi đời, tuổi nghiệp trong Hội đồng Trọng tài quốc gia. Nhìn chị ai cũng nghĩ chị còn trẻ hơn tuổi thật khá nhiều, nhưng ít ai biết rằng sự gian khổ từ cuộc sống vật chất đôi lúc làm chị Liễu tưởng chừng bỏ võ thuật để về với gia đình và kiếm một công việc khác phù hợp hơn.

Nuôi con một mình, chị đã không ngại bất cứ công việc nào: bán nước mía, hủ tiếu, may võ phục để có thêm đồng ra đồng vào ngoài chế độ nhà nước. Bây giờ khi các con lớn khôn, gia đình ổn định chị vẫn không thấy hối hận.

Trọng tài Xuân Liễu ở pencak silat đa tài hơn khi biết đến nhiều môn Võ cổ truyền, pencak silat, wushu, muay, kick - boxing… Học trò của chị nhiều người đã làm rạng danh thể thao Việt Nam như Nguyễn Thị Thu Hồng (5 lần vô địch SEA Games môn pencak silat), Nguyễn Thị Tuyết Mai (HCV Đại hội Võ thuật châu Á lần 1-2009 môn kick - boxing, HCV Asian Indoor Games 3 môn kick - boxing)…

Cuộc sống gia đình bên cạnh con cái mang lại niềm vui cho chị sau mỗi chuyến đi xa nhà làm trọng tài các giải thi đấu. Sự thành công, khôn lớn của 2 người con trong lĩnh vực võ thuật chính là tâm huyết của đời chị. Cậu con trai cả hiện đang là HLV pencak silat tại An Giang, cô con gái từng giành HCB SEA Games và thế giới hiện cũng là trọng tài quốc gia pencak silat.

“Phải nói rằng chúng tôi đến với nghiệp trọng tài bởi sở thích, niềm đam mê là nhiều. Hỏi nhận được gì từ nghiệp thì chúng tôi chỉ biết mình nhận rất nhiều điều về tinh thần hơn vật chất. Được gắn bó với sàn đấu và môn võ mình yêu thích đã là điều chúng tôi tâm đắc, tự hào suốt cuộc đời” – nữ trọng tài pencak silat quốc tế Xuân Liễu tâm sự.

Hồng Long

Tin cùng chuyên mục