1. Khi Calisto còn cầm quân ở Việt Nam, câu hỏi mà ông “ghét” phải trả lời nhất đó là kết quả của trận đấu sắp đến. Với ông thầy người Bồ, ra sân mà không muốn thắng thì đá làm gì?
Đội tuyển Việt Nam và cả CLB Gạch ĐT.LA dưới quyền huấn luyện của Calisto chưa bao giờ được khen là đá đẹp, là chơi tấn công. Tuy nhiên, không có trận đấu nào mà Calisto chủ trương chơi phòng ngự, kể cả ở các trận đấu mà ông được phép làm điều đó. Người ta hay khen các đội bóng của Calisto chơi phản công hay, trên thực tế, nó xuất phát từ khao khát chiến thắng của chuyên gia người Bồ và tinh thần “fighting” truyền cho các học trò. Chính thứ phẩm chất quý giá đó đã làm nên các trận cầu rất có ý nghĩa dưới thời Calisto mà cho đến nay, người ta vẫn tranh cãi về chuyện chúng ta đá hay hoặc quá may mắn.
2. Nếu có HLV trẻ nào tại Việt Nam được xem là giống Calisto nhất, đó là Nguyễn Hữu Thắng dù họ chưa từng làm việc với nhau. Năm ông Thắng đưa SLNA lên ngôi vô địch, đội bóng xứ Nghệ chỉ có trung vệ Huy Hoàng được xem là ngôi sao, lại ở trong thời điểm mà V-League có rất nhiều đội bóng đặt tham vọng vô địch. SLNA lên ngôi với số trận thua nhiều hơn 2 đội xếp sau là HN T&T và SHB. Đà Nẵng nhưng họ lại vượt trội về số trận thắng và có hàng phòng ngự tốt nhất giải. Cách ông Thắng đưa SLNA vô địch ngày đó gần như là bản sao của Gạch thời ông Calisto với yếu tố duy nhất giúp họ đăng quang là khao khát chiến thắng.

Sau trận thắng Đài Loan, tinh thần của các cầu thủ Việt Nam đang lên rất cao. Ảnh: Minh Hoàng
Điểm nhấn lớn nhất mà ông Thắng để lại trong trận đầu tiên cầm quân ở đội tuyển, cũng chính là khao khát đó. Con người không mới, cách chơi cũng chưa nhuần nhuyễn nhưng thái độ thi đấu thì rất tích cực. Các học trò của ông Thắng “không sợ” đưa bóng lên phía trên dù tỷ lệ chuyền bóng sai của họ chẳng cải thiện chút nào so với thời của Miura.
3. Với năng lực của cầu thủ Việt Nam hiện tại, với mặt bằng V-League không có sự tiến bộ về chất lượng, đừng hy vọng HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ tạo ra một đẳng cấp nào đó trong một thời gian ngắn. Cái chúng ta nên hy vọng đó là tinh thần “muốn thắng” của các cầu thủ, ví dụ như ở trận đấu trước Iraq ngày mai.
Sự tiến bộ của bóng đá Thái Lan là bài học lớn. Đội bóng của Kiatisak vẫn có thể thua các trận "vỡ mặt” khi gặp những đội hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng họ chưa từng sợ phải thua. Chính vì thế, khi gặp các đội nhỉnh hơn một chút, Thái Lan vẫn có thể chơi sòng phẳng kể cả khi bị đối phương dẫn bàn trước. Sức vóc và kinh nghiệm chơi đỉnh cao của cầu thủ Thái Lan không hơn nhiều so với chúng ta nhưng sự tự tin của họ lại là điều mà 2 thập niên qua, bóng đá Việt Nam chưa thể bắt kịp khi vẫn quen với kiểu gặp đội yếu thì coi thường, gặp đội mạnh thì chưa đá đã run chân.
Nói cho cùng, cái chuyện “muốn thắng hay không” xuất phát từ nền tảng của V-League và với quá nhiều trận đấu thiếu tính cạnh tranh thì cũng khó xây dựng cho cầu thủ khao khát chiến thắng ở mọi trận cầu.
HỒ VIỆT